Bỏ giấy ủy quyền chính hãng, muốn nhập ô tô bắt buộc phải có ít nhất 1 cơ sở bảo hành

Nghị định mới về điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã bỏ yêu cầu về giấy ủy quyền nhập khẩu chính hãng nhưng đưa ra các điều kiện ràng buộc hơn đối với các doanh nghiệp trong khâu hậu mãi.

Bỏ giấy ủy quyền chính hãng, muốn nhập ô tô bắt buộc phải có ít nhất 1 cơ sở bảo hành

Nhiều quy định mới trong dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô . Ảnh minh họa: Internet

Bộ Công thương đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. 

Dự thảo Nghị định quy định nhiều nội dung mới trong việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô. Theo đó, dự thảo Nghị định khẳng định mọi doanh nghiệp đều được quyền nhập khẩu ô tô sau khi đáp ứng các điều kiện và được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định.

Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định rõ các điều kiện nhập khẩu ô tô cũng như các quy trình, thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Để bảo đảm sự minh bạch trong việc áp dụng điều kiện nhập khẩu ô tô, dự thảo Nghị định ban hành "Danh mục ô tô nhập khẩu" có điều kiện kèm theo Mã HS. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thuộc danh mục này mới phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định và phải được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô trước khi nhập khẩu.

Đối với các loại ô tô không có tên trong danh mục, việc nhập khẩu thực hiện theo các quy định về quản lý nhập khẩu ô tô tại các văn bản pháp luật khác có liên quan, thủ tục nhập khẩu giải quyết tại cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng có điều khoản quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh Danh mục ô tô nhập khẩu có điều kiện trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ.

Về điều kiện nhập khẩu ô tô, dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng doanh nghiệp nhập khẩu phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định và phải cam kết trách nhiệm bảo hành, triệu hồi ô tô nhập khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, trước mắt, doanh nghiệp nhập khẩu có thể lựa chọn một trong 3 hình thức. Cụ thể là sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp nhập khẩu.

Tuy nhiên, để duy trì môi trường kinh doanh ổn định và bảo vệ lợi ích lâu dài của người tiêu dùng, dự thảo Nghị định quy định tới thời điểm 1/7/2020, doanh nghiệp nhập khẩu bắt buộc phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định tại Nghị định.

Theo ICTNews