Bộ Y tế công bố ca Covid-19 t.ử v.o.ng thứ 71 và 72

Bộ Y tế cho biết 2 ca tử vong liên quan đến Covid-19 đều là 2 bệnh nhân cao tuổi, ở Bắc Giang, có bệnh lý nền nặng.

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo 2 ca tử vong số 71 và 72, đều là những bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền nặng, liên quan đến Covid-19.

Ca tử vong thứ 71 là BN13082, nam, 88 tuổi, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, có tiền sử tăng huyết áp.

 bo-y-te-cong-bo-ca-covid-19-tu-vong-thu-71-va-72

(Ảnh minh họa: Đỗ Linh).

Ngày 13/6, bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 và cho kết quả dương tính. Bệnh nhân được nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Ngày 18/6, bệnh nhân khó thở tăng, thở oxy dòng cao đáp ứng kém được hội chẩn chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU101) tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang.

Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở oxy dòng cao, thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh, chống viêm, chống đông, thuốc vận mạch. Tuy nhiên do tuổi cao, có bệnh mạn tính, bệnh diễn biến nặng dần, mặc dù được cấp cứu điều trị tích cực nhưng bệnh không qua khỏi. Bệnh nhân tử vong ngày 22/6.

Nguyên nhân tử vong là viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan trên bệnh nhân tăng huyết áp, lão suy.

Ca tử vong thứ 72 là BN11081, nam 82 tuổi, ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, có tiền sử tăng huyết áp, gout, đái tháo đường.

Ngày 5/6, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, được nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Ngày 14/6, bệnh khó thở tăng dần được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Tại đây, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực thở oxy dòng cao, thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, thuốc điều chỉnh rối loạn vận mạch, nhưng do tuổi cao, bệnh lý nền nặng, bệnh nhân không qua khỏi. Bệnh nhân tử vong 22/6.

Nguyên nhân tử vong viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan trên bệnh nhân tăng huyết áp, gout, đái tháo đường, lão suy.

Như vậy, đến nay Việt Nam có 72 bệnh nhân Covid-19 tử vong, riêng đợt dịch thứ 4 có 37 trường hợp tử vong.

Theo Dantri

-----

Xem thêm:

Nhiều người hoang mang với tờ giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 kèm "Khuyến cáo không dùng thức uống có cồn trong vòng 50 năm"

 

Mạng xã hội chia sẻ rầm rộ về hình ảnh giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19 kèm "Khuyến cáo không dùng thức uống có cồn trong vòng 50 năm" khiến nhiều người hoang mang.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một tờ giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, điều đáng nói dưới phần đóng dấu của đơn vị tiêm chủng lại kèm "Khuyến cáo không dùng thức uống có cồn trong vòng 50 năm".

Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại TP HCM đang được triển khai trên diện rộng. Thế nhưng, hôm nay (23-6), trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh về một tờ giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại một bệnh viện ở TP HCM. 

Điều khiến nhiều người hoang mang là dưới phần đóng dấu của đơn vị tiêm chủng lại kèm "Khuyến cáo không dùng thức uống có cồn trong vòng 50 năm", nhiều người thắc mắc liệu tờ giấy chứng nhận đó có thật hay không, và câu khuyến cáo ấy đúng hay sai.

nhieu-nguoi-hoang-mang-voi-to-giay-xac-nhan-da-tiem-vac-xin-phong-covid-19-kem-khuyen-cao-khong-dung-thuc-uong-co-con-trong-vong-50-nam

Giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Liên quan đến hình ảnh này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS-BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết thông tin trên là không đúng.
 
Trong  khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc dùng thức uống có cồn làm giảm hiệu quả của vắc-xin Covid-19. Cũng không có bằng chứng cho thấy vắc xin Covid-19 không an toàn đối với những người sử dụng rượu bia. 

Tuy nhiên, CDC và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo người dân nên tránh uống rượu trước và sau khi tiêm chủng ngừa vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước.

Tốt nhất, nên kiêng uống rượu trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi tiêm vắc-xin. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc-xin. 

Ngoài ra, rượu bia được chứng minh là chất làm căng thẳng hệ miễn dịch. Cụ thể, rượu có thể giúp người uống ngủ nhanh hơn nhưng lại gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ tổng thể, tác nhân gây rối loạn chức năng miễn dịch tối ưu.

Theo NLD