Tin sáng 13/4: Bộ Tư pháp nói gì về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe? Sạt lở đất đá bịt kín cửa hầm Đèo Cả, đường sắt Bắc Nam tê liệt

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế có những nghiên cứu mang tính khoa học về việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Bộ Tư pháp nói gì về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe?

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 12/4, bà Lê Thị Vân Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, nhận được câu hỏi liên quan đến quy định về ngưỡng nồng độ cồn nêu ra trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thông tin trên Dân Trí.

Theo bà Vân Anh, Bộ Tư pháp tham gia thẩm định dự thảo luật này (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo), trong đó đề xuất cấm tuyệt đối hay có ngưỡng về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông được dư luận quan tâm.

tin-sang-134-bo-tu-phap-noi-gi-ve-quy-dinh-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-lai-xe-sat-lo-dat-da-bit-kin-cua-ham-deo-ca-duong-sat-bac-nam-te-liet

Một chốt kiểm tra nồng độ cồn của CSGT Hà Nội (Ảnh: Trần Thanh).

Nhấn mạnh Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, khoản 5 Điều 6 nghiêm cấm hành vi điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Bà Vân Anh cho rằng việc cấm hay không cấm phải căn cứ vào tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.

"Trong quá trình thẩm định dự thảo luật, Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế có những nghiên cứu mang tính khoa học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phù hợp với ý thức tham gia giao thông của người dân; đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật", bà Vân Anh thông tin.

Ô nhiễm không khí vượt ngưỡng, Hà Nội sẽ phun nước rửa đường trở lại

Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thành phố sẽ phun nước rửa đường trở lại nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, đồng thời triển khai nhiều giải pháp khác để cải thiện chất lượng môi trường không khí. Tiền Phong đưa tin.

Theo Đại diện Sở TN&MT Hà Nội, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề cấp bách. Các kết quả quan trắc cho thấy, số ngày có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn, xuất hiện trên toàn thành phố, trong đó khu vực nội thành ô nhiễm nghiêm trọng hơn ngoại thành.

tin-sang-134-bo-tu-phap-noi-gi-ve-quy-dinh-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-lai-xe-sat-lo-dat-da-bit-kin-cua-ham-deo-ca-duong-sat-bac-nam-te-liet

Bụi đường là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Theo kết quả nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và Mô hình hoá môi trường thực hiện, nồng độ bụi PM2 ,5 trung bình năm của thành phố trong giai đoạn 2017-2020 đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia gần 2 lần và vượt hơn 8 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Riêng với NO2 và O3, ô nhiễm cục bộ đã xuất hiện tại một số thời điểm.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hoá môi trường, tỷ lệ đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi mịn PM2,5 tại 11 điểm trên địa bàn thủ đô tuỳ vào từng thời điểm là khác nhau. Trong đó nguồn thải từ giao thông chiếm khoảng 58-74%, từ công nghiệp 14-23%, từ nông nghiệp 3,4-18,9%, còn lại đến từ các hoạt động dân sinh và đốt rác. Nghiên cứu cũng chỉ ra, gần 50% bụi PM2,5 đến từ nguồn bên ngoài thành phố.

Theo bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, dân số Thủ đô đã lên tới gần 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%.

Thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ôtô, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu. Tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên.

“Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí’, bà Chi nói. Thành phố đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững.

Công an Quảng Trị truy tìm 'cò đất' bị tố lừa đảo gần 26 tỷ đồng

Ngày 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đang truy tìm đối tượng Hoàng Thị Thu Hiền để điều tra, giải quyết tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra vào năm 2023. Thông tin trên VietnamNet.

Đối tượng Hoàng Thị Thu Hiền (SN 1991, tên gọi khác là Hoàng Ly Sa), quê ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; đăng ký thường trú tại khu phố 2, phường 1, TP Đông Hà; nơi ở khác tại số 23/1 Nguyễn Biểu, phường Đông Lễ, TP Đông Hà, Quảng Trị.

Đối tượng có đặc điểm nhận dạng là vết sẹo cách 1,5cm trên trước đầu mắt phải.

tin-sang-134-bo-tu-phap-noi-gi-ve-quy-dinh-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-lai-xe-sat-lo-dat-da-bit-kin-cua-ham-deo-ca-duong-sat-bac-nam-te-liet

Đối tượng Hoàng Thị Thu Hiền. Ảnh: Công an cung cấp

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 5 - 7/2023, Hoàng Thị Thu Hiền làm nghề mua bán đất, đã liên lạc với nhiều cá nhân để đưa ra thông tin có các lô đất giá rẻ, có thể mua bán để kiếm lời.

Ban đầu, Hiền thực hiện việc nhận, chuyển tiền gốc, tiền lãi theo đúng thỏa thuận để các cá nhân tin tưởng, chuyển tiền cho Hiền để đầu tư giao dịch đất đai.

Đến ngày 26/7/2023, Hiền không chuyển tiền gốc, tiền lãi cho các cá nhân theo thỏa thuận, đồng thời đối tượng bỏ đi khỏi địa phương, không liên lạc được.

Theo các đơn tố giác, số tiền Hiền đã chiếm đoạt của 9 cá nhân lên tới gần 26 tỷ đồng.

Công an tỉnh Quảng Trị đề nghị đơn vị, cá nhân nào phát hiện Hiền ở đâu thì báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị.

Sạt lở đất đá bịt kín cửa hầm Đèo Cả, đường sắt Bắc Nam tê liệt

Lúc 12h45 ngày 12/4, khoảng 100m3 đá trần hầm đường sắt Đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sạt xuống, bịt kín cửa hầm, kéo dài khoảng 5m. Vụ sạt lở khiến đường sắt Bắc Nam đoạn qua Phú Yên - Khánh Hòa tê liệt. Thông tin trên VTC News

Sự cố khiến tàu SE8 chở 300 khách, xuất phát từ ga Sài Gòn sáng nay phải dừng ở ga Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Còn tàu SE5 chở 350 khách, từ Hà Nội phải dừng ở ga Tuy Hòa (Phú Yên).

tin-sang-134-bo-tu-phap-noi-gi-ve-quy-dinh-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-lai-xe-sat-lo-dat-da-bit-kin-cua-ham-deo-ca-duong-sat-bac-nam-te-liet

Hiện trường vụ sạt lở.

 

Đại diện đường sắt phía Nam cho biết, thời điểm xảy ra sạt lở không có tàu khách đi qua. Ngành đường sắt đã huy động ô tô chuyển tải hàng trăm khách từ tàu SE8 sang SE5 và ngược lại, để tiếp tục hành trình.

Dự kiến khoảng 23h đêm nay giao thông đường sắt sẽ được thông.

Lúc 19h cùng ngày, xung quanh hiện trường đất đá ngổn ngang. Nhiều cán bộ, công nhân vẫn đang huy động nhiều máy móc để đào bới đất đá.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng QLĐB III.3, tại Km1368+760/QL.1, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà (khu vực đèo Cả), công trình sửa chữa hầm đường sắt (tuyến Đường sắt Bắc - Nam) gặp sự cố sập hầm. Do tuyến hầm đường sắt giao chéo bên dưới với quốc lộ 1 nên ảnh hưởng đến kết cấu của phần nền đường, tay luy âm trái tuyến.

Nắng ráo khắp cả nước, miền Bắc oi bức trở lại

Nền nhiệt tăng nhanh tại miền Bắc khiến oi nóng gia tăng, nhiều nơi ở Tây Bắc có mức nhiệt cao nhất trên 37 độ C. Sương mù nhẹ vẫn có thể xuất hiện vào sáng sớm khiến chất lượng không khí suy giảm. Tờ Dân Trí đưa tin.

Ngày 13/4, thời tiết chủ đạo trên khắp cả nước là oi nóng. Tại miền Bắc, nền nhiệt tiếp tục tăng nhẹ, chạm mức cao nhất 30-32 độ C ở Đông Bắc Bộ và 31-34 độ C ở Tây Bắc Bộ.

Riêng một số tỉnh như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, mức nhiệt có thể tăng cao trên ngưỡng nắng nóng, đạt mức 35-37 độ C. Một số nơi có thể nắng nóng gay gắt cục bộ trên 37 độ C.

Tại Hà Nội, hiện tượng sương mù nhẹ xuất hiện sáng sớm có thể khiến chất lượng không khí suy giảm đáng kể. Do đang trong thời điểm miền Bắc giao mùa, độ ẩm cao khiến vi khuẩn, virus có thể phát triển, người dân cần chú ý để bảo vệ sức khỏe.

Tại Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết khu vực duy trì nắng nóng và nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày tới. Ngày 13/4, nền nhiệt cao nhất vẫn trong ngưỡng 35-38 độ C.

Khu vực đang trải qua những ngày cao điểm của nắng nóng, mức nhiệt có nơi lên đến 38-39 độ C mặc dù đã vào cuối mùa khô. Nơi nóng nhất trong những ngày tới tiếp tục tập trung tại Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương.

Nắng nóng kéo dài suốt gần 2 tháng qua ở Nam Bộ đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhiều người dân. Ngoài ra, khu vực còn hứng chịu ảnh hưởng của triều cường khiến tình trạng xâm nhập mặn gia tăng.

tin-sang-134-bo-tu-phap-noi-gi-ve-quy-dinh-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-lai-xe-sat-lo-dat-da-bit-kin-cua-ham-deo-ca-duong-sat-bac-nam-te-liet

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều hồ thủy lợi ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ cạn trơ đáy (Ảnh: Hữu Khoa).

Dự báo thời tiết ngày 13/4 tại các vùng trên cả nước:

- Hà Nội: Sáng sớm sương mù, sương mù rải rác, trưa chiều giảm mây trời nắng. Nhiệt độ thấp nhất 24-26 độ C, cao nhất 30-32 độ C.

- Phía Tây Bắc Bộ: Ngày nắng, riêng Tây Bắc có nơi nắng nóng. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C; cao nhất 31-34 độ C, riêng khu Tây Bắc 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

- Phía Đông Bắc Bộ: Sáng sớm sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều giảm mây trời nắng. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 29-32 độ C.

- Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế: Sáng sớm sương mù nhẹ, ngày nắng, riêng vùng núi phía tây có nơi nắng nóng. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất phía bắc 31-34 độ C, riêng vùng núi phía tây có nơi trên 35 độ C.

- Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận: Ngày nắng, có nơi nắng nóng. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C; cao nhất 32-35 độ C.

- Tây Nguyên: Ngày nắng, có nơi nắng nóng. Chiều tối và đêm mưa rào kèm dông vài nơi. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C; cao nhất 32-35 độ C.

- Nam Bộ: Ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C; cao nhất 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Theo GiaDinh