Chuyên gia nói gì về việc sau tiêm vaccine COVID-19 không có phản ứng phụ sẽ không có tác dụng bảo vệ?

Nhiều ý kiến cho rằng, sau tiêm vaccine COVID-19 không có phản ứng phụ gì sẽ không có tác dụng bảo vệ. Điều này có thực sự đúng?​

Thời gian qua, nhiều người được tiêm vaccine COVID-19 đa phần đều chia sẻ gặp phải những phản ứng phụ rất mạnh như sốt cao, cơ thể mệt mỏi, đau đầu… Họ cho rằng điều đó chứng tỏ cơ thể đã tạo miễn dịch.

Tuy nhiên, có những người sau tiêm lại chẳng có phản ứng phụ nào. Khi tiêm về họ cảm giác như chưa hề được tiêm. Không ít người lo lắng việc sau tiêm không có các phản ứng phụ như mọi người chia sẻ là không tốt, không có tác dụng bảo vệ. Điều này có thực sự đúng?.

Về vấn đề này, BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ý) cho biết, đáp ứng sau tiêm ở mỗi người khác nhau. Khi tiêm vaccine vào cơ thể cũng giống như việc chúng ta đưa một chất lạ hay đưa hẳn tác nhân giống tác nhân gây bệnh vào cơ thể.

Cơ thể nhận biết các tác nhân, từ đó tạo ra các kháng thể cũng như tế bào đặc hiệu để chống lại tác nhân gây bệnh. Khi những tác nhân gây bệnh thực sự vào, cơ thể sẽ tiêu diệt các tác nhân gây bệnh đó. Trong quá trình này sẽ xảy ra các hoạt động kích hoạt hệ thống miễn dịch.

Tương tự việc một người bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ đáp ứng với chất lạ theo nhiều cách khác nhau. Có rất nhiều trường hợp chúng ta đã thấy bị mắc COVID-19 mà hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng nào trước đó.

Khi tiêm vào cũng sẽ có người hoàn toàn không có bất cứ biểu hiện gì sau tiêm. Số lượng người này có thể chiếm tới 40% số người được tiêm. Nhiều người đi tiêm về họ cảm giác như chưa hề được tiêm chủng. Điều này là hết sức bình thường.

Ngoài ra, hầu hết vaccine có tác dụng bảo vệ mạnh mẽ, sinh ra miễn dịch mạnh mẽ hay kèm theo những phản ứng tương đối mạnh ở những người được tiêm.

Các vaccine này đều cho người được tiêm cảm giác giống như trải qua lần nhiễm virus. Cơ thể mệt mỏi, chiến đấu với lượng kháng nguyên tạo ra của vaccine, từ đó tạo ra miễn dịch rất mạnh mẽ. Những người đi tiêm về có phản ứng khó chịu như sốt, đau tại chỗ tiêm… cũng là điều bình thường.

chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-sau-tiem-vaccine-covid-19-khong-co-phan-ung-phu-se-khong-co-tac-dung-bao-ve

Sau tiêm vaccine mỗi người có phản ứng phụ khác nhau. Ảnh TL

BS Phạm Quang Thái nhấn mạnh, không thể căn cứ vào có hay không có các phản ứng bất lợi sau tiêm để nói rằng có miễn dịch hay không. Không thể nói rằng với những người không có phản ứng gì lại là những người không có miễn dịch.

Thực tế, mỗi cơ thể có một đáp ứng khác nhau đối với chất lạ từ bên ngoài vào bên trong cơ thể. Và vẫn có những người hoàn toàn không có một phản ứng rõ rệt nào nhưng lại có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ vì họ có sẵn rèn luyện. Giống như họ đã có phơi nhiễm tác nhân tương tự như vậy trong quá khứ. Khi gặp những tác nhân như này họ dễ dàng vượt qua và có được đáp ứng miễn dịch tốt.

"Nếu chỉ căn cứ vào những phản ứng phụ sau tiêm để đánh giá có miễn dịch hay không thì hoàn toàn không chính xác. Muốn biết có miễn dịch phòng bệnh tốt hay không phải thông qua kháng thể tạo ra ở cơ thể người đó như thế nào và khả năng chống chịu của họ khi gặp tác nhân thực tế như thế nào.

Thực tế cho thấy những người dù không cho thấy đáp ứng bất lợi sau tiêm vẫn được bảo vệ tốt với tác nhân gây bệnh là virus SARs-CoV-2" – BS Thái cho hay.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, việc tiêm phòng vaccine COVID-19 hay bất cứ vaccine nào tỷ lệ bảo vệ cũng không thể đạt 100%.

Có nghĩa khi đã tiêm cũng có thể vẫn mắc COVID-19, vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác. Thực tế tiêm chủng nhiều năm qua cho thấy nhiều trường hợp ghi nhận bị nhiễm virus sau khi tiêm, nhất là khi mới chỉ tiêm 1 mũi.

Do đó, dù đã được tiêm vaccine, người được tiêm vẫn cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K (đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân và người xung quanh.

Theo GiaDinh

-------

Xem thêm:

Phụ nữ mang thai có nên tiêm vaccine COVID-19?

Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, tử vong do COVID-19. Các chuyên gia cũng khẳng định rằng, mắc COVID-19 trong giai đoạn thai kỳ cũng tăng nguy cơ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Tại Việt Nam, Quyết định 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19, phụ nữ mang thai thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, do có rất ít dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và đánh giá về tính an toàn của vaccine phòng COVID-19 đối với thai kỳ, vaccine phòng COVID-19 có thể tiêm cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích mang lại cao hơn rủi ro. 

Đối với những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với SARS-CoV-2 (ví dụ: nhân viên y tế) hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (ví dụ: đang mắc bệnh nền), có thể được tiêm vaccine phòng COVID-19 và phải được bác sỹ tư vấn, theo dõi chặt chẽ.

phu-nu-mang-thai-co-nen-tiem-vaccine-covid-19

Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoàng gia Anh quốc (RCOG) khuyến cáo cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi chỉ định vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai. 

Khuyến cáo cập nhật ngày 16/4/2021 khuyên rằng phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine phòng COVID-19 cùng với các nhóm dân cư cuối trong cùng độ tuổi (nếu việc tiêm vaccine triển khai theo độ tuổi). 

Phụ nữ mang thai cần tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu thuộc các nhóm: đang mắc bệnh nền khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19; nhân viên y tế, nhân viên xã hội do có nguy cơ cao phơi nhiễm virus; bị mắc đái tháo đường thai kỳ; béo phì (BMI từ 40 trở lên).

Theo GiaDinh

------

Xem thêm:

Mũi 1 tiêm vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca, mũi 2 tiêm Pfizer có được không?

Có thể tiêm 2 loại vắc-xin Covid-19 ở 2 thời điểm tiêm khác nhau để tăng miễn dịch. Theo nghiên cứu, nếu tiêm mũi 1 là vắc-xin của Astra Zeneca, mũi 2 là Pfizer sẽ cho đáp ứng miễn dịch rất tốt.

Trước thực trạng có một bộ phận người dân đang e ngại, trì hoãn để đợi chờ các vắc-xin Covid-19 khác cho rằng ít tác dụng phụ hơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đến nay không có vắc-xin nào hiệu quả 100% và không có vắc-xin nào an toàn 100%.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện nay, một số nước đã nghiên cứu có thể dùng 2 loại vắc-xin ở 2 thời điểm tiêm khác nhau. Ví dụ, trước mắt có thể dùng của Astra Zeneca, sau có thể dùng Pfizer hoặc một số vắc-xin khác. 

Mũi 1 tiêm vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca, mũi 2 tiêm Pfizer được không? - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho lực lượng công nhân tham gia sản xuất thuộc Công ty FPT Software ở TP HCM - Ảnh: Hoàng Triều

Qua nghiên cứu, nhiều khi vắc-xin khác hãng, khác dòng thì hiệu quả miễn dịch còn cao hơn. "Chúng tôi khuyên người dân khi có vắc-xin nào thì hãy dùng vắc-xin đó, đừng quá kén chọn. Kể cả đã tiêm vắc-xin vẫn phải quan tâm và thực hiện đúng theo khuyến cáo tiêm vắc-xin và thực hiện nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế" - ông Thuấn nhấn mạnh.

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng thông tin thêm đến nay không có vắc-xin nào an toàn 100%. Hiện nhiều nước Châu Âu và Mỹ đang thực hiện nghiên cứu kết hợp 2 loại vắc-xin cho 2 mũi tiêm.

"Số liệu ở Tây Ban Nha cho thấy nếu tiêm mũi 1 là Astra Zeneca, mũi 2 là Pfizer cho kết quả đáp ứng miễn dịch rất tốt, thậm chí tốt hơn khi tiêm cùng một loại. Ở Anh đang nghiên cứu mũi 2 tiêm các loại vắc-xin khác như Moderna hoặc Sputnik… và số liệu bước đầu cũng rất khả quan" - GS Đức Anh nói.

GS Đức Anh cũng khuyến cáo người dân nếu có cơ hội tiêm vắc-xin nào thì nên tiêm luôn vắc-xin đó vì phản ứng sau tiêm giữa các loại vắc-xin có tỉ lệ gần như nhau và không có vắc-xin nào tuyệt đối an toàn 100%.

 
Mũi 1 tiêm vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca, mũi 2 tiêm Pfizer được không? - Ảnh 2.

Vắc-xin Covid-19 đang tiêm cho các đối tượng ở Việt Nam của hãng Astra Zeneca

Trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mới đây, Thường trực Ban chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế nghiên cứu phương án tiêm mũi 2 cùng loại vắc-xin hay 2 loại khác nhau dựa trên kinh nghiệm của thế giới.

Hiện, nhiều quốc gia như Đức, Canada, Anh, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha… đã cho phép, thậm chí khuyến khích người dân tiêm vắc-xin Covid-19 của 2 hãng khác nhau nếu mũi 1 tiêm vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca.

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã thực hiện tiêm 3.593.970 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là 182.481 người. Vắc-xin Covid-19 hiện đang tiêm chủng tại nước ta là của hãng Astra Zeneca.

Theo NLD