Mất mạng vì lạm dụng thuốc giảm đau aspirin



Theo Dailystar đưa tin, Gary Hanley, người đàn ông 52 tuổi sống tại Grimsby, Linconshire (Anh) đã tử vong vì xuất huyết dạ dày sau khi sử dụng thuốc aspirin trong suốt 5 năm.

Theo Dailystar đưa tin, Gary Hanley, người đàn ông 52 tuổi sống tại Grimsby, Linconshire (Anh) đã tử vong vì xuất huyết dạ dày sau khi sử dụng thuốc aspirin trong suốt 5 năm. 

Gia đình của Gary Hanley cho biết, anh luôn uống thuốc aspirin có tên Anadin Extra bất kể khi nào có triệu chứng đau đầu nhẹ.

Việc sử dụng thuốc aspirin liên tục trong 5 năm và không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ đã dẫn đến cái chết của Gary là hồi chuông cảnh báo cho việc sử dụng thuốc tràn lan, không có chỉ dẫn, đặc biệt là thuốc giảm đau của người dân. 

Pfizer Consumer Healthcare, công ty sản xuất thuốc giảm đau Anadin Extra cho biết chỉ người trên 16 tuổi mới được dùng thuốc giảm đau này. Theo hướng dẫn, 4 giờ mới được uống 2 viên giảm đau và người bệnh không được uống quá 8 viên trong vòng 24h.

Mất mạng vì lạm dụng thuốc giảm đau aspirin

 Sử dụng thuốc aspirin liên tục trong vòng 5 năm đã gây ra cái chết của Gary Hanley

Bản chất chính của thuốc aspirin là có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm; thường được chỉ định dùng để làm giảm các cơn đau nhẹ và vừa, đồng thời giảm sốt. 

Thuốc aspirin cũng được sử dụng trong các trường hợp viêm cấp tính và mạn tính như: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên, viêm thoái hóa xương khớp và viêm đốt sống dạng thấp.

Ngoài ra, với tác dụng chống tập kết tiểu cầu nên thuốc được dùng để điều trị dự phòng thứ phát các trường hợp nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở những người bệnh có tiền sử về những bệnh này.

Thực tế trong nhóm thuốc salicylat thì aspirin thường gây nên tai biến nhiều nhất, trong đó đứng hàng đầu là phản ứng có hại về tiêu hóa, chủ yếu là ở dạ dày.

Tác dụng có hại xảy ra do thuốc ức chế mạnh sự tổng hợp prostaglandin nội sinh, đây là chất rất cần cho việc bảo vệ niêm mạc dạ dày chống lại các yếu tố tấn công vì chúng có khả năng kích thích bài tiết chất nhầy, bài tiết bicarbonat và duy trì lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày; hơn nữa còn có thể làm giảm lượng acid chlorhydric tại đây.

Các trường hợp sử dụng thuốc aspirin thống kê cho thấy có khoảng từ 6 - 33% người dùng bị các phản ứng phụ nhẹ như: ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát trong dạ dày...

Tuy nhiên, hai phản ứng có hại quan trọng cần lưu ý là chảy máu dạ dày và viêm loét dạ dày. Vấn đề cần quan tâm là trên thực tế thường không có sự tương quan giữa các triệu chứng cơ năng và những bệnh lý tổn thương thực thể do thuốc aspirin gây ra.

Để xử trí hai trường hợp bị tai biến chảy máu dạ dày và viêm loét dạ dày đã nêu trên do sử dụng thuốc aspirin, phải cần ngừng ngay thuốc đang dùng.

Sau đó sử dụng các loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc ức chế acid chlorhydric, kháng histamin... Đồng thời dùng các biện pháp hồi sức quy định trong chảy máu tiêu hóa nặng.

Để đề phòng tai biến xảy ra, cần cẩn thận khi dùng thuốc. Chỉ sử dụng aspirin khi thật cần thiết và có chỉ định của bác sĩ; thuốc được uống theo bữa ăn với liều lượng tối thiểu đủ khả năng tác dụng.

Đối với những người bệnh có sẵn bệnh lý dạ dày mà bắt buộc phải dùng thuốc aspirin để điều trị mới có hiệu quả vì diễn biến của một bệnh có thể đe dọa tính mạng hay tiên lượng bệnh nặng thì cần phải phối hợp với thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc ức chế acid chlorhydic của dạ dày như đã nêu trên.

Theo vietq