Mùa hè: Cẩn trọng với món cà muối chua

Vào mùa hè, cà muối ăn cơm kèm canh luôn được coi là món khoái khẩu, giúp đưa cơm, ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần nắm rõ cách ăn cà nếu không muốn mình bị ngộ độc, tổn hại sức khỏe.

Cà sống chưa đủ lên men chứa độc tố solanin

Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, cà pháo có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tiêu viêm, nhuận tràng, chỉ thống, chữa nóng lạnh, ngũ tạng hao tổn, tiêu sưng, cầm máu, tán huyết ứ, lợi tiểu, kích thích gan và tụy, kích thích tim, chữa táo bón giảm niệu, xuất huyết đại tràng, đái ra máu, đi lỵ ra máu, phụ nữ rong kinh.

Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, cà pháo chứa hàm lượng vitamin E, P cao, protein và các khoáng chất như sắt, canxi, magie, phốt pho, Nightshade soda – có tác dụng phòng chống ung thư, ức chế tăng sinh khối u ở hệ thống tiêu hóa.

"Mặc dù vậy, trong cà pháo, đặc biệt là loại cà xanh lại có chất solanin cao gấp 10-15 lần so với mức an toàn khi tiếp xúc với cơ thể. Loại chất này chính là phần chất độc nằm ở mầm xanh hoặc những phần màu xanh của khoai tây.

Chỉ với hàm lượng nhỏ solanin cũng có thể khiến bạn bị ngộ độc", lương y Bùi Hồng Minh khẳng định.

mua-he-can-trong-voi-mon-ca-muoi-chua

Cà muối là món ăn ngon nhưng không tốt cho sức khỏe

Vào mùa hè, chúng ta thường có thói quen ăn cà muối xổi, thậm chí chỉ muối được vài tiếng là ăn luôn. Cà muối xổi chan với canh húp xì xụp dường như là món không thể thiếu trên mâm cơm mùa hè, giúp bạn ăn ngon miệng.

Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, việc ăn cà muối kiểu này chưa đảm bảo cà được lên men, cà thậm chí còn sống nguyên nên nguy cơ bị ngộ độc do nhiễm solanin là điều khó tránh.

Do đó, cách tốt nhất là ăn cà muối chua, hoặc muối cà 1 ngày rồi mới ăn.

Mỗi lần ăn, bạn cũng không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ, người già, người ốm mệt, phụ nữ mang thai, sau sinh, người mới ốm dậy… không nên ăn cà.

Ăn cà muối trong thùng sơn có nguy cơ bị ung thư

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), cà muối hoàn toàn có thể gây độc cho cơ thể nếu bị nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, chuyên gia đặc biệt lưu ý việc muối cà trong thùng sơn.

"Hầu hết các thùng đựng sơn đều được làm từ nhựa Polime đã kết dẻo, tạo thành từ những đơn chất có tên là monome.

Trong quá trình chế tạo, các phân tử này có thể vẫn tồn tại và hòa tan vào nước. Do đó, khi chúng ta muối cà, chất này có khả năng hòa tan vào nước muối.

Sau đó sẽ ngấm vào cà, đi vào máu, tế bào qua đường ăn uống, lâu dần có thể gây ung thư", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.

Chưa hết, dư lượng chất phụ gia, chất tạo màu còn sót lại ở thùng sơn cũng khiến cơ thể bị nhiễm độc khi ăn cà muối. Do đó, nếu bạn không tự muối cà mà đi mua ngoài hàng, nhất định phải xem xét cà được muối trong vật dụng nào.

Những ai không nên ăn cà?

Theo lương y Vũ Quốc Trung, Phòng khám y học cổ truyền chùa Cảm Ứng, Hà Nội quả cà là một thực phẩm, trong đông y quả cà được gọi là di tử, ải tử. Người dân hay gọi là cà pháo.

Trong thân, lá, hoa và quả cà pháo có chứa một ít chất độc. Loài cà nào có vị đắng nhiều tức là chất độc càng cao. Chất độc trong cà thường được biết tới là các alkaloids.

Thói quen ăn cà muối chưa chín, cà muối xổi, cũng rất nguy hiểm vì trong quả cà pháo còn có một lượng solanin độc.

Quả cà chưa muối chín có lượng solanin cao hơn nhiều so với quả chín. Solanin rất độc, thậm chí với hàm lượng rất nhỏ.

Theo Đông y, cà pháo có tính hàn (thậm chí rất hàn), vì vậy kiêng dùng đối với người hư hàn, thận trọng khi phối hợp với các thức ăn hàn, nên ăn kèm các gia vị có tính ôn như: tỏi, ớt, sả…

Người mới đau dậy, suy nhược không nên ăn cà, càng không nên ăn sống. Khi cơ thể vừa mới khỏi bệnh, hoặc đang bị bệnh (cảm, tiêu chảy…) ăn cà, bệnh sẽ nặng hơn.

Chính vì vậy, người vừa mới ốm dậy, phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh cần lưu ý không nên ăn cà pháo.

Ngoài ra do đặc tính cà muối mặn nên người có bệnh tim, tăng huyết áp, bệnh thận, bệnh gan không nên ăn dưa, cà muối chua vì chúng chứa nhiều muối, men tiêu hóa cao, có thể gây ra những biến chứng bất lợi cho sức khỏe.

Chú ý cách muối cà cho đúng và tốt nhất là không nên ăn cà muối xổi

Tuyệt đối không ăn dưa, cà muối xổi

Việc ăn dưa cà muối sớm quá (tức ăn dưa xổi) cũng không tốt. Khi đó dưa, cà vẫn còn cay, hăng và chưa chua. Đó là vì khi mới lên men, dưa, cà có thể phát sinh cả vi khuẩn gây hại. Dưa xổi chưa đủ tính acid để diệt loại vi khuẩn này.

Đồng thời khi mới muối, cải, hành, cà thường có sự biến đổi nitrat (tồn dư trong rau củ do được bón phân ure, hoặc do hút từ đất có nitrat cao) thành nitrit. Nitrit gây hại cho cơ thể, và chúng đặc biệt có nhiều trong dưa ở khoảng 3 ngày đầu. Những ngày sau, khi dưa chín vàng thì lượng nitrit giảm xuống.

Theo ĐSVN