Nhận BHXH một lần: Thiệt khi về già

 Nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già khi không còn khả năng lao động.

Nhận BHXH một lần: Thiệt khi về già
Khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già. Ảnh minh họa

Không thể có lợi

Tình trạng người lao động đề nghị thanh toán BHXH một lần tiếp tục gia tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số người lao động khi về già không có lương hưu đang tăng lên.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có hơn 13 triệu lao động tham gia đóng BHXH, chiếm 24% tổng số lao động. Từ năm 2013 đến năm 2016, cả nước có 2,5 triệu người lao động xin lĩnh BHXH một lần. 

Dự báo, năm 2017 có gần 700 nghìn người, như vậy bình quân mỗi năm có hơn 600 nghìn người rời xa quỹ hưu trí. Hiện số người nhận BHXH một lần tương đương số người tham gia mới vào hệ thống, đồng nghĩa với việc không hoàn thành mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH.

“Lựa chọn nhận BHXH một lần không thể có lợi được”, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, một năm khoản tiền đóng BHXH tương ứng khoảng 2,64 tháng lương. Nếu lãnh BHXH một lần, chỉ được hưởng bằng 2 tháng lương. Như vậy người lao động đã bỏ lại 0,64 tháng lương mỗi năm làm việc. 

Chưa kể, trong 22% tiền lương đóng BHXH hàng tháng, người lao động chỉ đóng có 8%, còn doanh nghiệp đóng 14%. Quan trọng, hôm nay người lao động còn trẻ, nhận BHXH một lần có được một khoản làm việc này, việc khác. Nhưng về già, sau 60 tuổi, khi hết tuổi lao động rồi, người lao động sống bằng gì?

“Khi nhận BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) nói.

Quan trọng, thay vì nhận BHXH một lần, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước.

Trong thời gian bảo lưu nếu chẳng may bị chết, gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở).

Tiền đóng vào Quỹ BHXH là của để dành quý giá

Trong các chế độ của BHXH (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) thì hưu trí là chế độ dài hạn, là mục tiêu quan trọng nhất của chính sách BHXH, nhằm lo cho cuộc sống lúc tuổi già. 

Theo Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, cần hiểu rằng khoản tiền đóng vào Quỹ BHXH là của để dành quý giá của chính mình. Khoản tiền này không mất đi mà ngày một tăng thêm giá trị do được cơ quan BHXH quản lý, đầu tư tăng trưởng.

Nhìn tổng thể cả quá trình hàng chục năm thì rõ ràng, nhận lương hưu có lợi hơn rất nhiều. Ông Được tính toán, một người lao động đủ có 20 năm đóng BHXH với mức tiền lương đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng. Nếu nhận BHXH một lần, nam hay nữ chỉ được nhận 124 triệu đồng. Nhưng nếu hưởng lương hưu, lao động nam được nhận 518,5 triệu đồng, nữ được 758,5 triệu đồng.

Người hưởng lương hưu còn được điều chỉnh tăng mức lương theo mức điều chỉnh do Chính phủ quy định. Ngoài ra, còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ BHYT. Khi chết, gia đình còn được trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nếu đủ điều kiện hoặc được hưởng trợ cấp tuất một lần với mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu.

“Là đơn vị tổ chức thực hiện chính sách, chúng tôi thực sự cảm thấy rất tiếc khi người lao động lựa chọn phương án nhận BHXH một lần thay vì tích lũy để hưởng lương hưu”, ông Được khuyên người lao động cần cân nhắc kỹ trước khi làm đơn đề nghị hưởng BHXH một lần.

Sơn Quân

Theo thanhtra