Phim 'Người Nhện và Nữ hoàng Băng giá Elsa' cho trẻ em ngập tràn hình ảnh phản cảm

Thời gian gần đây, bộ phim “Người Nhện và Nữ hoàng băng giá Elsa” trên Youtube dành cho trẻ em xuất hiện nhiều clip dung tục, phản cảm khiến phụ huynh bất bình.

Tràn ngập hình ảnh phản cảm

Theo báo Trí Thức Trẻ, hiện nay, những bộ phim hoạt hình thuộc thể loại cosplay (tạo hình giống nhân vật trong truyện) đang được rất nhiều trẻ em ưa chuộng.

Điển hình nhất trong thời gian gần đây là bộ phim có tựa đề "Người Nhện và Nữ hoàng Băng giá" (tên tiếng Anh là Spiderman Elsa) đang được hàng triệu đứa trẻ theo dõi và tìm kiếm mỗi ngày.

Khi quan sát con em mình xem các đoạn clip này, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra khá yên tâm vì chúng đều là những nhân vật quen thuộc như người nhện hay nữ hoàng băng giá.

Chưa kể đến, việc xem phim hoạt hình có thể giúp các em tăng khả năng sáng tạo, vui vẻ và có thêm kiến thức về một số nhân vật nổi tiếng.

Phim 'Người Nhện và Nữ hoàng Băng giá Elsa' cho trẻ em ngập tràn hình ảnh phản cảm

Một cảnh phản cảm của phim "Người Nhện và Nữ hoàng Băng giá". Ảnh: PLXH

Tuy nhiên, nếu bỏ ra vài chục phút theo dõi, nhiều người hoảng hốt khi phát hiện một số tập của bộ phim là những clip nhảm nhí, không logic, không có cốt truyện, không mang tính giáo dục cho con trẻ, và điều tồi tệ hơn nữa là có nhiều chi tiết nhạy cảm, dung tục và không phù hợp với trẻ em. 

Cụ thể, lượt sản xuất của phim hoạt hình này đã lên đến con số hàng trăm tập.

Không chỉ dừng lại ở chi tiết đâm chém, máu me rùng rợn, điều khiến nhiều phụ huynh bức xúc là hoạt cảnh thể hiện quan hệ tình yêu đôi lứa cũng được đưa vào clip.

Theo dõi nhiều tập khác, diễn biến đa phần là các nhân vật lao vào đánh nhau, dọa nhau với một kịch bản không logic, thậm chí chẳng có chút liên quan nào. 

Những đứa trẻ có thể dễ dàng tìm thấy các video này bởi tag được gắn dưới mỗi video là Spiderman, Elsa hay nhiều cái tên mà bọn trẻ gõ vào thanh tìm kiếm mỗi ngày.

Tại Việt Nam, những đoạn clip có nội dung xấu được kiểm soát kỹ càng hơn, thế nhưng các clip khác, cụ thể là phiên bản nước ngoài của Spiderman Elsa có nội dung phản cảm hơn rất nhiều.

Tác hại khôn lường với trẻ nhỏ

Nhiều người không để ý rằng chính những chi tiết phản cảm của bộ phim có thể sẽ ăn sâu vào tiềm thức trẻ nhỏ, khiến chúng dễ phát sinh hành động "bắt chước" mà không hề suy nghĩ việc đó là tốt hay xấu.

Chưa kể tới việc tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử sẽ gây hại cho trẻ em, đa phần bố mẹ hiện nay đều không có nhiều thời gian dành cho con em mình.

Thay vì ngồi bên quan sát xem con đang xem gì, làm gì, học gì thì họ "vứt" cho con smartphone và mặc kệ chúng ngồi hàng tiếng đồng hồ mà không chán.

Nếu không quan sát và để ý đều việc này thì chúng ta đang vô tình đẩy con em mình vào một thế giới ảo mà dễ thành thật. Để tìm kiếm và tiếp xúc với những bộ phim thế này không phải là điều quá khó. 

Chia sẻ trên báo Pháp Luật Xã hội, nhiều người cho rằng, việc sản xuất những thước phim phản cảm, gây "đau mắt" người xem là lỗi của nhà sản xuất.

Nhưng ở đây, cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Nếu cha mẹ giám sát con kỹ hơn, hạn chế chương trình con em mình được xem thì không có chuyện các bé "nhảy" vào những bộ phim thiếu tính giáo dục.

Phim 'Người Nhện và Nữ hoàng Băng giá Elsa' cho trẻ em ngập tràn hình ảnh phản cảm

Những hình ảnh hở hang như thế này đầy rẫy trên phim "Người Nhện và Nữ hoàng Băng giá". Ảnh: Trí Thức Trẻ

"Các vị cứ đổ lỗi cho Youtube, lỗi do nhà làm phim,...mà không nhìn nhận ra lỗi của chính mình. Những người làm cha mẹ khi để vào tay con chiếc iPad, smartphone thì đồng nghĩa với việc phải quản lí con kỹ càng hơn. Mạng xã hội, youtube,... đều chứa đựng những mặt trái.

Không nên bỏ mặc con tự chọn chương trình giải trí. Nên định hướng và hạn chế", nicknamne Hồng M bình luận.

Khi internet là công cụ không thể thiếu của mỗi người, thì mạng xã hội, các trang nghe, xem trực tuyến như Youtube cũng dễ dàng trở thành nơi mà ai cũng có thể trở thành "nhà sản xuất phim", "diễn viên", sản sinh ra những sản phẩm không được cơ quan chức năng kiểm duyệt, những món ăn tinh thần vô bổ, thậm chí độc hại rồi tự do tung lên mạng.

Có lẽ mỗi người, mỗi bậc cha mẹ hãy cẩn trọng, biết "gạn đục khơi trong" khi lựa chọn "món ăn tinh thần" cho con.

Mạng xã hội, YouTube luôn tồn tại những "nguy hiểm" mà nếu không cảnh giác, không theo bám hoạt động vui chơi giải trí của trẻ em trong thế giới ảo này, chúng ta rất dễ đẩy con mình đến những trò tiêu khiển, những bộ "phim hoạt hình", phim cho giới trẻ chứa đầy hình ảnh bạo lực, phản cảm.

Theo vietq