Số ca mắc COVID-19 vượt 2.000, TP.HCM tăng số giường điều trị lên 5.000

Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ngành y tế TP.HCM đã chủ động tăng số giường điều trị dành cho bệnh nhân COVID-19 từ 3.500 giường lên 5.000 giường.

Sáng nay (24/6), Sở Y tế TP.HCM cho hay, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vẫn còn diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc COVID-19 đã lên tới 2.098 (tính đến sáng 24/6), ngành y tế Thành phố đã chủ động tăng số giường điều trị dành cho bệnh nhân COVID-19 từ 3.500 giường lên 5.000 giường theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo Thành phố giao.

Theo đó, từ ngày 24/6, Bệnh viện huyện Bình Chánh tạm thời chuyển đổi thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh với quy mô 500 giường.

Ngoài 9 bệnh viện với quy mô 3.500 giường đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố, ngành y tế TP.HCM tiếp tục tạm chuyển đổi công năng của Bệnh viện huyện Bình Chánh với quy mô 500 giường và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức với quy mô 1.000 giường trở thành những bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, nâng tổng số giường điều trị COVID-19 trên địa bàn Thành phố lên 5.000 giường.

Theo Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện huyện Bình Chánh sẽ tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ bệnh viện trở thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày mai (25/6).

Sở Y tế phân công Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ nhân lực chuyên Khoa Nhiễm và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ nhân lực chuyên Khoa Hồi sức cấp cứu cho Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh. Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh có quy mô 500 giường (bao gồm cả giường trẻ em) với 20 giường hồi sức.

so-ca-mac-covid-19-vuot-2-000-tp-hcm-tang-so-giuong-dieu-tri-len-5-000

Từ hôm nay (24/6), Bệnh viện huyện Bình Chánh tạm thời chuyển đổi thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh với quy mô 500 giường. Ảnh: Sở Y tế

Riêng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh ngoại trú, tạm ngừng toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ khu vực điều trị nội trú của bệnh viện để trở thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Thủ Đức theo mô hình tách đôi bệnh viện, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 28/6. 

Sở Y tế phân công Bệnh viện Lê Văn Việt tạm thời tiếp nhận bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.

Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ nhân lực chuyên Khoa Nhiễm và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố hỗ trợ nhân lực chuyên khoa để can thiệp điều trị tại chỗ (khi cần). Bệnh viện điều trị COVID-19 Thủ Đức có quy mô 1.000 giường (bao gồm cả giường trẻ em) với 25 giường hồi sức.

Như vậy, để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ngành y tế Thành phố đã chủ động hiện thực hoá kế hoạch 5.000 giường điều trị COVID-19 bằng nhiều phương thức khác nhau như bệnh viện dã chiến hay tạm thời chuyển đổi công năng toàn bộ bệnh viện hoặc chuyển đổi công năng một phần bệnh viện theo mô hình tách đôi bệnh viện đối với các bệnh viện hội đủ các điều kiện cả về hạ tầng cơ sở và nhân lực trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19.

Các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 trên địa bàn Thành phố hiện nay gồm có 11 đơn vị. Cụ thể là Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (300 giường); Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi (500 giường); Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường); Bệnh viện Điều trị COVID-19 Bình Chánh (500 giường); Bệnh viện điều trị COVID-19 Thủ Đức (1.000 giường); Bệnh viện Điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch (500 giường); Bệnh viên Điều trị COVID-19 Trưng Vương (1.000 giường); Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (100 giường); Bệnh viện Nhi Đồng 2 (60 giường); Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (400 giường); Bệnh viện Chợ Rẫy (40 giường hồi sức).

Theo GiaDinh