Suýt mất mạng vì tưởng khỏi sốt xuất huyết khi không còn sốt

Không ít trường hợp lâm vào tình trạng tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” khi thấy hạ sốt cho rằng đã khỏi bệnh sốt xuất huyết. Mới đây một trường hợp được chia sẻ trên mạng xã hội sau 9 ngày nghĩ khỏi sốt xuất huyết nhưng ngay sau đó đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Suýt mất mạng vì tưởng khỏi sốt xuất huyết khi không còn sốt
Khi mắc sốt xuất huyết nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước mát hoặc nước trái cây để giải nhiệt, tránh ăn những thức ăn khó tiêu. Ảnh: T.L

Rơi vào nguy kịch vì nghĩ sốt xuất huyết đã khỏi

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ rầm rộ về lời cảm ơn của một người vợ có chồng bị sốt xuất huyết đã được các bác sĩ cứu sống trong gang tấc. Theo đó, chồng chị bị sốt 9 ngày, tưởng đã khỏi nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng nguy kịch tính mạng.

Về trường hợp này, ThS.BS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus kí sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho rằng, trường hợp này vẫn có thể gặp nhưng hiếm. Nguyên nhân trở nặng muộn có thể là tính ngày bắt đầu bị ốm không chính xác nên lúc tình trạng tưởng khỏe (thời kỳ lui bệnh) thực ra lại là ngày chuyển nặng. Hơn nữa phải xem người bệnh có dùng thêm thuốc gì làm tụt nhanh tiểu cầu không...

Sốt xuất huyết ở người lớn rất khác sốt xuất huyết ở trẻ em. Trẻ em thường có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết. Ở người lớn thì ngược lại, xuất huyết nhiều hơn sốc và sốt cao hơn trẻ em. Khi sốt thường kèm lạnh run, nhức đầu, thời gian sốt kéo dài từ 7-10 ngày (trẻ em thường từ 5-7 ngày). Xuất huyết thường xuất hiện sau 2-3 ngày sốt cao, những chấm xuất huyết dưới da xuất hiện tự nhiên sau khi đụng chạm nhẹ, chảy máu răng, chảy máu mũi.

Thông thường bệnh sốt xuất huyết sẽ khỏi sau 7 ngày nếu không có biến chứng. Trong trường hợp sốt xuất huyết diễn biến nặng có thể kéo dài hơn. Các bệnh nhân cần phải theo dõi liên tục hằng ngày cho đến hơn 7 ngày. Dấu hiệu khỏi bệnh là hết sốt trong vòng 48 giờ, ăn ngon miệng, tiểu nhiều, số lượng tiểu cầu có xu hướng gia tăng, tay chân nổi các chấm đỏ li ti gọi là ban hồi phục, nhịp tim có thể đập không đều nhưng không nguy hiểm, sau đó sẽ khỏi hẳn. Những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang nguy kịch là mệt, kích thích hoặc li bì, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, phù nề mặt - chân tay hoặc toàn thân, chảy máu mũi - răng lợi - dưới da hoặc tiêu hóa niệu - sinh dục, mạch nhanh, chi lạnh, huyết áp hạ, tiểu cầu giảm, tăng Hct…

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, không ít trường hợp nghĩ hết sốt là bệnh khỏi, tuy nhiên đó là suy nghĩ sai lầm. Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, đây không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng.

Từ ngày thứ 4 tính từ khi bắt đầu sốt trở đi là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Người bệnh sẽ không sốt cao như những ngày trước nên nhiều người nghĩ bệnh đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi. Song chính giai đoạn này có thể có biến chứng nặng.

Người bệnh có thể bị sốc hoặc giảm tiểu cầu, thoát dịch. Trường hợp bệnh nhân sốc là do tính thấm mao mạch gia tăng, với hậu quả thoát huyết tương ra ngoài khoang dịch kẽ với lượng lớn, là nguyên nhân của tình trạng cô đặc máu. Trường hợp bệnh nhân nếu bị thoát dịch quá nhiều có thể dẫn tới sốc. Khi bệnh nhân bị sốc nếu không được xử lý sớm, đúng cách bệnh nhân có thể bị suy đa phủ tạng và có thể dẫn tới tử vong.

Bên cạnh đó, người bệnh sẽ bị giảm tiểu cầu trong máu, khiến cho khi chảy máu bệnh nhân sẽ không cầm được máu. Bệnh nhân mất máu quá nhiều có thể nguy kịch tính mạng trong trường hợp chảy máu ở những vị trí quan trọng như: Chảy máu não, xuất huyết dạ dày, dong kinh ồ ạt…

Điều cần làm tránh biến chứng nặng

Các chuyên gia khuyến cáo, sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp bệnh nhân có diễn tiến nặng lên do chủ quan không đến các cơ sở y tế chẩn đoán kịp thời vì lầm tưởng là sốt siêu virus. Bởi vậy, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Mọi người nên chú ý khi có các dấu hiệu bệnh nặng như sốt có xuất huyết ổ, cục, máu tụ ngoài da, sốt kèm theo đau bụng, kèm theo đi tiểu ra máu, sốt kèm theo đi ngoài phân đen... Đặc biệt người bệnh bị mất ý thức đột ngột thì đó là một triệu chứng rất nặng, cảnh báo sốt xuất huyết thể não. Trong trường hợp này, người bệnh cần được đến ngay bệnh viện để theo dõi, điều trị. Khi bệnh đã có dấu hiệu hồi phục vẫn cần được theo dõi để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khi điều trị tại nhà (sốt xuất huyết cấp độ 1 và 2), người bệnh chỉ uống paracetamol để hạ sốt, ngoài ra không được dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước mát hoặc nước trái cây để giải nhiệt, tránh ăn những thức ăn khó tiêu.

Bên cạnh đó lưu ý tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết, chỉ truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ. Truyền dịch trong sốt xuất huyết khá phức tạp, không giống truyền dịch trong sốt thông thường. Việc chỉ định truyền dịch gì, truyền bao nhiêu phải căn cứ vào từng giai đoạn và mức độ cụ thể của người bệnh. Trong giai đoạn sốt cao (2-3 ngày đầu của bệnh), tốt nhất nên bổ sung nước bằng cách uống oresol hoặc nước hoa quả.

Trong giai đoạn biến chứng nguy hiểm (4-6 ngày tiếp theo), nếu bệnh nhân có tình trạng thoát dịch nhiều, thầy thuốc sẽ chỉ định truyền dịch với liều lượng và chủng loại phù hợp theo phác đồ. Sang giai đoạn hồi phục (từ ngày thứ 7 trở đi), có thể bệnh nhân tái hấp thu lượng dịch đã thoát trong giai đoạn trước, cần tránh tuyệt đối truyền dịch. Truyền dịch không đúng chỉ định, liều lượng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như phù nề, suy hô hấp…

Khi điều trị tại nhà (sốt xuất huyết cấp độ 1 và 2), người bệnh chỉ uống paracetamol để hạ sốt, ngoài ra không được dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước mát hoặc nước trái cây để giải nhiệt, tránh ăn những thức ăn khó tiêu.

BS Nguyễn Trung Cấp

Theo giadinh