Thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia để ngăn ngừa sốt xuất huyết và Zika

Theo Bộ Y tế, bắt đầu từ tháng 3/2017, dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam sẽ tiến hành thả muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang vi khuẩn Wolbachia để phòng ngừa sốt xuất huyết và Zika.

Thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia để ngăn ngừa sốt xuất huyết và Zika

Theo kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt, dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vằn mang Wolbachia trong thời gian 12-18 tuần tại 2 khu vực ở phía Bắc và phía Nam của TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nơi có khoảng 55.900 người thuộc 12.600 hộ gia đình sinh sống.

Trong đó, khu vực phía Bắc gồm 2 phường Vĩnh Phước và Vĩnh Thọ; khu vực phía Nam gồm phường Vĩnh Trường và 4 tổ dân phố của phường Phước Long (giáp với Vĩnh Trường).

Sau khi được thả, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sẽ dần lan truyền và phát triển nhờ quá trình cặp đôi và sinh sản tự nhiên của muỗi. Muỗi vằn đực mang Wolbachia khi giao phối với muỗi vằn cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở (làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh). Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực (mang hay không mang Wolbachia) sẽ đều sản sinh ra thế hệ muỗi mới mang Wolbachia.

Nhờ 2 cơ chế trên, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ dần chiếm ưu thế hơn trong quần thể muỗi vằn tự nhiên và giúp hạn chế lan truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika mà không làm tăng số lượng muỗi trong cộng đồng.

Theo Infonet