Toàn thân chảy mủ vì dùng đông y không rõ nguồn gốc chữa bệnh

Mới đây, trường hợp của một bệnh nhân nam mắc vảy nến đã tự ý tìm mua thuốc đông y không rõ nguồn gốc về đề chữa bệnh đã khiến toàn thân chảy mủ, da mặt và da bàn tay, bàn chân bong tróc.

Tại buổi chia sẻ thông tin về bệnh vảy nến do Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức, anh Trần Công L. là một trong nhiều bệnh nhân không may mắc bệnh vảy nến đã chia sẻ câu chuyện bệnh tật của mình.

Anh L. kể, anh bị bệnh này 16 năm nay. Khi biết bệnh không chữa được anh rất hoang mang và không tin. Vì thế, ai mách chỗ nào anh tìm đến lấy thuốc uống chỗ đó với hi vọng chữa được bệnh.

Chỉ những ai mắc bệnh vảy nến mới biết nỗi khổ của căn bệnh này, căn bệnh bị cộng đồng xa lánh còn người bệnh tự ti do những mảng da bong tróc nhất là về mùa đông.

Cũng theo anh L, anh mua thuốc đông y uống và dẫn đến bệnh bùng phát. Toàn thân từ da mặt, da chân, tay, lưng, bụng mưng mủ, nhìn rất sợ hãi. Anh phải vào Bệnh viện Da liễu trung ương cấp cứu cả tháng trời. Sau đó, da toàn thân của anh tróc ra thành từng mảng trắng xoá. 

Toàn thân chảy mủ vì dùng đông y không rõ nguồn gốc chữa bệnh

Hình ảnh bệnh nhân vảy nến điều trị tại BV Da liễu Trung ương. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Thoát khỏi những ngày tháng điều trị bệnh biến chứng do thuốc nam, anh L. vẫn không từ bỏ hi vọng có thể tìm được bài thuốc nào đó chữa bệnh. Tâm lý có bệnh thì vái tứ phương. Anh lại quay sang cắt thuốc nam uống.

Gói thuốc bột đó anh L không nhớ nó tên là gì. Chỉ biết anh mới uống 6 thìa thôi thì đã bị biến chứng suy thận. Thận teo lại, không đi tiểu được và thận không phục hồi. Đến giờ, anh là bệnh nhân nhân chạy thận nhân tạo mỗi tuần ba lần. Anh L. nhắc đi nhắc lại chỉ 6 thìa thuốc chữa bệnh vảy nến.

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, trên thực tế có không ít bệnh nhân khi mắc bệnh vảy nến thường nghe theo lời quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh vảy nến nên đã tự ý đi điều trị gây hậu quả nặng nề rồi mới chịu đến bệnh viện.

Bên cạnh đó, theo PGS. Doanh, có trường hợp biến chứng là hậu quả của việc dùng thuốc không theo chỉ định bác sĩ, trong đó hay gặp nhất là ngộ độc do kim loại nặng, rất nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị theo dân gian khiến ngộ độc asen mạn tính, hoặc các thuốc dùng không kiểm chứng, thuốc pha thêm đông y vào tây y khiến gặp các biến chứng suy thận, suy thượng thận.

PGS. Doanh cũng cho hay, ước tính có khoảng 2-3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5-2% dân số mắc bệnh vảy nến.

Tại BV Da liễu Trung ương hiện đang quản lý hơn 2000 hồ sơ bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Hầu hết các trường hợp vảy nến là thể nhẹ, một số trường hợp thể vừa và thể nặng cần được dùng các thuốc toàn thân trong điều trị.

“Hiện nay các phương pháp điều trị bệnh vảy nến ở Việt Nam cũng đã tiếp cận được với thế giới, chúng tôi cũng đã có những hướng dẫn điều trị cập nhật từ 2017 các phác đồ điều trị của thế giới. Các thuốc từ đơn giản nhất như là thuốc bôi cho đến thuốc toàn thân, các phương pháp điều trị ánh sáng đến các thuốc sinh học mới nhất thì tại Việt Nam cũng đã có. Chính vì vậy việc quản lý điều trị bệnh vảy nến ở Việt Nam đều đáp ứng được”, PGS. Doanh cho biết thêm.

Do đó, bác sĩ Doanh khuyến cáo, để đều trị bệnh vảy nến kịp thời và nhanh lành bệnh người dân hãy đến bệnh viện điều trị không nên nghe theo lời quảng cáo bên ngoài rồi bệnh không khỏi lại càng nặng thêm. 

Theo vietq