Xăng gánh 8.000đ thuế môi trường: Chính phủ chỉ đạo nóng

Bộ Tài chính phải đánh giá toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đến KT-XH trong trước mắt và lâu dài… để báo cáo Chính phủ.

Bộ Tài chính phải đánh giá toàn diện

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 diễn ra chiều 3/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời nhiều vấn đề dư luận quan tâm.

Đặc biệt là đề xuất của Bộ Tài chính tăng khung mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trong mỗi lít xăng dầu từ 1.000 - 4.000 đồng lên 3.000 - 8.000 đồng/lít trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Xăng gánh 8.000đ thuế môi trường: Chính phủ chỉ đạo nóng
Bộ Tài chính phải đánh giá toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đến KT-XH trong trước mắt và lâu dài… để báo cáo Chính phủ.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Luật Thuế BVMT hiện hành quy định khung mức thuế BVMT đối với xăng là từ 1.000-4.000 đồng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể mức thuế trong từng thời kỳ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chính sách về BVMT của Nhà nước (hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế BVMT đối với xăng là 3.000 đồng/lít).

Theo ông Dũng, việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức thuế BVMT đối với xăng là từ 3.000 - 8.000 đồng/lít mới đang trong quá trình soạn thảo xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân, chưa trình Chính phủ xem xét, thảo luận vấn đề này.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi trình dự thảo Luật Thuế BVMT (sửa đổi), Bộ Tài chính phải hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

“Bộ Tài chính cũng phải đánh giá toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đến kinh tế - xã hội trong trước mắt và lâu dài… để báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận trước khi trình Quốc hội quyết định.

Việc sử dụng nguồn thu từ thuế BVMT nói chung và thuế BVMT đối với xăng nói riêng được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Bảo vệ môi trường”, ông Dũng khẳng định.

Giải thích chưa thỏa đáng

Cũng liên quan đến việc này, trả lời báo chí, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, việc đưa ra đề xuất này nhằm ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm, không thể để giá xăng thấp hơn các nước đồng thời tránh tình trạng buôn lậu.

Tuy nhiên khi trao đổi với Đất Việt, nhiều Hiệp hội Vận tải các tỉnh, thành phố cho rằng lời giải thích trên chưa hợp lý và không thuyết phục.

Ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Tĩnh khẳng định, nhiệm vụ chống buôn lậu là của ngành công an, các cơ quan hải quan biên giới chứ không phải của Bộ Tài chính. Việc đại diện Bộ Tài chính sợ buôn lậu xăng dầu nên đề nghị tăng thuế môi trường lên là không phù hợp.

“Tăng lên như thế thì dẫn đến lạm phát, hết sức vô lý. Không chỉ riêng tôi mà người dân đều không bằng lòng trước lời giải thích trên. Doanh nghiệp vận tải hiện đang đóng rất nhiều khoản thuế: thuế vận tải, thuế cầu, đường, thuế bảo trì đường bộ... Chúng tôi không hề mong muốn tăng thuế môi trường.

Trước đây thuế môi trường khoảng 3.000 đồng/lít xăng giờ tăng thêm 5.000 đồng lên 8.000 đồng thì chắc chắn rằng phí vận tải tăng lên đến 1.000 đồng. Khi cước vận tải tăng thì kéo theo lạm phát và ảnh hưởng đến tất cả. Và khi tăng thuế thì doanh nghiệp vận tải bắt buộc phải tăng giá. Nếu không tăng thì sẽ không đủ để khấu hao”, ông Sơn khẳng định.

Đồng quan điểm với ông Sơn, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng những lý lẽ mà Bộ Tài chính đưa ra không thuyết phục.

Theo ông Thanh, thu thuế môi trường với xăng là cần thiết nhưng tác nhân gây ra biến đổi khí hậu, thay đổi môi trường không chỉ có mỗi ô tô.

“Giải thích kiểu như Bộ Tài chính thì chắc chắc không ai đồng tình cả. Mức thuế bao nhiêu thì cần phải tính toán cho đúng. Chứ không phải tăng lên để ngang bằng với giá xăng các nước hay chống buôn lậu.

Việc nào đi việc đấy. Anh là cơ quan quản lý phải đưa ra các chính sách chứ việc chống buôn lậu lại là chuyện khác”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo Baodatviet