10 tuyệt chiêu khiến trẻ luôn nghe lời

Bí quyết đơn giản nằm ở chỗ, cha mẹ có khả năng điều chỉnh âm lượng và cảm xúc trong giọng nói của mình hay không.

Alicia Eaton là chuyên gia thực hành cấp cao lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) và là một nhà thôi miên. Cô khẳng định có thể khiến trẻ làm bất cứ việc gì cô muốn. Và điều kinh ngạc hơn là Eaton nhấn mạnh, cô hoàn toàn có thể khiến trẻ làm theo ý mình mà không cần dùng tới thuật thôi miên.

Eaton cho biết, điểm mấu chốt trong việc khiến trẻ nghe lời mà không bực tức, cáu giận, chống đối chỉ đơn giản là lựa chọn đúng từ ngữ. Ngoài ra, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc: không la hét, không mua chuộc, không đe dọa.

Trong cuốn sách mới ra mắt “Words that work: How to get kids to do almost anything”, Eaton giải thích sự thay đổi cấu trúc câu và sử dụng từ ngữ có thể tạo nên sự khác biệt to lớn trong việc làm cho trẻ vâng lời ngay lần đầu tiên.

1. Tránh dùng từ “không”

Rất nhiều cha mẹ vướng phải vòng luẩn quẩn của những cuộc trò chuyện mang nghĩa tiêu cực mà sau đó nhanh chóng chuyển thành bài giảng giải, rầy la, cằn nhằn không dứt.

Những cụm từ tiêu cực đi kèm “không, không được” hay “mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi” đều phản tác dụng. Thay vào đó, hãy dùng ngôn ngữ tích cực như: Cùng mẹ dọn phòng và xếp gọn đồ chơi nào.

2. Tạo ra cảm giác trẻ được lựa chọn

Được lựa chọn trong bất cứ vấn đề nào – ngay cả khi đó không thực sự là lựa chọn – có thể giúp mọi thứ trở nên hấp dẫn hơn, dễ thuyết phục hơn là một mệnh lệnh được đưa ra trực tiếp. Ví dụ, theo Eaton, khi chuẩn bị cho con sẵn sàng tới trường vào buổi sáng, mẹ có thể hỏi “Hôm nay, con thích mặc áo màu đỏ hay màu xanh?” thay vì “Mặc quần áo vào còn đi lớp”.

Đối với những bé kén ăn, biếng ăn, mẹ cũng có thể hỏi bé có muốn thử một miếng lê hay một thìa cà rốt nghiền không để dụ bé thưởng thức ít rau củ mà không phải mất công ép buộc.

10 tuyệt chiêu khiến trẻ luôn nghe lời

3. Sử dụng từ “khi nào”

Eaton giải thích: “Từ “khi nào” thường được xem là một trong những từ có ý nghĩa thôi miên nhất trong ngôn ngữ. Nó nhẹ nhàng ám chỉ rằng một việc gì đó sẽ được thực hiện ngay từ gợi ý đầu”.

Ví dụ, trong lúc trẻ đang làm bài tập về nhà, mẹ có thể nói: “Khi nào con làm bài xong, chúng ta có thể xem tivi một chút trước khi đi ngủ nhé”. Đối với trẻ, câu nói này sẽ dễ tiếp nhận hơn “Nếu con làm bài xong, chúng ta xem tivi một chút trước khi đi ngủ” vì nó tạo cảm giác trẻ bị thúc ép và đôi chút đe dọa (nếu làm không xong thì không được xem tivi).

4. “Kết nối” bạn và đứa trẻ với nhau thông qua ngôn ngữ học

Cụm từ “giống như con” ẩn chứa năng lượng cực lớn trong nghệ thuật giao tiếp với trẻ. Eaton cho biết: “Mẫu câu với cụm từ “giống như con” rất hiệu quả trong việc dẫn dắt đứa trẻ vào cuộc đối thoại, giúp nâng cao bản ngã của trẻ và thiết lập sự thấu hiểu qua lại”.

Theo đó, bạn có thể khiến trẻ thuận theo quan điểm của mình bằng cách sử dụng câu: “Mẹ, cũng giống như con ấy, thích nhất cảm giác ung dung khi xem hoạt hình lúc đã làm xong bài tập” hoặc “Cả hai mẹ con mình đều nhận thấy làm xong bài tập rồi xem phim hoạt hình là thích nhất con nhỉ?”.

5. Nói “cảm ơn” trước khi trẻ làm theo điều bạn yêu cầu, đề nghị

Bản chất tự nhiên của trẻ là luôn muốn làm vừa lòng người khác. Vì vậy, hãy luôn cảm ơn trẻ trước khi trẻ thực hiện việc bạn yêu cầu. Một khi được cảm ơn, trẻ sẽ cảm thấy trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ.

6. Sử dụng từ “vì, bởi vì”

Có thể là thừa khi giải thích cho trẻ tại sao bạn lại muốn trẻ làm việc gì đó. Nhưng thực sự nó sẽ có ích sau này. Theo Eaton, bằng cách giải thích lý do trẻ nên làm gì đó, lời đề nghị của cha mẹ sẽ được đảm bảo hơn.

10 tuyệt chiêu khiến trẻ luôn nghe lời

7. Kết bạn với những từ đệm (filler words)

Mở đầu câu nói của bạn bằng những từ đệm có thể là một mẹo hay giúp trẻ tập trung vào điều bạn muốn truyền đạt.

Những cụm từ như “Thử nghĩ về việc này xem nào, con có chắc mình muốnăn xúc xích thay vì súp chứ?” hoặc “Nghe nhé, mẹ không muốn làm phiền, nhưng con hình như đang bật nhạc hơi to”.

8. Đảo chiều việc phàn nàn theo hướng tích cực

Phần lớn trẻ em đều thích phàn nàn, càu nhàu chuyện gì đó không vừa ý. Nhưng bằng cách đảo chiều chuyện phàn nàn đó theo hướng tích cực mà bạn muốn, bạn có thể khiến trẻ ngừng than thở, mè nheo.

Nếu trẻ kêu ca “nóng quá”, bạn có thể nói với trẻ: “Thứ gì giúp con cảm thấy dễ chịu hơn vậy? Mẹ mở cửa sổ nhé hay con tự cởi áo khoác của con ra?”. Trong câu hỏi này, giải pháp kịp thời và đúng đắn được ra, hơn nữa, trẻ lại được trao quyền để lựa chọn, nên sẽ nhanh chóng bớt phàn nàn và tìm cách khắc phục cảm giác khó chịu.

9. Đặt câu hỏi

Một cách dẫn dụ khác để khiến trẻ quên việc mình đang ca thán, ỉ ôi là đặt câu hỏi để hướng sự chú ý của trẻ tới một vấn đề thú vị. Nhất là khi vấn đề đó có kèm với giải pháp liên quan tới tình huống khiến trẻ khó chịu.

Chẳng hạn nếu con bạn than thở cháu ghét cô giáo dạy toán ở lớp, bạn có thể hỏi con: “Vậy theo con, con thích cô giáo dạy toán sang năm là người như thế nào?”.

10. Ngừng sử dụng từ “không thể”

Lý do là từ này khóa chặt mọi khả năng đạt được thành tựu. Eaton khẳng định, chuyển hướng tập trung của câu chuyện vào điều trẻ có thể làm hơn là điều trẻ không thể làm có tác dụng rõ rệt hơn khi bạn muốn trẻ vâng lời.

Thay vì nói: “Con không thể giải được bài toán này sao?”, bạn có thể sử dụng câu: “Chắc chắn có cách giải mà, đọc kỹ đề bài thêm chút nữa, con sẽ tìm ra thôi”.

Theo Hải Linh (Sasha Henriques/PhunuNew)