Ai nên và không nên tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech?

Vaccine này có hiệu lực 95% trong việc phòng nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng. Nhưng ai không nên tiêm?

Như tin đã đưa, sáng 7/7, hơn 97.100 liều vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech đã về tới Việt Nam. Đây là số vaccine nằm trong hợp đồng cung ứng 31 triệu liều của hãng này với Việt Nam. Dự kiến trong tháng 7, những lô vaccine tiếp theo của hãng này tiếp tục về nước ta.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUL) cho vaccine của Pfizer/BioNTech vào ngày 31/12/2020 dựa trên sự đánh giá kĩ lưỡng chất lượng, sự an toàn và hiệu lực của loại vaccine này. 

WHO khuyến cáo sử dụng cho người trên 16 tuổi. Vaccine này có hiệu lực 95% trong việc phòng nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng.

Theo hướng dẫn khuyến cáo tạm thời từ Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO trong bản cập nhật mới nhất cuối tháng 6/2021, thì vaccine COVID-19 mRNA của Pfizer/BioNTech được đánh giá là an toàn và hiệu quả. 

Ai nên được tiêm chủng trước?

Trong bối cảnh nguồn cung vaccine hạn chế, khuyến cáo đưa ra là ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người cao tuổi, gồm những người từ 65 tuổi trở lên.

Các quốc gia có thể tham khảo Lộ trình ưu tiên của WHO và Khung giá trị của WHO làm tài liệu hướng dẫn ưu tiên các nhóm đối tượng đích cho nước mình.

Những ai khác có thể tiêm chủng vaccine?

Theo SAGE, vaccine này cho thấy an toàn và hiệu quả ở những người có nhiều bệnh lý nền liên quan tới việc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng.

Các bệnh nền bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi, gan hoặc thận cũng như các bệnh truyền nhiễm mạn tính đã ổn định và được kiểm soát.

SAGE cũng cho rằng cần có thêm các nghiên cứu về tác động trên những người bị suy giảm miễn dịch.  

Có thể tiêm chủng vaccine cho người đã từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, do nguồn cung vaccine hạn chế nên những người này có thể hoãn tiêm phòng COVID-19 khoảng 6 tháng kể từ thời gian bị nhiễm SARS-CoV-2.

ai-nen-va-khong-nen-tiem-vaccine-covid-19-cua-pfizerbiontech

Ai không nên tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech?

Những người có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vaccine không nên dùng loại vaccine này.

Hiện tại, không có số liệu về hiệu lực hay an toàn ở trẻ dưới 12 tuổi. Cho tới khi có số liệu này, trẻ dưới 12 tuổi không nên được tiêm chủng thường quy loại vaccine này.

Thử nghiệm giai đoạn 3 ở trẻ 12 - 15 tuổi (tuổi vị thành niên) cho thấy vaccine có hiệu lực cao và an toàn ở nhóm tuổi này, do đó đã mở rộng chỉ định độ tuổi trước đây từ 16 tuổi trở lên thành từ 12 tuổi trở lên.

Bằng chứng cho thấy trẻ vị thành niên, đặc biệt là nhóm lớn tuổi hơn, cũng có nguy cơ làm lây nhiễm SARS-CoV-2 như người trưởng thành. WHO khuyến cáo các nước cần cân nhắc việc sử dụng vaccine ở trẻ 12 – 15 tuổi chỉ khi đạt được tỷ lệ cao tiêm chủng vaccine đủ 2 liều ở các nhóm ưu tiên cao theo Lộ trình Ưu tiên của WHO.

Trẻ từ 12 -15 tuổi mắc các bệnh đi kèm khiến trẻ có nguy cơ cao hơn đáng kể mắc COVID-19 nặng, cùng với các nhóm nguy cơ cao khác, có thể cần được tiêm chủng.

ai-nen-va-khong-nen-tiem-vaccine-covid-19-cua-pfizerbiontech

Phụ nữ mang thai có nên tiêm chủng không?

WHO khuyến cáo sử dụng vaccine COVID-19 ở phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.

Để giúp phụ nữ mang thai đưa ra đánh giá này, cần cung cấp thông tin cho họ về nguy cơ mắc COVID-19 trong thời kỳ mang thai cũng như lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ của địa phương, và những hạn chế hiện tại về số liệu an toàn ở phụ nữ mang thai.

WHO không khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán mang thai trước khi tiêm chủng; đồng thời không khuyến cáo trì hoãn việc mang thai hay đình chỉ thai nghén vì lý do tiêm phòng COVID-19.

Hiệu quả vaccine được đánh giá là tương tự trên đối tượng phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú như với người trưởng thành khác. WHO khuyến cáo sử dụng vaccine ở phụ nữ đang trong thời kỳ nuôi con bú giống như ở người trưởng thành khác; không khuyến cáo dừng cho con bú sữa mẹ vì lý do tiêm phòng COVID-19.

Tại Việt Nam, theo Hướng dẫn tạm thời về khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế ban hành hôm 18/6, phụ nữ mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.

Người trên 65 tuổi thuộc nhóm đối tượng cần thận trọng tiêm chủng.

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

Mũi 1 tiêm vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca, mũi 2 tiêm Pfizer có được không?

Có thể tiêm 2 loại vắc-xin Covid-19 ở 2 thời điểm tiêm khác nhau để tăng miễn dịch. Theo nghiên cứu, nếu tiêm mũi 1 là vắc-xin của Astra Zeneca, mũi 2 là Pfizer sẽ cho đáp ứng miễn dịch rất tốt.

Trước thực trạng có một bộ phận người dân đang e ngại, trì hoãn để đợi chờ các vắc-xin Covid-19 khác cho rằng ít tác dụng phụ hơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết đến nay không có vắc-xin nào hiệu quả 100% và không có vắc-xin nào an toàn 100%.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện nay, một số nước đã nghiên cứu có thể dùng 2 loại vắc-xin ở 2 thời điểm tiêm khác nhau. Ví dụ, trước mắt có thể dùng của Astra Zeneca, sau có thể dùng Pfizer hoặc một số vắc-xin khác. 

Mũi 1 tiêm vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca, mũi 2 tiêm Pfizer được không? - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho lực lượng công nhân tham gia sản xuất thuộc Công ty FPT Software ở TP HCM - Ảnh: Hoàng Triều

Qua nghiên cứu, nhiều khi vắc-xin khác hãng, khác dòng thì hiệu quả miễn dịch còn cao hơn. "Chúng tôi khuyên người dân khi có vắc-xin nào thì hãy dùng vắc-xin đó, đừng quá kén chọn. Kể cả đã tiêm vắc-xin vẫn phải quan tâm và thực hiện đúng theo khuyến cáo tiêm vắc-xin và thực hiện nguyên tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế" - ông Thuấn nhấn mạnh.

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng thông tin thêm đến nay không có vắc-xin nào an toàn 100%. Hiện nhiều nước Châu Âu và Mỹ đang thực hiện nghiên cứu kết hợp 2 loại vắc-xin cho 2 mũi tiêm.

"Số liệu ở Tây Ban Nha cho thấy nếu tiêm mũi 1 là Astra Zeneca, mũi 2 là Pfizer cho kết quả đáp ứng miễn dịch rất tốt, thậm chí tốt hơn khi tiêm cùng một loại. Ở Anh đang nghiên cứu mũi 2 tiêm các loại vắc-xin khác như Moderna hoặc Sputnik… và số liệu bước đầu cũng rất khả quan" - GS Đức Anh nói.

GS Đức Anh cũng khuyến cáo người dân nếu có cơ hội tiêm vắc-xin nào thì nên tiêm luôn vắc-xin đó vì phản ứng sau tiêm giữa các loại vắc-xin có tỉ lệ gần như nhau và không có vắc-xin nào tuyệt đối an toàn 100%.

 
Mũi 1 tiêm vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca, mũi 2 tiêm Pfizer được không? - Ảnh 2.

Vắc-xin Covid-19 đang tiêm cho các đối tượng ở Việt Nam của hãng Astra Zeneca

Trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 mới đây, Thường trực Ban chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế nghiên cứu phương án tiêm mũi 2 cùng loại vắc-xin hay 2 loại khác nhau dựa trên kinh nghiệm của thế giới.

Hiện, nhiều quốc gia như Đức, Canada, Anh, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha… đã cho phép, thậm chí khuyến khích người dân tiêm vắc-xin Covid-19 của 2 hãng khác nhau nếu mũi 1 tiêm vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca.

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã thực hiện tiêm 3.593.970 liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin là 182.481 người. Vắc-xin Covid-19 hiện đang tiêm chủng tại nước ta là của hãng Astra Zeneca.

Theo NLD