"Án binh bất động" trước ngày doanh nghiệp tự định giá sữa

Sau rất nhiều chỉ đạo, điều chỉnh, cuối cùng sữa sẽ do doanh nghiệp tự định giá bắt đầu từ ngày 10/8 tới đây. Sau quyết định này, rất nhiều câu hỏi đặt ra, việc doanh nghiệp được giữ quyền chủ động thay đổi giá, liệu giá sữa có được quản lý tốt hơn, có lợi cho người tiêu dùng hơn?


Từ 10/8, DN kinh doanh sữa được quyền định giá. ảnh:T.G

Im lặng trước “giờ G”

Thông tư 08/2017/TT-BCT ngày 26/6/2017 về đăng ký giá, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 10/8 đã đề ra một hướng quản lý mới: Tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

Theo Thông tư này, doanh nghiệp có quyền tự định giá và chịu trách nhiệm đối với mức giá mặt hàng sữa đã kê khai. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra việc kê khai và thực hiện giá bán. Người tiêu dùng kỳ vọng, Thông tư 08 sẽ đảm bảo được sự minh bạch của thị trường, lợi ích của người sử dụng về mặt hàng sữa vốn nhùng nhằng từ trước tới nay. Đây cũng là sự tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp cũng như các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường.

Còn 2 ngày nữa đến thời hạn Thông tư được áp dụng, ghi nhận thực tế thị trường của PV cho thấy, giá sữa bán lẻ trên thị trường vẫn im ắng, chưa có biến động nào đáng kể. Chủ cửa hàng sữa Thu Hiền trên đường Kim Mã (quận Ba Đình) cho biết: “Giá bán các mặt hàng sữa vẫn không có gì thay đổi”. Nhiều shop hàng sữa online cũng chưa thay đổi giá bán so với mấy tháng trước đây.

Giới kinh doanh mặt hàng này cho rằng sở dĩ sát ngày kê khai giá mà thị trường vẫn im ắng là bởi các nhà sản xuất đang chờ xem đối thủ kê khai giá như thế nào, chờ tới giờ phút chót ghim giá mới. Giá sữa tăng hay giảm, đại lý sẽ phải tốn vốn nhiều hơn hoặc đỡ vốn hơn khi nhập hàng chứ mức lợi nhuận vẫn vậy. Việc doanh nghiệp sữa điều chỉnh giá chỉ ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Sức cạnh tranh của thị trường sữa là rất lớn, bất kỳ doanh nghiệp nào muốn bán được hàng đều phải cân nhắc kỹ và đưa ra mức giá hợp lý cho người tiêu dùng. Vì vậy, trước ngày thông tư có hiệu lực, doanh nghiệp sữa tương đối im ắng, đại lý vẫn “bình chân như vại”.

Trong số ít doanh nghiệp hiện nay đã thực hiện niêm yết giá là Vinamilk. Đại diện Vinamik cho biết đã kê khai, đăng ký giá sữa với Bộ Công thương và có niêm yết rõ ràng trên website của Bộ này.

Liệu có kê một đằng, bán một nẻo?

Bộ Công thương quy định trong thời gian 30 ngày kể từ ngày Thông tư 08 bắt đầu có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa phải thông báo bằng văn bản danh mục giá bán lẻ khuyến nghị đối với các sản phẩm đang bán trên thị trường, cho phép doanh nghiệp kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối theo khu vực địa lý nhất định.

Cụ thể như đối với các loại hình phân phối có chi phí bán hàng cao thì thương nhân bán lẻ có thể kê khai giá bán lẻ với cơ quan chức năng theo phân cấp nhưng phải giải trình đẩy đủ, cụ thể chi phí phát sinh này.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Thông tư 08 được thực thi sẽ hạn chế được tình trạng tăng giá bất hợp lý, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Hơn nữa, nhà sản xuất, nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng và giá hàng hóa đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, trách nhiệm của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng được thể hiện rõ khi Thông tư 08 có hiệu lực.

Ông Nguyễn Lộc An cho biết: “So với trước đây, Thông tư 08 có khá nhiều sự đổi mới khi tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức kê khai theo đúng chế độ hạch toán kế toán hiện hành”.

Ông An khẳng định, người tiêu dùng sẽ có được nhiều lợi ích, thậm chí cả về việc đảm bảo chất lượng sữa vì Bộ Công thương quản lý cả việc công bố sản phẩm chất lượng cũng như khi cần thiết phải thu hồi sản phẩm. Hơn nữa, việc quản lý được thực hiện theo chuỗi, quản lý giá theo giá bán lẻ là một bước tiến để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn.

Nhiều chuyên gia lo ngại, trao quyền định giá cho doanh nghiệp có thể là “kẽ hở” dễ dẫn đến tình trạng giá sữa kê khai một đằng, bán một nẻo.

Doanh nghiệp được quyền định giá sản phẩm và kê khai, đăng ký; cơ quan quản lý dựa vào đó để giám sát, kiểm tra chứ không can thiệp, làm rõ được việc định giá sản phẩm có hợp lý hay không, để có một mức giá hợp lý nhất đến tay người tiêu dùng. Cơ quan quản lý chỉ có thể quản lý được giá sữa bán lẻ tại các điểm phân phối thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp. Còn ở các điểm bán nhỏ lẻ, vùng sâu, vùng xa thì không thể kiểm soát được giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Như vậy, dù quy định đã có nhưng xem ra vẫn rất khó thẩm định được tính hợp lý của việc định giá sản phẩm sữa hay quản lý giá bán lẻ sữa đến tay người tiêu dùng.

Kê khai giá như thế nào?

Thông tư 08 đã trao quyền định giá cho các DN đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức kê khai theo đúng chế độ hạch toán kế toán hiện hành. Doanh nghiệp khi nhập khẩu hay sản xuất sẽ có đăng ký giá với Bộ Công thương và các cơ quan có thẩm quyền cấp địa phương.

Nếu thay đổi biên độ dưới 5% thì doanh nghiệp được chủ động quyền thay đổi, nhưng phải thông báo với cơ quan nhà nước. Thông tư 08 có mục đăng ký giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

Đây là điểm khác biệt, bởi trước đây cơ quan nhà nước chỉ quản lý giá bán buôn. Tránh tình trạng mỗi nơi phân phối bán lẻ một giá như trước đây, có địa phương bán cao hơn với giá công ty niêm yết đến vài chục nghìn đồng so với giá kê khai/sản phẩm.

Theo giadinh