Bố chồng Tăng Thanh Hà cũng "đòi" mua sân bay Phú Quốc

Sau bầu Hiển, mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), người còn được biết đến là bố chồng của diễn viên Tăng Thanh Hà cũng đánh tiếng muốn mua sân bay Phú Quốc.

bố chồng Tăng Thanh Hà

Sân bay Phú Quốc có sức hút đặc biệt đối với các “đại gia” sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xin Thủ tướng Chính phủ nhượng quyền khai thác sân bay này.

Theo đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã có văn bản đề xuất mua hoặc nhượng quyền khai thác có thời hạn sân bay Phú Quốc. Đồng thời, trong văn bản ông Johnathan Hạnh Nguyễn ngỏ ý mong được Bộ trưởng chấp thuận về mặt chủ trương để có thể xúc tiến việc chuẩn bị, tham gia đấu giá, khai thác sân bay này trong thời gian sớm nhất.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, ông Jonathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh đến lợi thế của IPP là công ty đã có hơn 25 năm cung cấp hàng hóa và điều hành kinh doanh các hệ thống cửa hàng miễn thuế, hệ thống chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, cửa hàng bán lẻ tại các sân bay quốc tế và quốc nội tại Việt Nam. 

IPP cũng vừa trở thành cổ đông chiến lược của CTCP Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) với 23,6% cổ phần, đây cũng là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không lớn nhất tại Việt Nam.

Ngoài Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, trước đó IPP cũng đã nộp đơn đề nghị Bộ GTVT nhượng quyền khai thác nhà ga T1 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và trở thành nhà đầu tư thứ 3 muốn “mua” nhà ga hành khách này sau Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Theo công bố, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc được chính thức khánh thành vào ngày 15.12/.012 với tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư đầu tư. 

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), có đường hạ cất cánh 45m x 3000m, đường lăn song song 23m x 3000m.

Sân bay Phú Quốc cũng có hệ thống đường lăn tắt đáp ứng yêu cầu khai thác, đài kiểm soát không lưu, sân đậu máy bay có 8 vị trí đậu cho máy bay A320- A321 vào giờ cao điểm với diện tích 39.400m2.

Nhà ga hành khách có diện tích 24.325 m2, công suất phục vụ 2,65 triệu khách/năm; có trang thiết bị điều hành chỉ huy bay và các hạng mục kỹ thuật khác.

Không chỉ riêng Tập đoàn Liên Thái Bình Dương chú ý đến sân bay Phú Quốc, trước đó, Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển cũng đã đề nghị mua sân bay này. 

Theo đó, hai phương án được đưa ra là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động. Đồng thời, T&T cũng cam kết tiếp tục đầu tư nâng cấp CHK Phú Quốc và không tiến hành chuyển nhượng trong vòng 5 năm.

Được biết, T&T là doanh nghiệp đầu tiên đề nghị đầu tư vào Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc sau khi Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng phương án chuyển nhượng quyền khai thác theo chủ trương xã hội hóa.

Bên cạnh đó, ngoài T&T và IPP thì cũng từng có thông tin về việc nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia cạnh tranh nhượng quyền khai thác Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc. Tuy nhiên, Bộ GTVT tuyên bố sẽ không nhượng quyền khai thác cảng hàng không-sân bay cho nước ngoài trong giai đoạn thí điểm, nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng.

Theo quy hoạch đến 2030, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc có khả năng tiếp nhận 20 máy bay trong giờ cao điểm, lượng hàng hóa qua cảng là 27.600 tấn/năm, công suất 7 triệu hành khách/năm, tiếp nhận 3.500 khách/giờ.

Đại diện Bộ GTVT cũng khẳng định, việc nhượng quyền khai thác thương mại cảng hàng không - sân bay sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: Nhà nước sẽ nắm giữ quyền quản lý điều hành trong các hoạt động xuất nhập cảnh, quản lý đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, quản lý vùng trời, quản lý chất lượng và giá cả khai thác dịch vụ, cung cấp dịch vụ điều hành bay…

Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức bảo đảm hoạt động vận hành khai thác cảng, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không, kinh doanh các dịch vụ hàng không và phi hàng không, thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, mở rộng kết cấu hạ tầng đang quản lý, khai thác theo quy định và tham gia đảm bảo an ninh quốc pòng khi có yêu cầu của nhà nước.

Theo đó, cuộc đua “song mã” của các ông lớn có thể sẽ rất khốc liệt và phần thắng nghiêng về ai là điều rất khó có thể đoán trước.

Theo Trí Lâm (Một thế giới)