'Bộ GD&ĐT đặt lợi ích của mình trên cả thí sinh'

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT sẽ không công bố đề thi, đáp án các môn trắc nghiệm. Chuyên gia nhận định việc này ảnh hưởng tới sự minh bạch và lợi ích của thí sinh.

Trong năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới thi cử. Bộ này dự kiến không công bố đề thi và đáp án các môn trắc nghiệm của kỳ thi THPT quốc gia như những năm trước.

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga lý giải việc này nhằm giữ bí mật các câu hỏi để có thể tiếp tục sử dụng trong kỳ thi tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo dục, giáo viên và học sinh không đồng ý với các làm này và cho rằng Bộ GD&ĐT đang đặt lợi ích của mình trên cả quyền lợi của thí sinh.

Ngược xu hướng minh bạch

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết ông rất ngạc nhiên trước quyết định của Bộ GD&ĐT.

'Bộ GD&ĐT đặt lợi ích của mình trên cả thí sinh'
Nhà giáo Văn Như Cương nhận định Bộ GD&ĐT không công bố đề thi, đáp án là vô lý và không mang tính giáo dục. Ảnh: Quyên Quyên.

Theo ông, việc công bố đề thi, đáp án giúp xã hội thực hiện chức năng giám sát. Thi trắc nghiệm do máy chấm dựa trên đáp án cài sẵn, song không phải lúc nào cũng đúng.

Trên thực tế, trường hợp sai đề, đáp án từng xảy ra và chỉ khi người dân có quyền giám sát, họ mới phát hiện lỗi, báo lên để bộ sửa lại.

Thầy Vũ Trí Thức, Hiệu trưởng trường THPT Trần Đăng Ninh (Hà Nội), cho rằng bộ nên công khai đề thi, đáp án để định hướng cho giáo viên và học sinh về lượng kiến thức cũng như dạng đề. Trên cơ sở đó, các em biết mình đúng, sai ở chỗ nào và rút kinh nghiệm cho lần sau.

"Bộ GD&ĐT nên công khai hóa các khâu, đặc biệt phần đáp án vốn được thí sinh mong chờ nhất. Bộ nên đặt mục tiêu vì học sinh lên trên hết", ông nói.

Cách làm mới cũng khiến học sinh hoang mang. Nhiều em cảm thấy không yên tâm khi điểm số hoàn toàn phụ thuộc đáp án, cách chấm của Bộ GD&ĐT mà không thể xác định độ chính xác.

Nguyễn Thùy Dung, học sinh lớp 12 ở Hà Nội, thẳng thắn nói em không quan tâm việc công khai đề thi vì phần lớn thí sinh đều nhớ câu hỏi. Tuy nhiên, nữ sinh không chấp nhận việc không cho thí sinh một căn cứ vững chắc để tính điểm sau khi thi xong.

Học sinh này nói thêm em đã tìm hiểu trước quy định phúc khảo vì khó yên tâm về điểm số nếu Bộ GD&ĐT không công bố đáp án.

Cô Cao Phương Lan, giáo viên ở Hà Tĩnh, cũng bức xúc trước việc không công bố đề thi, đáp án. Theo nữ giáo viên, những năm trước, sau khi học sinh thi xong, cô và các em soát lại đề, kiểm tra đúng sai, đối chiếu đáp án, dựa vào đó để rút kinh nghiệm.

Năm nay, bộ không công bố, thí sinh sẽ chỉ dựa vào bài giải của giáo viên tính điểm. Nếu điểm cuối cùng không giống của đáp án chính thức, các em sẽ thắc mắc.

Theo Nguyễn Sương (Zing)