“Bỏ túi” kinh nghiệm sau vụ trẻ đột tử do vừa ngủ vừa bú bình

Vụ bé 10 tháng tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội) bị đột tử do vừa ngủ vừa bú bình khiến không ít bà mẹ hoang mang. Vậy hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên rất hữu ích cho các bậc phụ huynh đang chăm sóc con nhỏ.

Vào lúc 10h15’ sáng 17/3, bé gái xấu số 10 tháng tuổi ở Hoàng Mai (Hà Nội) được đưa vào khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim. Dù đội ngũ y bác sĩ của khoa đã đặt nội khí quản, nỗ lực cấp cứu nhưng không kịp.

Trước đó, theo lời người nhà kể lại trẻ bị rối loạn tiêu hóa, nôn trớ. Sáng 17/3 bé được mẹ  cho nằm bú bình (trẻ vừa bú, vừa ngủ). Sau đó, mẹ bé dậy đi làm việc vặt trong nhà. Vài giờ sau, mẹ bé đi nấu cháo cho con ăn rồi đi đánh thức con dậy. Vào đến giường, chị tá hỏa khi thấy toàn thân con tím tái. Chị vội vàng gọi taxi đưa con đến viện cấp cứu.

Không nên cho trẻ nằm bú

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, nhiều khả năng trẻ bị trào ngược trong khi nằm ngủ. Đây là bệnh lý có thể gặp ở trẻ nhỏ. Bé được mẹ cho bú no, khi đó hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện có thể gây trào ngược sữa gây ngạt thở nhưng không được phát hiện kịp thời. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trước đây đã gặp những trường hợp trẻ nhỏ bị hội chứng trào ngược nhưng chưa có ca nào tử vong. 

trẻ em bú bình

Cho trẻ vừa nằm vừa bú sẽ rất nguy hiểm

Theo các bác sĩ chuyên khoa, có nhiều trẻ nhỏ gặp phải hội chứng trào ngược (hay còn gọi nôn trớ) trong những tháng đầu đời, nhưng đa số tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi.  Nguyên nhân là do, sau khi nuốt, thức ăn sẽ đi từ miệng xuống thực quản trước khi vào dạ dày, ở điểm nối thực quản và dạ dày có một số cấu trúc đặc biệt làm thực quản “đóng lại”.

Thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy ước tính có hơn 50% trẻ khỏe mạnh có tiền sử trào ngược dạ dày thực quản sinh lý trong 3 tháng đầu đời. Tuy nhiên, tình trạng này  sẽ thoái lui khi trẻ lớn lên nhờ các cấu trúc của đường tiêu hóa dần hoàn chỉnh và chế độ ăn cũng đặc dần.

Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, các chuyên gia khuyến cáo, đối với trẻ còn đang bú mẹ nên cho bú vú  trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải). Sau đó, chuyển bé sang bú vú bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.

Đối với trẻ bú bình cha mẹ luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su luôn đầy sữa. Không để bình sữa nằm ngang trong khi bú, tránh tình trạng bé bú hơi trong bình sữa. Khi cho bú, không nên để bé quấy khóc vì như vậy, bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày.

Sau khi bú xong, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ lưng cho ợ hơi. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao. Lưu ý các bà mẹ không nên để trẻ nằm bú vì tư thế này khiến trẻ rất dễ bị sặc và trớ sữa. Sau khi bé bú xong, không nên đặt bé nằm ngay, cũng không đùa giỡn, tâng bồng lên xuống.

“ Trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên chăm sóc, theo dõi trẻ chu đáo không nên để trẻ ngủ một mình, cho trẻ nằm tư thế đầu cao hơn người 30 độ”, bác sĩ Nam nhấn mạnh.

Làm gì khi trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản?

- Đối với trẻ bú mẹ: Nên cho bú bầu vú bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải). Sau đó, chuyển bé sang bú bầu bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.

- Nếu bú bình, để đầu núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng. Khi bú xong, bế trẻ cao đầu trong 15-20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Không để trẻ bú nằm dễ bị sặc, trớ sữa và không tâng bé lên xuống sau khi bú.

trẻ em bú bình

Nếu bú bình, để đầu núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng

 - Khi cho bú, không nên để bé quấy khóc vì như vậy bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày. Sau khi bú xong, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi. Sau đó, nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao.

- Không ép trẻ ăn nhiều, chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết. Thời gian tối thiểu giữa hai lần bú là 2 giờ, tối đa là 4-5 giờ.

- Trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên chăm sóc, theo dõi trẻ chu đáo không nên để trẻ ngủ một mình, cho trẻ nằm tư thế đầu cao hơn người 30 độ.

- Dùng thuốc: Biện pháp này chỉ sử dụng khi việc điều chỉnh chế độ ăn và tư thế bú không có kết quả. Việc sử dụng thuốc gì và dùng như thế nào cần có ý kiến của nhân viên y tế.

Theo Khánh An (NĐT)