Cách viết CV xin việc gây ấn tượng, dễ thuyết phục nhà tuyển dụng

Để CV xin việc gây ấn tượng, thuyết phục, bạn phải có thứ mà nhà tuyển dụng cần chứ không phải thứ bạn có. Đó là nguyên tắc đầu tiên bạn cần nắm vững để mở màn cho chặng đường xin việc khá khó khăn trước mắt.

Cách viết CV xin việc gây ấn tượng, dễ thuyết phục nhà tuyển dụng

Viết CV xin việc là công việc đầu tiên để tìm kiếm một công việc ổn định sau khi ra trường. Nhưng hiện nay, nhiều bạn sinh viên đã tập tành, học việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy đâu là cách viết CV hoàn hảo nhất để lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng?

Đầu tiên, bạn phải hiểu trình độ của bản thân mình ở mức nào, nhận biết ưu điểm, khuyết điểm và trau dồi để hoàn thiện hơn.

1. Đừng xem thường kiến thức ở trường

Cách viết CV xin việc gây ấn tượng, dễ thuyết phục nhà tuyển dụng

Nhiều bạn nghĩ rằng chỉ có đi làm mới giúp bạn trau dồi được kĩ năng và kinh nghiệm. Điều đó không sai nhưng việc học ở trường đại học cũng chính là nền tảng kiến thức cơ bản, giúp bạn có được tư duy logic thông qua các bài kiểm tra, thuyết trình, ngoài ra còn định hướng vấn đề giúp bạn không phải bỡ ngỡ khi ra đời.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn có thể trực tiếp trao đổi với giảng viên hoặc học nhóm với bạn bè. Ngoài ra, việc tự học cũng đóng vai trò quan trọng như vào thư viện để đọc sách, tìm tài liệu tham khảo, học qua mạng...

2. Hiểu bản thân để nâng cao ưu điểm, loại bỏ dần khuyết điểm

Không ai hiểu bản thân hơn chính mình, vì vậy, bạn cần phải sớm nhận biết được ưu và khuyết điểm của bản thân. Nên liệt kê ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình ra giấy để tìm cách khắc phục và hoàn thiện hơn.

Nhận định điểm mạnh của bạn qua các câu hỏi sau:

+ Việc nào bạn có thể làm tốt hơn người khác?

+ Bạn đang sở hữu những mối quan hệ cá nhân nào?

+ Bạn tự hào về thành công nào nhất?

Bạn có thể chủ động nhờ sự đánh giá khách quan của bạn bè, thầy cô, những người mà bạn tin cậy. Sau đó suy xét bản thân một cách khách quan và tỉnh táo nhất.

Thay vì ngồi ở nhà vào thời gian rảnh, bạn có thể tận dụng chúng để tham gia các khóa học ngắn hạn, các lớp đào tạo kỹ năng, hoặc tham gia vào một câu lạc bộ ở trường mà bạn yêu thích. Với sinh viên khả năng lập luận, phân tích, đàm phán là rất quan trọng. Biết tự trau dồi chúng qua sự cọ xát ở trường và tích lũy từ những khóa học bổ sung sẽ giúp bạn nâng cao khả năng, định hướng thành công trong tương lai.

Cách viết CV xin việc gây ấn tượng, dễ thuyết phục nhà tuyển dụng

Loại bỏ những nhược điểm qua các câu hỏi sau:

+ Đâu là việc mà bạn hay trốn tránh?

+ Thói quen xấu mà bạn hay làm?

+ Tính cách nào khiến bạn đi lùi trong công việc?

Cách để thay đổi và hoàn thiện bản thân:

+ Tự thưởng bản thân khi khắc phục được một điểm khuyết nào đó dù rất nhỏ. Nhờ điều này bạn sẽ cảm thấy phấn khởi và thích nghi dần với việc thay đổi.

+ Đừng ngại nhờ sự giúp đỡ, nhắc nhở từ bạn bè. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra bạn bè có những cách thức nhắc nhở bạn rất thông minh và hài hước. Bạn cũng nên nhớ rằng, bất cứ một người nào mà bạn gặp cũng sẽ có những điều hay ho để bạn có thể học hỏi.

Cách thể hiện bản thân thông qua CV làm cho nhà tuyển dụng phải chú ý:

Cách viết CV xin việc gây ấn tượng, dễ thuyết phục nhà tuyển dụng

1. Rõ ràng, mạch lạc:

Các thông tin trên CV phải rõ ràng mạch lạc, kể cả những thông tin có tích chất tham khảo như: thông tin về sở thích, kế hoạch nghề nghiệp...

Cách trình bày cũng phải thể hiện "đẳng cấp" của người viết CV. Trình bày ngắn gọn, đủ ý (bởi ít có nhà tuyển dụng nào kiên nhẫn ngồi đọc những bản CV dài lê thê mà không có điểm nhấn).

Nên đính kèm một hình ảnh của bản thân, nên nhớ là hình phải rõ, đẹp, chuyên nghiệp, chứ không phải tấm hình selfie nhí nhố.

2. Đầy đủ thông tin:

Trong mỗi mẫu CV thường có rất nhiều trường thông tin "thừa" hoặc "thiếu" đối với một số người. Riêng sinh viên mới ra trường thì sẽ hay bị lúng túng ở mục "Kinh nghiệm làm việc". Hãy mạnh dạn điền các công việc các bạn đã làm, dù là nhỏ, miễn sao nó tạo ra thu nhập hoặc kinh nghiệm cho bạn.

Một mục nữa đó là thông tin về bằng cấp. Trong trường hợp này, lời khuyên là hãy ghi kết quả xếp loại dự kiến của bạn vào ô "Loại văn bằng" và mở ngoặc bên cạnh thêm 2 từ (dự kiến nếu là sinh viên đang đợi bằng). Điều này cũng sẽ gây được ấn tượng đối với nhà tuyển dụng đấy.

3. Bám sát yêu cầu nhà tuyển dụng để nói ưu nhược điểm:

Đôi với sinh viên mới ra trường thì sự tự tin luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Tuy nhiên, bạn cũng phải hết sức khéo lép nếu không rất dễ phản tác dụng đấy.

Nếu bạn ứng tuyển vào vị trí kế toán thì không thể nào để điểm mạnh là "thích công việc năng động, bay nhảy", với vị trí này nhà tuyển dụng cần những người cẩn thận, tỉ mỉ, chịu được áp lực công việc cao...

Tương tự như vậy, tùy vào tính chất công việc mà bạn nói lên những ưu - khuyết điểm phù hợp.

4. Chú ý xem định dạng gửi CV (nếu gửi qua mail):

Hiện nay, một số công ty quy định sẵn 1 định dạng về cách thức gửi mail thì lời khuyên là nên áp dụng đúng một cách tuyệt đối, không nên sáng tạo, vì rất có thể CV của bạn sẽ bị loại ngay từ "vòng gửi xe" vì phạm quy.

5. Gửi hồ sơ đúng hạn:

Nên gửi trước khi hồ sơ hết hạn muộn nhất là 01 ngày.

Bí quyết trả lời nhà tuyển dụng về điểm yếu của bạn:

Cách viết CV xin việc gây ấn tượng, dễ thuyết phục nhà tuyển dụng

Không có ai là hoàn hảo cả, điểm yếu cũng là một đặc điểm trong quá trình hoàn thiện, phát triển bản thân. Khi nhà tuyển dụng yêu cầu kể về điểm yếu của bản thân, cách tốt nhất là đưa ra một dẫn chứng cụ thể và cả hướng để bạn khắc phục nhược điểm đó. Hãy nói về nhược điểm của mình một cách thật tự nhiên, chân thực, bởi bạn nên nhớ rằng, người đối diện bạn cũng là một con người bình thường, cũng có những điểm hạn chế riêng.

Tuy nhiên, khi hỏi về nhược điểm, nhà tuyển dụng không mong muốn ứng viên sẽ kể lể một vài nhược điểm lặt vặt mang tính cá nhân. Ví dụ như việc bạn thường ngủ dậy khá muộn, lười đánh răng buổi tối, lười giặt quần áo…

Vì thế, tốt nhất bạn hãy đề cập đến điểm yếu của mình - những thứ có liên quan đến công việc như:

- Khi có quá nhiều việc, bạn cảm thấy rối tung, không biết cách sắp xếp thời gian sao cho hợp lí, vì vậy bạn hay làm việc khuya, làm vào ngày cuối tuần...

- Khi 2 hoặc 3 dự án đến dồn dập, bạn cảm thấy đầu óc mình trống rỗng, cần phải "note" lại mọi thứ nếu không sẽ hay quên.

Với câu trả lời như thế, nhà tuyển dụng sẽ cảm nhận được sự đam mê công việc, toàn tâm toàn ý cho công việc của bạn. Vì vậy, khi nghe nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu, đừng luống cuống vì sợ mình “mất điểm”. Hãy luôn thành thật và tự nhiên ngay cả khi nói về hạn chế của bản thân nhé.

Để có hồ sơ lý lịch ấn tượng thực sự thì bạn cần phải biết điểm mạnh bạn có phù hợp nhất với công ty, với vị trí bạn muốn ứng tuyển, tận dụng điểm mạnh đó một cách triệt để nhất. Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn sẽ có kinh nghiệm hơn trong việc viết CV - hành trang vững chắc đưa bạn đến đỉnh cao sự nghiệp.

Theo Bestie