Cãi nhau vì "gộp" Tết: Khi con người chúng ta lãng quên nhau

Tôi đồng ý với bạn ở khía cạnh dân chủ của những cuộc tranh luận. Nhưng buồn, buồn vô hạn bởi cái cách mà con người chúng ta lãng quên nhau trong cuộc đời này, khi cãi nhau vì Tết.

Nhiều năm rồi, cứ trước Tết, người ta lại tranh cãi về việc có nên duy trì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hay không. Những cuộc tranh cãi ấy, bạn tôi, một nhà nghiên cứu chính sách, gọi là vẻ đẹp của nền dân chủ. 

Tôi đồng ý với bạn ở khía cạnh dân chủ của những cuộc tranh luận. Nhưng buồn, buồn vô hạn bởi cái cách mà con người chúng ta lãng quên nhau trong cuộc đời này, khi cãi nhau vì Tết.

Tết, có thể với nhiều người sẽ là thiệt hại. Công việc đình đốn, giao dịch dở dang, những cơ hội có thể mất đi, nhiều khoản chi tốn kém.

Cãi nhau vì

Nhiều năm rồi, cứ trước Tết, người ta lại tranh cãi về việc có nên duy trì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hay không. Ảnh minh họa. 

Tết, có thể với nhiều người sẽ là gánh nặng. Người giúp việc về quê, có thể không sớm quay trở lại, bao nhiêu công việc vất vả không tên dồn lên vai những người nội trợ thị thành.

Tết, có thể với nhiều người sẽ là lãng phí. Bởi thời gian trôi đi vô vị, bởi những khoản chi tiêu hình thức và phù phiếm, bởi những lễ thức rườm rà, mất thời gian.

Tết, với nhiều người có thể không còn nhiều ý nghĩa khi họ có điều kiện để ngày nào cũng có thể như tết, họ tự quyết định được thời gian, mức sống, và niềm vui của mình. Tết, có khi chỉ là một cái cớ để nhiều người tranh cãi với nhau, cho cuộc đời bớt tẻ.

Nhưng có rất nhiều người, một nửa dân số trên đất nước này, những người không có đủ thời gian, không đủ cả cơ hội, cũng như phương thức để tham gia những cuộc tranh luận này, thì Tết không chỉ là những ngày nghỉ, Tết còn là cơ hội, là một điểm tựa đối với cuộc đời họ, trong suốt cả một năm.

Một nửa dân số của đất nước này có hộ khẩu ở nông thôn. Họ là ai? Họ là những con người dành tất cả sức lực, tâm trí của mình để làm bệ phóng cho những đứa con thoát ly khỏi nông thôn, và chờ chúng trở về, mỗi Tết. Họ là những người vài năm trước còn là những đứa trẻ lều chõng lai kinh kiếm mảnh bằng đại học để có cơ hội lập thân nơi thị thành theo ý nguyện mẹ cha.

Họ là những người nông dân rời bỏ ruộng đồng để trở thành những cỗ máy trong trăm ngàn công xưởng ngoại ô của những thành phố lớn. Họ là những lưu dân vạ vật làm thuê, làm mướn, làm ô sin, xe ôm, cửu vạn, thợ nề, phu phen mưu sinh nơi thành phố.

Phần lớn thời gian trong suốt một năm trời, họ đã sống một cuộc sống khác thường, phần lớn trong những khu nhà trọ tồi tàn, những căn phòng nơi góc cầu thang nhà phố, với thú vui tinh thần gần như duy nhất là kết bạn làm quen, trò chuyện gẫu qua những chương trình radio giải trí.

Tết, với những con người ấy luôn là sự chờ mong. Khoảng thời gian nghỉ Tết mà nhiều người đang thấy rằng lãng phí và phiền toái ấy lại cũng là khoảng thời gian ngắn ngủi để hàng chục triệu con người được sống cuộc sống của con người, được sống với người thân, ăn bữa cơm nhà, cắm một nhành hoa, la cà ký ức, nô nức hội hè…

Rồi những ngày Tết cũng sẽ đi qua, rồi những vật vã mưu sinh quay trở lại, rồi mùa xuân cạn ngày, rồi người ta sẽ bắt đầu tranh cãi nhau về những điều cấp tiến khác.

Người ta chỉ trở lại tranh cãi về việc bỏ hay giữ kỳ nghỉ Tết nguyên đán vào mùa xuân năm sau, giống như hoa đào chỉ nở mùa xuân. Những cuộc tranh cãi tạo nên vẻ đẹp của nền dân chủ, như bạn tôi đã nói.

Nhưng trong vẻ đẹp ấy thiếu khuôn mặt của những người cần lao, người thường đứng ngoài những cuộc trò chuyện sa-lon. Mà chính sách, đôi khi được hình thành từ những bộ sa-lon ấy. 

Theo Khampha