Càng chỉ định nhiều, lương bác sĩ càng cao

Theo ông Lê Văn Phúc - Bảo hiểm xã hội Việt Nam - giá dịch vụ y tế được tính thêm yếu tố tiền lương vào đó nên bác sĩ chỉ định các xét nghiệm càng nhiều thì lương của họ càng cao. Điều này khiến cho việc lạm dụng trong y tế càng tăng.

Càng chỉ định nhiều, lương bác sĩ càng cao

Xét nghiệm y tế

Việc doanh nghiệp đặt máy trong các bệnh viện công lập rồi bán hoá chất, vật tư tiêu hao, gây ra sự thiếu minh bạch trong công tác xã hội hoá y tế, gây lạm dụng quỹ BHYT. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam về vấn đề này.

Thưa ông, năm 2016, có nhiều vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực BHYT, trong có nhiều hạn chế của việc xã hội hoá y tế. Quan điểm của BHXH Việt Nam về vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Văn Phúc: Theo tôi, xã hội hoá trong y tế là một chính sách tốt giúp y tế phát triển.

Xã hội hoá cần vì ngân sách nhà nước hạn hẹp, không mua sắm được tất cả trang thiết bị y tế cho cơ sở khám chữa bệnh (KCB) . Trang thiết bị thay đổi hàng năm, từ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh nên phải huy động từ nhiều nguồn kinh phí khác. Chính có xã hội hoá người bệnh mới được thụ hưởng các kỹ thuật, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh tiên tiến. Nhưng bên cạnh mặt được, còn có những mặt hạn chế của xã hội hoá.

Xã hội hoá trong y tế khác với các ngành khác khi triển khai. Ví dụ như trong giáo dục, xã hội hoá như mở trường tư thu học phí cao, hoặc trung bình và người dân có thể lựa chọn giữa trường tư và trường công. Xã hội hoá trong văn hoá cũng thế, ai có tiền đi xem, không có tiền xem ti vi.

Nhưng việc xã hội hoá trong y tế khác hẳn. Bệnh nhân vào bệnh viện không phải là khách hàng đơn thuần. Muốn hay không bệnh nhân vẫn phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ cần phải làm xét nghiệm này, chụp cái kia.

Bệnh nhân bị ép buộc, không được lựa chọn, dẫn đến lạm dụng chỉ định.

Theo ông tại sao lại xảy ra tình trạng lạm dụng như thế?

Ông Lê Văn Phúc: Thứ nhất: trong y tế rất dễ dàng tạo cho người thầy thuốc có thể chỉ định thêm các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm chưa cần thiết. Những trường hợp đó có thể chỉ định cũng được không cũng không sao.

Ví dụ: Có trường hợp bị bệnh mãn tính như tiểu đường có những xét nghiệm có thể nhắc lại hàng tháng nhưng có những trường hợp 3 – 6 tháng mới cần nếu không có diễn biến bất thường. Tuy nhiên để tăng cường chỉ định bác sĩ vẫn chỉ định và người bệnh vẫn phải thực hiện. Đây chính là chỉ định thừa, gây tổn hại cho quỹ BHYT.

Thứ hai: về kinh tế, chỉ định nhiều, thu nhiều bác sĩ được lợi, nhất là trong bối cảnh giá dịch vụ y tế có kết cấu yếu tố tiền lương thì càng chỉ định nhiều bác sĩ càng có nhiều lương. Điều này kích thích chỉ định của bác sĩ.

Mặt khác, khi liên doanh, liên kết thì máy móc đó đặt vào với mục tiêu là các công ty thu lại lợi nhuận nhanh, thu hồi vốn nhanh, nên bác sĩ có áp lực tăng cường chỉ định.

Một máy mua khoảng 1 -5 tỷ đồng, quy định mấy năm mới hoàn vốn nhưng muốn hoàn vốn nhanh để lợi nhuận tăng, có khi 2 năm đã hoàn vốn.

Càng chỉ định nhiều, lương bác sĩ càng cao

Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam 

Hiện nay có một số bệnh viện để cho doanh nghiệp đặt máy và họ chỉ bán hoá chất cũng gây nhiều bức xúc cho người bệnh. Về việc đặt máy và bán hoá chất, BHXH Việt Nam quản lý như nào?

Ông Lê Văn Phúc: Tôi nói luôn là việc đặt máy bán hoá chất là một hình thức xã hội hoá chưa được quy định trong thông tư 15 của Bộ Y tế. Việc các công ty đặt máy không lấy tiền, không tính khấu hao nhưng cung cấp hoá chất đi theo ràng buộc giữa bệnh viện và doanh nghiệp để bán hoá chất là không đúng quy trong thông tư 15.

Chỉ nhìn khách quan thôi cũng thấy việc đặt máy bán hoá chất, test, kít để đảm bảo cân đối khoản chi phí mua máy đó với việc kích thích cơ sở khám chữa bệnh tăng chỉ định là dễ hiểu. Tăng chỉ định vừa được tiền, được hài lòng người bệnh.

Họ đánh vào tâm lý người bệnh BHYT đôi khi muốn được làm nhiều xét nghiệm, chiếu chụp nhiều. Điều đó cũng đáp ứng được yêu cầu phí bên đặt máy, vì vậy đã xảy ra tình trạng chỉ định quá mức, tăng giá chi phí.

Trong thời gian qua, đặc biệt 2015, nửa đầu 2016, tình trạng đặt máy xét nghiệm tại các bệnh viện là khá phổ biến. Trong đó có nhiều nơi đặt máy có hợp đồng ràng buộc điều kiện nói rõ là anh phải sử dụng bao nhiêu hoá chất trong 1 tháng, các tét, kít xét nghiệm cụ thể trong cả từng ngày.

BHXH Việt Nam yêu cầu tất cả các đơn vị phải rà soát lại những trường hợp nào có ràng buộc điều kiện, hoá chất xét nghiệm và đặt máy không qua đấu thầu không được thanh toán.

Qua kiểm tra năm 2015 – 2016, đặc biệt năm 2016, có hàng trăm tỷ đồng là thực hiện từ máy móc trang thiết bị đặt như vậy thực hiện không đúng quy định. BHXH Việt Nam sẽ bóc tách và không thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh.

Bộ Y tế đã có văn bản nói rõ hình thức đặt máy chưa được quy định trong thông tư 15. Tuy nhiên để đảm bảo nguồn kinh phí vẫn chấp nhận hình thức đặt máy nhưng vẫn yêu cầu các cơ sở KCB phải đấu thầu hoá chất, không được ràng buộc những điều kiện trong quá trình đặt máy. Máy móc trang thiết bị phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Khi đặt máy như thế chưa có cơ quan kiểm định chất lượng của các máy đó. BHXH yêu cầu các đơn vị xuất trình chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc. Các xét nghiệm phải có kiểm chuẩn. Hàng tháng phải gửi mẫu làm các xét nghiệm máy đó để sang trung tâm chuẩn để so sánh.

Trong thời gian tới BHXH Việt Nam sẽ siết chặt việc lạm dụng này hơn nhờ có hệ thống liên thông công nghệ thông tin giữa các cơ sở y tế. Bệnh nhân bị bệnh gì, cần xét nghiệm nào, nhập viện và ra viện đều có những chi tiết cụ thể trên hệ thống nên khó lạm dụng hơn.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo infonet