CEO Google đến Việt Nam và lời khuyên đắt giá

CEO Google (phải) đến Việt Nam và ngồi uống trà chanh vỉa hè Hà Nội với Nguyễn Hà Đông - "cha đẻ" game Flappy Bird của Việt Nam. Ảnh: Internet

Việc tổng giám đốc điều hành (CEO) Google Sundar Pichai đến Việt Nam (Hà Nội) thực sự đã trở thành một sự kiện lớn đối với làng công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam trong những ngày qua.

Với tư cách là 1 trong 10 quốc gia đứng đầu thế giới về gia công và xuất khẩu phần mềm, không khó hiểu khi giới CNTT Việt Nam lại chào đón ông Pichai đến vậy. 


Những vấn đề cơ bản và được quan tâm nhất đã được giới start-up Việt Nam (các công ty khởi nghiệp) đặt ra với ông Pichai, trong đó một trong những vấn đề được quan tâm nhất là việc giới start-up Việt Nam có nên đến thung lũng Silicon (Silicon Valley) để khởi nghiệp hay không.


CEO Google khuyên nên lấy thị trường nội địa làm bàn đạp trước khi tiến ra thế giới, giống như những gì mà đất nước ông là Ấn Độ đang làm. Nhưng từ câu chuyện thành công của chính bản thân ông và những người đồng hương Ấn Độ ở Silicon Valley thì câu trả lời có lẽ là: nên và không nên.


Sự kiện ông Sundar Pichai đến Hà Nội, trên thực tế, vượt ra ngoài tầm vóc của việc một CEO của tập đoàn khổng lồ như Google đến Việt Nam. Vị CEO người Ấn Độ này còn đại diện cho câu chuyện về sự thăng tiến của những người trẻ tuổi tại Silicon Valley, nhất là câu chuyện về sự thành công của những kỹ sư Ấn Độ ở thung lũng công nghệ nổi tiếng nhất thế giới này. 
Giới CNTT Việt Nam vì thế hy vọng nhận được những lời khuyên và bài học của những người được xem là đi trước và đã thành công ở một nơi nổi tiếng về sự cạnh tranh khắc nghiệt này. Sự chia sẻ của CEO Google do đó tập trung ở hai phương diện: quốc gia và doanh nghiệp.


Lời khuyên chủ đạo được ông Sundar Pichai lặp lại khá nhiều lần trong buổi trao đổi, là các doanh nghiệp CNTT Việt Nam nên lấy thị trường nội địa làm bàn đạp phát triển trước khi vươn ra thế giới. Cũng giống như những gì đất nước Ấn Độ, quê hương ông đã làm, khi tập trung khai thác thị trường nội địa lên tới 800 triệu dân cách đây gần 40 năm, trước khi vươn tầm ra thế giới. 


Ấn Độ hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về gia công phần mềm và xuất khẩu các sản phẩm CNTT, với doanh thu lên tới 71 tỉ USD kể từ năm 2008, đóng góp 5,8% GDP của cả nước, và tiếp tục tăng lên không ngừng trong những năm gần đây.
Đó là kết quả của việc nhanh nhạy nắm bắt thời cơ của chính phủ Ấn Độ, ngay từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước, nước này đã bắt đầu đặt trọng tâm phát triển vào ngành CNTT như một mũi nhọn phát triển kinh tế. 


Để phát triển ngành công nghiệp non trẻ này một cách bài bản, chính phủ Ấn Độ đã thành lập hẳn một bộ riêng, mang tên Bộ Điện tử, nay là bộ CNTT theo mô hình của Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp lừng danh của Nhật Bản. Các công ty CNTT Ấn Độ được chính phủ hỗ trợ tối đa với 3/5 quỹ R&D (nghiên cứu và phát triển) của Ấn Độ được dành cho lĩnh vực CNTT.


Các công ty CNTT Ấn Độ chủ yếu hướng đến 2 mục tiêu: gia công phần mềm cho các công ty nước ngoài và bắt đầu sản xuất những sản phẩm CNTT "Made in India" để tiêu thụ tại thị trường trong nước đầu tiên. Thời điểm đó, Ấn Độ có khoảng 800 triệu dân, trong đó có khoảng 150 triệu dân có khả năng mua sắm các sản phẩm CNTT này. Theo thời gian, các công ty CNTT Ấn Độ cải tiến các sản phẩm này và dần tìm được tiếng nói trên thị trường thế giới.


Việt Nam hiện nay cũng đang sở hữu những lợi thế tương tự, với một thị trường gần 100 triệu dân có thu nhập tương đối cao và một ngành gia công phần mềm khá phát triển, hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia gia công và xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới. Việc dựa vào thị trường nội địa làm bàn đạp để dần phát triển các sản phẩm công nghệ chất lượng cao, có thể vươn ra thị trường thế giới là một chiến lược thành công mà bản thân quê hương của Sundar Pichai đã thực hiện rất thành công.


Một khi đã đủ khả năng nắm bắt các công nghệ tiên tiến nhất thế giới, vốn đang được nghiên cứu và phát triển ở thung lũng Silicon, như Bangalore (được mệnh danh là thung lũng Silicon ở Ấn Độ) đang làm, thì tự khắc các công ty CNTT của Việt Nam có thể tìm được tiếng nói và chỗ đứng tại thung lũng công nghệ lừng danh, hơn là mạo hiểm đến để khởi nghiệp. Số công ty mới khởi nghiệp có chỗ đứng ở thung lũng Silicon hằng năm rất ít, đa phần không thể chịu nổi sức ép về công nghệ và tài chính của các ông lớn ở đây.


Có lẽ, CEO Google - Sundar Pichai đến Việt Nam với tư cách là tổng giám đốc điều hành của một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, nên những lời khuyên ông đưa ra chủ yếu hướng đến tầm vóc quốc gia. 
Nhưng bản thân sự thành công của ông Pichai và các đồng hương Ấn Độ của mình tại nước Mỹ và thung lũng Silicon lại đang chỉ ra một khía cạnh khác của câu chuyện. 


Đang ngày càng có nhiều người Ấn Độ thành công ở thung lũng Silicon. Ngoài Sundar Pichai, còn có khoảng hơn chục người Ấn khác đang giữ vị trí CEO tại các tập đoàn lớn ở Mỹ như Microsoft, PepsiCo. Hầu hết họ đều là sinh viên du học Mỹ, trong số hàng chục ngàn sinh viên Ấn Độ đến Mỹ học ngành CNTT hằng năm.


Việc các nhân tài gốc Ấn này chọn làm việc trong các tập đoàn lớn tại Mỹ trước khi được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cao nhất, thay vì chọn cách khởi nghiệp và mở công ty tại thung lũng Silicon có thể được xem là một bài học về sự cạnh tranh khắc nghiệt ở thung lũng công nghệ này, khắc nghiệt hơn rất nhiều so với suy nghĩ của một số start-up Việt Nam.

 

Nhưng nó cũng biểu hiện một khía cạnh khác của vấn đề, đó là: lực lượng kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ, đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển ngành CNTT nội địa ở Ấn Độ. Theo thống kê, khoảng 70% kỹ sư hàng đầu và lãnh đạo các công ty CNTT tại Bangalore - thung lũng Silicon của Ấn Độ - là các sinh viên từng du học ở Mỹ ngành CNTT.


Chính Sundar Pichai cũng là một du học sinh được cấp học bổng theo chương trình đào tạo kỹ sư CNTT tại Ấn Độ. Một số tài năng đặc biệt nổi trội như Pichai chọn cách ở lại Mỹ làm việc, trong khi phần lớn các sinh viên Ấn du học Mỹ chọn cách quay về nước khởi nghiệp và không ít trong số đó đã từng làm việc tại các công ty ở thung lũng Silicon. Kinh nghiệm và tri thức tích lũy được trong thời gian làm việc tại đây đã giúp ích rất nhiều cho các cựu sinh viên này trong việc phát triển công ty và công việc của họ tại Ấn Độ.


Vì thế, giấc mơ đến thung lũng Silicon của người Việt Nam không hoàn toàn ở quá xa tầm tay. Đúng là cơ hội để các start-up khởi nghiệp thành công ở đây là rất thấp, dù vẫn có những công ty do người Việt làm chủ giành được chỗ đứng tại đây, nhưng cơ hội kiếm được một vị trí làm việc để tích lũy kinh nghiệm và tri thức trước khi trở về phát triển thị trường trong nước là khá nhiều.


So về khả năng cá nhân, các kỹ sư Việt Nam đặc biệt là các kỹ sư học tập ở Mỹ hoàn toàn không thua kém các kỹ sư Ấn Độ hay Trung Quốc, để kiếm được các vị trí tại các công ty ở thung lũng Silicon. Người Ấn Độ đã có một khoảng thời gian gần 50 năm phát triển liên tục mới có được một thế hệ kỹ sư và nhà lãnh đạo trong giới CNTT xuất sắc mà Sundar Pichai là một điển hình, thì mục tiêu đó có lẽ cũng không ở quá xa tầm tay người Việt Nam.


Nhàn Đàm (theo Một Thế Giới)