Cuộc chạy đua xuyên Việt ghép tim từ người phụ nữ cho một nam giới

Anh B.T.P là người từng bị suy tim nặng, đã được 3 bệnh viện lớn tại TP.HCM điều trị nhưng không cải thiện, hy vọng sống gần như không còn.

Vào lúc 20h10 ngày 13/5, chuyến bay từ Hà Nội đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất mang trái tim của người phụ nữ bị tai nạn giao thông chết não (47 tuổi) vào để ghép cho bệnh nhân nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. 

Bệnh nhân nhận tim B.T.P (cùng là 47 tuổi), bị bệnh tim 8 năm qua, đến nay suy tim giai đoạn 4 do giãn cơ tim. Anh P. đã được điều trị tại 3 bệnh viện tại TP.HCM, hy vọng sống gần như không còn. Thế nhưng may mắn là có nguồn cho tim kịp thời, được ghép tim vào ngày 14/5. Sau khi ghép 1 tháng, đến nay chức năng tim của bệnh nhân ổn định.

 cuoc-chay-dua-xuyen-viet-ghep-tim-tu-nguoi-phu-nu-cho-mot-nam-gioi

Trái tim của người phụ nữ bị tai nạn giao thông chết não được vận chuyển từ Hà Nội vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để ghép cho anh B.T.P. Ảnh: BVCC

Được biết, hôm nay (17/6), anh B.T.P sẽ chính thức được xuất viện.

"Sau khi được ghép, đến hôm nay tôi thấy mình rất khỏe khoắn. Tôi ăn uống ngon, ngủ ngon giấc, không có trở ngại trong sinh hoạt. Tôi rất cảm ơn tấm lòng của người cho tim và gia đình họ. Tôi cảm thấy mình được ưu ái nên sẽ gắng bảo vệ quả tim cho tốt đẹp. Tôi xin cảm ơn rất nhiều ê kíp ghép tim cho tôi" - anh P xúc động nói.

 cuoc-chay-dua-xuyen-viet-ghep-tim-tu-nguoi-phu-nu-cho-mot-nam-gioi

Anh P được các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc chu đáo. Ảnh: BVCC

BSCK II Nguyễn Thái An - Trưởng khoa Hồi sức, Phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin: "Anh P là bệnh nhân suy tim lâu năm, ngày càng diễn tiến nặng hơn.

Mặc dù được đặt máy hỗ trợ nhưng bệnh nhân cũng không hồi phục được chức năng tim. Trước khi ghép tim, bệnh nhân P phụ thuộc vào một loại thuốc vận mạch để giúp cho tim đập khá hơn. Do đó, việc điều trị bệnh nhân khó khăn vì xuất phát điểm là tương đối nặng".

Cũng theo bác sĩ Thái An, cái khó là bệnh nhân nặng. Thông tin của bệnh nhân là do các đồng nghiệp điều trị cho bệnh nhân trước đó cung cấp nên khi bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ phải làm lại tất cả chẩn đoán trong thời gian nhanh nhất có thể để quyết định bệnh nhân này có thực sự cần ghép tim không.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải bỏ ra 2 ngày cuối tuần để hội chẩn bệnh nhân này và cuối cùng thống nhất là ghép tim cho bệnh nhân.

Cuộc chạy đua xuyên Việt ghép tim từ người phụ nữ cho một nam giới - Ảnh 3.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép tim "xuyên Việt" đặc biệt. Ảnh: BVCC

Nói về ca ghép tim "xuyên Việt" đặc biệt này, PGS.TS.BS Trần Quyết Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết: Công tác vận chuyển và bảo quản tim đã được thực hiện rất nhanh từ cửa phòng mổ ở Hà Nội đến sân bay Nội Bài và vận chuyển vào đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Đây thực sự là một cuộc chạy đua về thời gian, với sự phối hợp giữa các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức – nơi nhận trái tim được hiến tặng, đến Trung tâm điều phối hiến ghép tạng, cả lực lượng hàng không sân bay, xe dẫn đường của lực lượng cảnh sát giao thông… Sau 3 giờ đồng hồ, ca ghép tim thành công.

Theo PGS.TS.BS Trần Quyết Tiến, ca ghép tim này có một số điểm đặc biệt. Trong đó, điểm đặc biệt rất lớn đó là ca đầu tiên mà Bệnh viện Chợ Rẫy được thực hiện ghép tim khi có giấy cho phép của Bộ Y tế cho phép được ghép tim từ bệnh nhân đã chết não.

Bên cạnh đó, bệnh nhân này có nhóm máu A, trong khi người cho tim có nhóm máu O. Mực dù việc này không có ảnh hưởng gì trong nguyên tắc của nhóm máu nhưng đối với một ca đầu tiên làm thì khiến các anh em có phần lo lắng. Tất cả tạo nên áp lực tâm lý khá nặng.

 cuoc-chay-dua-xuyen-viet-ghep-tim-tu-nguoi-phu-nu-cho-mot-nam-gioi

Lãnh đạo Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy tặng hoa chúc mừng bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Lan.

Thầy thuốc ưu tú, BSCK II Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy  - cho biết: Từ 4 năm trước đơn vị đã thực hiện ghép tim. Đến nay đã thực hiện thành công 5 ca ghép tim từ người cho chết não, trong đó 4 ca thực hiện dưới sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia đến từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Riêng ca ghép tim lần này là hoàn toàn do các bác sĩ của bệnh viện đảm nhiệm.

Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, đây là ca đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ghép tim độc lập, là thách thức, vinh dự và cũng là tiền đề cho việc thành lập trung tâm ghép tạng lớn nhất phía Nam.

Được biết, Anh P. là thợ hồ, vợ là công nhân, có hai con nhỏ. Kinh phí ca phẫu thuật ghép tim cho anh P hết gần 500 triệu, trong đó bảo hiểm y tế thanh toán hơn 200 triệu, còn lại là tự chi trả và Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ.

Kim Vân

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

+Phi công người Anh hồi phục chia sẻ thông tin về gia đình và cảm ơn y bác sĩ Việt Nam

+Những loại quả không được đặt lên bàn thờ kẻo đánh mất tài lộc

+Ai một lần trong đời cũng đã từng cắn nhầm lưỡi, nguyên nhân của việc này sẽ khiến bạn ngã ngửa

----