Dễ mất mạng vì ăn tôm sống, ốc sên

Trường hợp viêm màng não vì ăn ốc sên dẫn đến hôn mê tại TP HCM được cứu sống đã tiếp tục đưa ra cảnh báo về mối nguy hiểm khi người dân ăn hải sản nhiễm bệnh.

Ăn ốc sên, bé 10 tuổi dính bệnh viêm màng não

Các bác sỹ Bệnh viện Nhi Đồng I- TP HCM vừa tiếp nhận một bệnh nhân 10 tuổi đến từ Cà Mau trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm màng não.

Dễ mất mạng vì ăn tôm sống, ốc sên

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không nên ăn các thức ăn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ chế biến từ ốc, tôm, cua, cá... dưới mọi hình thức. Ảnh: Chí Cường

Sau hai ngày tích cực điều trị, bệnh nhi đã tỉnh và kể lại cách đây một tuần cùng 5 trẻ em trong xóm bắt ốc sên nướng ăn. Sau khi ăn xong, bệnh nhi này có triệu chứng nhức đầu từ nhẹ tới nặng, nôn ói, lơ mơ, yếu tay chân nên được gia đình đưa đi cấp cứu.

Bệnh viện địa phương đã không biết bệnh nhi từng ăn ốc sên nên việc điều trị không tiến triển. Đến khi bệnh nhi hôn mê thì được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng I. Tại đây, các bác sỹ đã làm các xét nghiệm và xác định bệnh nhi bị nhiễm một loại ký sinh trùng nguy hiểm có liên quan đến ốc sên. Ký sinh trùng này có tên là A.cantonensis. Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng I cũng tiếp nhận một bé gái bị viêm màng não do ăn ốc sên. Trong năm 2014, bệnh viện này cũng đã phải điều trị cho hơn 30 người bị viêm màng não vì đã sử dụng món ăn trên.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hàng năm nước ta vẫn ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh viêm não màng não do nhiễm giun với những biểu hiện như: Đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, viêm các dây thần kinh gây liệt mặt, rối loạn cảm giác. Những trường hợp nặng có thể bị co giật, nói lảm nhảm, mất thăng bằng, mất trí nhớ, hôn mê. Bệnh kéo dài vài ngày đến vài tháng có thể dẫn đến tủ vong.

Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm giun A. cantonensis. Đây là một loại giun tròn ký sinh ở phổi chuột, chuột thải ấu trùng giun ra ngoài qua phân. Ngoài môi trường, ấu trùng ký sinh ở vật chủ trung gian là các loại nhuyễn thể ở đất hoặc ở biển (ốc nước ngọt, ốc sên...). Do đó, người khi ăn phải ốc sên, tôm, cua có ấu trùng hoặc ăn rau sống dính chất nhờn của ốc có ấu trùng, uống nước lã có ấu trùng thì sẽ bị nhiễm loại giun này. Ấu trùng giun vào cơ thể người sẽ ký sinh ở não hoặc tìm đến các phủ tạng khác.

Ăn tôm, cua, ốc cũng có thể bị giun, sán chui lên não

Gần đây, tại một số cơ sở y tế đã phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh nặng nghi do nhiễm giun A. cantonensis có diễn biến nguy kịch, trong đó có trường hợp đã tử vong do sử dụng thức ăn với lý do như: Làm mồi nhậu, ăn để chữa bệnh, làm đẹp da (?!).Trong khi các đặc tính về chữa bệnh của loài nhuyễn thể này chưa hề được nghiên cứu và chứng minh.

Không chỉ ăn ốc sên mới gây ra tác hại nghiêm trọng đối với não người, nhiều loài thủy - hải sản khác cũng chứa các loại ký sinh trùng nguy hiểm có thể tấn công não người nếu như trước khi ăn, các món này không được nấu chín. BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) kể lại, bệnh viện này từng tiếp nhận một thanh niên rất khỏe mạnh vào viện trong tình trạng sốt li bì, mê sảng. Khai thác tiền sử được biết, anh này đã bị sốt 5 ngày sau khi đi du lịch tại Quảng Ninh và ăn món tôm sống chao dầu. Bệnh nhân bị sán não và phải điều trị trong 2 tuần, rất may là chưa nguy hiểm đến tính mạng.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, nhiều loài như cua, ốc, tôm, cá có thểnhiễm ấu trùng sán, trứng sán thể bám vào các loại rau thủy sinh. Những loại thực phẩm này nếu không được nấu chín sẽ vào cơ thể người, nguy hiểm nhất là chui lên não. Người mắc sán có thể đại tiện ra sán hoặc sán tự bò ra. Tuy nhiên các trường hợp nhiễm sán nặng đều gầy yếu, sa sút về sức khỏe.

Cảnh báo tình trạng ăn ốc sên ở vùng nông thôn

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng I (TP HCM)- người điều trị trực tiếp cho bệnh nhi 10 tuổi (trú tại Cà Mau) cho hay: Lượng giun sán lây truyền từ ốc sên nhiều hay ít sẽ gây bệnh viêm màng não nặng hoặc nhẹ. Trường hợp của em bé này là khá nặng. Qua ca bệnh, BS Khanh lại tiếp tục lên tiếng cảnh báo tình trạng ăn ốc sên ở vùng nông thôn hiện nay. Giun sán có trong ốc sên sau khi xâm nhập cơ thể người ăn sẽ di chuyển thẳng lên não, gây bệnh viêm màng não rất nguy hiểm đến tính mạng. "Ở nhiều quốc gia, người dân ăn ốc sên như một món ngon, đặc sản vì ốc sên được nuôi trong môi trường được kiểm soát chặt chẽ nên an toàn. Còn ở Việt Nam, ốc sên sống tự nhiên nên rủi ro nhiễm giun sán khi ăn là rất lớn", BS Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Đỗ Bá

Để chủ động phòng, chống bệnh viêm não màng não do bị nhiễm giun, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Thực hiện tốt việc an toàn thực phẩm

- Thực hiện ăn chín, uống chín.

- Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái ốc sên với bất kỳ lý do gì.

- Không nên ăn các thức ăn sống hoặc chưa được nấu chín kỹ, chế biến từ ốc, tôm, cua, cá... dưới mọi hình thức.

- Tránh ăn thức ăn sống đã bị ốc hoặc sên làm nhiễm bẩn; Rửa sạch rau để loại bỏ các loài nhuyễn thể nhiễm ấu trùng gây bệnh.

2. Vệ sinh môi trường

Thực hiện vệ sinh môi trường, thực hiện diệt chuột ở khu dân cư sinh sống để cắt đứt vòng đời sinh học của giun A. cantonensis, phòng tránh nguy cơ gây mắc bệnh cho người.

3. Kịp thời đến các cơ sở y tế

Nếu đã ăn các loại thức ăn từ ốc sên hoặc tôm, cua, ốc chưa nấu chín mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như: Sốt, đau đầu, buồn nôn… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Theo Gia đình & xã hội