Đừng táy máy 9 thứ sau nếu không muốn smartphone Android thành "cục gạch"

Hãy nên nhớ có những thứ chúng ta không nên làm một cách tùy tiện, tránh trường hợp smartphone bị giảm hiệu năng hay có những sự cố bảo mật đáng tiếc.

Hầu hết chúng ta khi sử dụng smartphone chạy hệ điều hành Android đều có thói quen lướt qua các diễn đàn công nghệ để tìm kiếm những thủ thuật, mẹo vặt dành cho nền tảng này. Từ đó, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời và hoàn hảo hơn.

Tuy nhiên, phần lớn những thủ thuật đó đều khuyên chúng ta nên dùng hay tùy chỉnh thế này, thế nọ. Và liệu có bao giờ bạn tự hỏi hệ điều hành Android có những điểm nào mà các bạn không nên thực hiện hay không? Bài viết này sẽ giúp bạn điểm qua một số điều không nên làm trên bất kì một thiết bị Android nào, kể cả những siêu phẩm mới được ra mắt trong thời gian gần đây.

1. Từ chối đăng nhập tài khoản Google

Hiện nay, Google đã phát triển một cách chóng mặt, ngoài công cụ tìm kiếm, chúng ta còn có thể sử dụng những dịch vụ khác như Youtube, Gmail, Drive, Photos. Và tất nhiên để sử dụng được những tính năng này, người dùng cần phải có tài khoản để đăng nhập.

Điểm mạnh của Google chính là việc tích hợp toàn bộ những dịch vụ của mình vào một tài khoản người dùng duy nhất, từ đó sẽ giúp chúng ta dễ dàng quản lý thông tin cá nhân hơn rất nhiều. Với những người sử dụng máy tính bình thường, việc không tạo tài khoản Google cũng chả ảnh hưởng lắm khi chúng ta vẫn có khá nhiều sự lựa chọn khác để thay thế với chức năng tương đương.

 Hãy đăng nhập thiết bị với tài khoản Google để tận hưởng nhiều lợi ích.

Thế nhưng, đối với những chiếc smartphone chạy nền tảng Android thì hoàn toàn khác. Cụ thể, khi bạn không đăng nhập tài khoản Google vào thiết bị, đồng nghĩa bạn đã từ chối đi hàng loạt những tính năng vô cùng hấp dẫn kể trên, cùng với đó là kho ứng dụng Google Play Store. Ngoài ra, trong trường hợp thiết bị của bạn gặp sự cố nào đó, bạn sẽ rất khó khăn trong việc đồng bộ và sao lưu những dữ liệu quan trọng.

Việc thiết lập này rất đơn giản khi chỉ cần vài thao tác đơn giản, nhưng những gì bạn nhận được là vô cùng lớn, cho nên không lí do gì để từ chối điều này phải không nào?

2. Cài đặt ứng dụng liên quan đến việc kiểm soát thời lượng pin

 Những ứng dụng thế này chỉ làm ngốn pin hơn mà thôi.

Chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều đã từng đi tìm những ứng dụng nhằm kiểm soát thời lượng pin hiệu quả hơn. Thế nhưng, có một sự thật phũ phàng là những ứng dụng như vậy thường không đem lại hiệu quả gì, chưa kể với việc chạy ngầm sẽ khiến thiết bị phải cung cấp năng lượng cho nó nhiều hơn, cho nên có thể nói những ứng dụng này không mang đến ích lợi gì ngoài việc khiến thiết bị của bạn hết pin nhanh hơn bình thường.

3. Cài đặt quá nhiều phần mềm diệt virus

Đây là một điều khá buồn cười, khi có rất nhiều người cài đặt cả 3, 4 ứng dụng diệt virus trên cùng một thiết bị với suy nghĩ rằng nó sẽ giúp bảo vệ thiết bị tốt hơn. Nhưng sự thật lại không như vậy.

Đầu tiên, không phải phần mềm diệt virus nào cũng sẽ mang đến hiệu quả như nhau khi nó còn tùy thuộc vào cơ sở dữ liệu có được cập nhật liên tục nhằm bảo vệ thiết bị khỏi những tác nhân mới hay không. 

 Hãy cài đặt chỉ 1 ứng dụng diệt virus có chất lượng tốt hơn là cài quá nhiều.

Chưa kể, với việc cài quá nhiều những ứng dụng có chức năng giống hệt nhau sẽ khiến tiêu tốn nhiều tài nguyên bộ nhớ. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm và diệt virus đòi hỏi ứng dụng phải chạy ngầm liên tục, dẫn đến số lượng ứng dụng được cài vào sẽ tỉ lệ thuận với lượng pin tiêu thụ. Đây thực sự là điều mà không phải ai cũng mong muốn.

Để sử dụng một cách hiệu quả nhất, bạn chỉ nên sử dụng một phần mềm diệt virus có chất lượng tốt trên thị trường. Và sau này nếu muốn thay thế bằng ứng dụng khác, việc trước tiên bạn nên xóa sạch những gì liên quan đến ứng dụng đang sử dụng trước khi cài đặt một cái tên khác vào máy.

4. Cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc

Android là một nền tảng có mã nguồn mở, cho nên nó mang lại rất nhiều lợi thế cho người dùng, cũng như những mối hiểm họa tiềm tàng có thể đến bất kì lúc nào. Và thứ thể hiện rõ nhất trong vấn đề này có lẽ phải kể đến phần mềm. 

Cụ thể, người dùng sẽ dễ dàng gặp phải các phần mềm miễn phí "ăn theo" các ứng dụng nổi tiếng khác. Từ tâm lí ham rẻ, chúng ta dễ dàng dính vào cái bẫy đã được giăng sẵn ra. Từ đó dẫn đến thông tin cá nhân bị đánh cắp, hậu quả có thể kể đến như mất quyền kiểm soát máy, bị hack mạng xã hội, hay thậm chí tồi tệ hơn là bị đánh cắp thẻ tín dụng. 

 Cẩn thận khi cài những phần mềm không rõ nguồn gốc.

Chính vì thế, để bảo vệ cho chính bạn, không nên cài đặt những ứng dụng đến từ các nhà sản xuất không rõ tên tuổi, cũng như hạn chế việc tải các ứng dụng trả phí bằng bộ cài APK được phát tán trên mạng khi những nguy cơ trong đó thì chẳng ai lường trước được. 

5. Bỏ qua các phiên bản cập nhật phần mềm

Thực tế cho thấy, không có thiết bị di động nào được gọi là hoàn hảo kể từ ngày bán ra cho đến khi chấm dứt vòng đời mà không gặp bất cứ một lỗi phát sinh liên quan đến hệ điều hành cả. Tất nhiên, việc smartphone bị lỗi là một vấn đề dễ hiểu, do đó các nhà sản xuất luôn cố gắng đưa ra những bản cập nhập sớm nhất nhằm khắc phục những lỗi đó, hay ra mắt thêm nhiều tính năng mới hơn.

 Thường xuyên cập nhật phần mềm mới để máy hoạt động mượt mà hơn.

Thế nhưng, có rất nhiều người lại không hề mặn mà với các gói cập nhật như vậy khi họ cho rằng việc tải về và cài đặt tốn khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc bỏ qua những bản cập nhật này chẳng khác nào chính bạn đang từ chối rất nhiều lợi ích có thể kể đến như pin được cải thiện, máy hoạt động mượt mà hay giao diện cũng đẹp hơn. Do đó, hãy thường xuyên kiểm tra và cập nhật phần mềm mới nhất để có thể tận hưởng nhiều lợi ích mà nó mang lại.

6. Mang toàn bộ mọi thứ ra màn hình chính

Các smartphone Android hiện nay đã có màn hình khá lớn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn phải đem tất cả mọi thứ đặt ra ở màn hình chính. Các biểu tượng ứng dụng hay các widget tràn ngập màn hình chỉ khiến cho bạn càng rối mắt hơn mà thôi. 

 Màn hình chính hãy gọn gàng và đơn giản.

Do đó, hãy cố gắng giữ cho màn hình chính càng ít biểu tượng và gọn gàng nhất có thể. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều pin cũng như cải thiện tốc độ của máy đáng kể. Ngoài ra, sử dụng màn hình nền dạng tĩnh cũng sẽ giúp cho thiết bị hoạt động mượt mà hơn đấy.

7. Xóa những tập tin không hề biết nó là gì

Trên hệ điều hành Android, khả năng quản lí tập tin là một tính năng vô cùng tuyệt vời, cụ thể với File Explorer, người dùng có thể chia sẻ, sao chép, xóa và quản lí các tập tin trên bộ nhớ rất tiện lợi. Thế nhưng, sẽ có lúc bạn phải đối mặt với tình huống dung lượng bị đầy và bạn muốn xóa đi những thứ không cần thiết để dành chỗ cho những thứ mới mẻ hơn.

 Chỉ nên xóa những thứ mà bạn hiểu rõ về nó.

Tuy nhiên, hãy thật cân nhắc và cẩn thận khi xóa bất cứ thứ gì. Bởi lẽ, máy không chỉ hiển thị dữ liệu người dùng mà còn có cả tập tin hệ thống nữa. Do đó, chỉ nên xóa những thứ mà chúng ta biết rõ về nó để tránh trường hợp phải cài lại hệ điều hành vì "lỡ tay xóa nhầm".

8. Để thiết bị cạn pin

 Sạc ngay khi thiết bị báo pin yếu, không nên để cạn kiệt pin.

Hầu hết thiết bị điện tử hiện nay đều dùng pin lithium-ion. Loại pin này cho phép bạn có thể sạc chúng bất kỳ khi nào bạn thích mà không phải lo sợ bị chai pin. Thế nhưng, có một điều bạn cần phải lưu ý đó là không nên để pin smartphone cạn kiệt rồi mới sạc, bởi lẽ loại pin lithium-ion chỉ đảm bảo tuổi thọ tốt khi không để nó cạn dưới 20% tổng dung lượng mà thiết bị đã báo. Do đó, hãy sạc ngay khi điện thoại báo pin yếu nếu không muốn phải thường xuyên bỏ ra số tiền lớn để thay pin.

9. Root máy

Root từ lâu là một khái niệm quen thuộc với những người sử dụng Android khi cho phép người dùng chiếm quyền quản trị cao nhất của hệ thống, từ đó có thể thoải mái tùy chỉnh các thiết lập như thay đổi giao diện, biểu tượng hay làm được rất nhiều thứ khác.

 Cân nhắc thật kỹ trước khi root máy kẻo hối tiếc.

Nghe có vẻ thú vị, thế nhưng việc Root một smartphone Android lại đồng nghĩa với việc bạn tự đánh mất quyền bảo hành của nó. Ngoài ra, khả năng phục hồi của máy nếu quá trình root thất bại là một vấn đề đáng phải lưu ý. Hiện tại, chỉ một số ít các thiết bị Android có thể un-root (khôi phục lại trạng thái ban đầu) trong khi hầu như phần lớn các máy khác sẽ trở thành "đồ chặn giấy" vĩnh viễn nếu như quá trình root bất thành.

Tóm lại, việc Root máy hoàn toàn khác nhau trên mỗi thiết bị Android và là quyết định của mỗi người. Vì thế, hãy cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng về khả năng tương thích của thiết bị mà mình đang sử dụng trước khi quyết định root hay không. 

Theo TTVN / Beebom