Hà Giang xác nhận hơn 700m3 gỗ nghiến cổ thụ bị tàn phá trong Vườn quốc gia Du Già

Sau khi đi kiểm tra thực địa, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang xác nhận 66 cây nghiến bị chặt phá bên trong Vườn Quốc gia Du Già với số lượng 710 m3.

Liên quan đến việc số lượng lớn cây nghiến cổ thụ ở Vườn Quốc gia Du Già bị tàn phá, sau khi trực tiếp đi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã giao cho Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra, xác định số lượng gỗ bị khai thác trái phép; xem xét trách nhiệm của chủ rừng đối với Ban Quản lý rừng đặc dụng Du Già; kiểm tra, rà soát toàn diện trách nhiệm của chủ rừng đối với các ban quản lý rừng đặc dụng trực thuộc sở quản lý để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại yếu kém; phối hợp cơ quan công an để điều tra, xử lý vụ việc.

Theo kết quả kiểm tra, tính đến ngày 29/6, hai tổ công tác do Phó Giám đốc Sở và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm tổ trưởng đã xác định có 66 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) bị chặt hạ (cả cây bị chặt hạ đã lâu và cây mới bị chặt hạ) với khối lượng đo đếm sơ bộ hơn 700 m3. Các tổ công tác đã tiến hành lập hồ sơ đối với từng cây nghiến bị đốn hạ (xác định tọa độ, mô tả loại cây, kích thước, đánh số thứ tự).

ha-giang-xac-nhan-hon-700m3-go-nghien-co-thu-bi-tan-pha-trong-vuon-quoc-gia-du-gia

Những cây nghiến cổ thụ bị “lâm tặc” cưa đổ, cắt khúc để làm thớt và vận chuyển ra khỏi rừng thuộc địa phận xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Cũng trên địa bàn xã Minh Ngọc, từ ngày 21 đến 25/6, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Mê đã phối hợp chính quyền địa phương tiến hành rà soát diện tích rừng sản xuất trên địa bàn thôn Lùng Càng và phát hiện 21 cây gỗ nghiến bị khai thác trái phép, khối lượng hơn 70 m3. Đây là khu vực rừng sản xuất đã được UBND huyện Bắc Mê giao cho tập thể thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc quản lý.

Về xem xét trách nhiệm của chủ rừng đối với Ban Quản lý rừng đặc dụng Du Già, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp huyện Bắc Mê kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép trong khu vực Vườn quốc gia Du Già. Sau khi có kết quả kiểm tra cụ thể, tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật với cán bộ thuộc thẩm quyền nếu có dấu hiệu vi phạm.

ha-giang-xac-nhan-hon-700m3-go-nghien-co-thu-bi-tan-pha-trong-vuon-quoc-gia-du-gia

Theo cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang, 66 cây nghiến có khối lượng trên 700m3 đã bị tàn phá ở rừng đặc dụng Du Già.

Hiện tại, đã đình chỉ công tác đối với ông Hoàng Ngọc Thực, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Du Già. Đồng thời, biệt phái cán bộ từ Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang vào điều hành công việc tại Ban Quản lý rừng đặc dụng Du Già.

"Đây là vụ việc nghiêm trọng, phức tạp nên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã giao cho Giám đốc Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng thành lập chuyên án, mở rộng điều tra, xác minh vụ vi phạm và xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay, cơ quan công an đang tiến hành điều tra, xử lý vụ việc.

Do đó, kết quả xử lý vụ việc phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an", lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cho biết thêm.

ha-giang-xac-nhan-hon-700m3-go-nghien-co-thu-bi-tan-pha-trong-vuon-quoc-gia-du-gia

Một số cây nghiến bị "lâm tặc" đốn hạ, cắt khúc, chưa kịp đưa ra khỏi rừng.

Trước đó theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội tại Vườn quốc gia Du Già (khu vực thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang), rất nhiều cây nghiến cổ thụ đã bị chặt phá. Tổng lượng gỗ rừng già bị tổn thất, bị ăn cắp đem đi, bị vứt lại trong các "công xưởng" xẻ gỗ mênh mông, lên đến nhiều trăm mét khối …

Qua làm việc, cả Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND xã Minh Ngọc đều thừa nhận tình trạng "quá nóng" về tàn sát rừng nghiến trên và hứa nỗ lực lập nghiêm để xử lý các đối tượng.

ha-giang-xac-nhan-hon-700m3-go-nghien-co-thu-bi-tan-pha-trong-vuon-quoc-gia-du-gia

Một cây nghiến cổ thụ mới bị cưa hạ, nằm trơ trọi giữa rừng già...

Trong khi đó, ông Mã Xuân Hành - Trưởng thôn Lùng Càng, xã Minh Ngọc - là thành viên tổ bảo vệ rừng trên địa bàn cho biết: Trên địa bàn thôn có khoảng 100ha rừng đặc dụng và 97ha rừng phòng hộ.

"Rừng này gỗ nghiến còn nhiều, nhưng người đi tuần rừng ít quá. Người dân vào chặt phá, nhất là dân ở các thôn giáp ranh nữa. Chỉ biết là người dân phá rừng, không bắt tận tay được đâu", ông Hành nói.

Theo lời trưởng thôn Lùng Càng, "lâm tặc" không đi cưa gỗ, phá rừng nghiến vào ban ngày, mà chủ yếu đi vào ban đêm.

"Trong thời gian chúng tôi không đi tuần rừng nữa thì các cây gỗ bị chặt. Lý do là Ban quản lý Rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia Du Già) bảo là hết tiền chi trả công xá cho người tuần rừng. Nói chung, bọn tôi không đi tuần rừng vì có lý do. Không chỉ liên quan đến tiền...", ông hành chia sẻ.

Theo GiaDinh