Hộ chiếu gắn chip sẽ lưu trữ vân tay, không bị định vị theo dõi



Ngoài lưu trữ dấu vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu của công dân trên chip điện tử, hộ chiếu gắn chip còn có tính bảo mật cao và rất khó làm giả.

Chiều 22/2, Bộ Công an đã công bố thông tin kèm hình ảnh mẫu hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam. Từ ngày 1/3, cơ quan chức năng sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Lưu thông tin mã hóa của công dân

Theo Bộ Công an, hộ chiếu gắn chíp có chứa thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp. Đây là bước cải tiến mới tạo thuận lợi cho công dân, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh.

Ngoài chứa các thông tin được viết trên giấy như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch... của công dân, thì mẫu hộ chiếu mới còn lưu trữ những thông tin sinh trắc học của con người (vân tay, mống mắt, khuôn mặt, nhóm máu...).

ho-chieu-gan-chip-se-luu-tru-van-tay-khong-bi-dinh-vi-theo-doi

Hộ chiếu gắn chip (ảnh trên) so với mẫu không gắn chip.

Bộ Công an đánh giá việc lưu trữ được nhiều thông tin, nhận dạng một người càng thêm chính xác. Nhờ đó, công dân mang hộ chiếu gắn chip khi làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các nước sẽ diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn. Cán bộ làm công tác kiểm soát xuất nhập cảnh cũng nhanh chóng xác nhận được thông tin của hành khách.

Người có hộ chiếu gắn chíp sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh, nhờ vào lưu trữ được nhiều thông tin theo một định dạng thống nhất giữa các quốc gia.

Bộ Công an cho biết hộ chiếu gắn chíp điện tử là điều kiện tiên quyết và cơ sở để tự động hóa công tác kiểm soát cửa khẩu, tạo thuận lợi cho việc đi lại, xuất nhập cảnh giữa các nước. Nhất là các nước có ứng dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học để kiểm soát hộ chiếu điện tử tại một số cửa khẩu quốc tế.

Hoàn toàn không bị định vị theo dõi

Ngoài những đặc điểm trên, Bộ Công an khẳng định các thông tin được lưu trữ trong chíp điện tử, nên có tính bảo mật cao hơn hộ chiếu thông thường và rất khó sao chép các dữ liệu này.

Chip điện tử còn giúp bảo vệ người mang hộ chiếu trước nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân, tránh tình trạng bị làm giả. Đặc biệt, cơ quan chức năng nhấn mạnh hoàn toàn không có việc định vị theo dõi chip trên hộ chiếu.

ho-chieu-gan-chip-se-luu-tru-van-tay-khong-bi-dinh-vi-theo-doi

Biểu tượng hoa sen chìm chống làm giả trên hộ chiếu. Ảnh: Hoàng Lam

Về hình thức của hộ chiếu gắn chíp, Bộ Công an cho hay mẫu này cơ bản giống với hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Cụ thể, 2 loại hộ chiếu đều có bìa màu xanh tím than, gần 50 trang trong hộ chiếu là những cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.

Điểm khác biệt là ở trang bìa đầu tiên của hộ chiếu điện tử có biểu tượng chíp điện tử. Con chip được đặt tại trang bìa sau của cuốn hộ chiếu để lưu trữ thông tin nhân thân, thông tin sinh trắc học của người được cấp hộ chiếu và chữ ký số của cơ quan cấp hộ chiếu.

Cơ quan công an khẳng định hộ chiếu không gắn chíp và hộ chiếu gắn chíp điện tử được sử dụng song hành. Khi nộp hồ sơ, mọi công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền được lựa chọn cấp loại hộ chiếu gắn chip hoặc không gắn chip.

Những ai đã được cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử từ ngày 1/7/2022, thì tiếp tục sử dụng đến khi hết thời hạn của hộ chiếu, không bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu có gắn chíp điện tử.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Theo GiaDinh