Hố sâu ngăn cách tình thầy trò sau hàng loạt vụ giáo viên sàm sỡ, dâm ô học sinh

Nhiều nhà giáo (đặc biệt là thầy giáo) cho rằng, những vụ việc sàm sỡ, dâm ô học sinh trong thời gian qua đã tạo hố sâu ngăn cách giữa tình thầy trò, khiến các thầy rất nghi ngại khi muốn bày tỏ sự thân thiện, tự nhiên của mình với học sinh.

ho-sau-ngan-cach-tinh-thay-tro-sau-hang-loat-vu-giao-vien-sam-so-dam-o-hoc-sinh

Sau một loạt vụ việc dâm ô, sàm sỡ học sinh gần đây, nhiều giáo viên cũng tỏ ra thận trọng trong ứng xử với học sinh. Ảnh minh họa: Q.A

Giáo viên e dè vì sợ “chạm” vào học sinh

Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận xã hội hết sức quan tâm, lên án những vụ việc nhà giáo sàm sỡ, dâm ô, “gạ tình” nữ, nam học sinh xảy ra liên tiếp tại một số địa phương. Sau những vụ việc này, nhiều thầy giáo khá dè dặt trong việc ứng xử với các em học sinh nữ, nhất là tránh động chạm vào cơ thể của học sinh.

Cho rằng một số vụ việc vừa qua chỉ là cá biệt, thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ, hiện nay cả nước có 1,2 triệu giáo viên với 24 triệu học sinh. Đại đa số các thầy cô là các tấm gương sáng về cả chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Một số sự việc gần đây, dù chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng đều là các hành vi xấu, đáng lên án và không thể chấp nhận được. Các hành vi nêu trên vi phạm Quy định về đạo đức nhà giáo trong Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT và thông tư 20/2018/TT-BGDĐT về chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Mặc dù khẳng định bản thân “không có gì phải “cảnh giác” nếu “cứ giữ lối sống trong sáng, cách làm việc minh bạch và vô tư” nhưng thầy Tùng cũng cho rằng: “trong “thế giới phẳng”, trong xã hội thông tin như hiện nay, các giáo viên, ngoài bản thân trong sáng còn phải rèn thêm các kĩ năng giao tiếp thông minh, cách ứng xử với phụ huynh, học sinh để không mắc phải cảnh “tình ngay, lí gian”, thậm chí có thể bị… “cài bẫy”.

Tuy nhiên, với nhiều giáo viên khác, nhất là với những giáo viên thể dục, việc “động chạm” vào thân thể học sinh lại tỏ ra hết sức cẩn trọng. “Quá trình dạy học môn thể dục, không tránh khỏi chạm vào học sinh, bởi chỉ làm mẫu thôi cũng rất khó để học sinh làm đúng động tác, nhưng cũng phải xác định rõ là phải tránh động vào cùng “cấm” của học sinh, nhưng ngay cả chỗ bộ phận như cánh tay, chân cũng không tránh được hiểu lầm. Nhiều khi phải dùng thước dài để “nắn” động tác cho học sinh”, một thầy giáo thể dục tại Hà Nội tâm sự.

Cần xác định “ranh giới” giữa thầy và trò

Là một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm dạy học, để nâng cao đạo đức, theo thầy Trần Mạnh Tùng, trước hết, các giáo viên cần nắm rõ các quy định về đạo đức giáo viên về chuẩn nghề nghiệp theo các quy định của Bộ GD&ĐT, rèn luyện bản thân theo các chuẩn đó. Thêm nữa, giáo viên cũng cần hiểu biết về tâm, sinh lí học sinh và các quy định pháp luật liên quan, xác định rõ những “ranh giới” giữa thầy và không để mình hoặc trò vượt qua ranh giới đó. Luôn có những tấm gương mẫu mực về ứng xử và quan hệ thầy - trò trong mỗi nhà trường, các giáo viên có thể tham khảo, học hỏi, trao đổi lẫn nhau.

Để tăng cường đạo đức nhà giáo, thầy Trần Mạnh Tùng kiến nghị các nhà trường nên tăng cường các buổi sinh hoạt nhấn mạnh về đạo đức giáo viên để các thầy cô “thấm” và có cách thức phù hợp, tinh thần là “phòng còn hơn chống”. Sự tự nhiên giữa thầy và trò không bị mất đi vì những lo lắng kể trên, trái lại nó càng khắc sâu tình cảm tốt đẹp được lưu giữ và phát huy hàng ngàn năm nay với truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

“Tôi cũng mong muốn, các nhà trường sư phạm chú ý hơn đến việc giáo dục và đào tạo đạo đức giáo viên, bên cạnh đó, việc tuyển dụng cũng cần quan tâm nhiều hơn đến phẩm chất nhà giáo, tránh những việc đáng tiếc xảy ra, làm xấu đi hình ảnh người thầy. Ngành giáo dục cần phối hợp với các bên liên quan cần có đánh giá chính xác về sự việc, xử lí thích đáng các cá nhân vi phạm. Đồng thời có các chương trình hành động nhằm chấn chỉnh đạo đức giáo viên nói chung và mối quan hệ thầy – trò nói riêng”, thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ thêm.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, các bảo vệ mình tốt nhất đối với nhà giáo không phải là sự e dè, tạo khoảng cách hay lo lắng điều gì cả mà đó chính là sự tận tâm yêu nghề, mến trẻ để xóa đi những rào cản. Nếu giữ được đạo đức, phẩm chất và tình cảm trong sáng giữa người thầy và trò sẽ vượt qua các ý nghĩ thiếu lành mạnh có thể dẫn đến vi phạm đạo đức nhà giáo.

"Pháp luật có những hình thức tăng nặng nếu như hành vi dâm ô và xâm hại trẻ em diễn ra với những người rất thân thiết có trách nhiệm bảo vệ các em (ví dụ thầy cô giáo, cha mẹ đẻ), để có tính chất răn đe. Cần có thêm thật nhiều những buổi giáo dục giới tính, kỹ năng phòng tránh xâm hại cho trẻ em. Cùng với đó là cung cấp số điện thoại “đường dây nóng” để các em có thể kêu cứu với người thân, nhà trường và những cơ quan cao cấp hơn để có biện pháp bảo vệ”.

TS. Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Theo GiaDinh