Không chỉ lo lắng, sợ sệt, dậy thì sớm còn khiến bé gặp phải bất lợi này so với bạn bè

Trẻ bị dậy thì sớm không chỉ ảnh hưởng tới cấu trúc xương mà còn làm cho trẻ trở nên sợ sệt, lo lắng.

Thế nào là dậy thì sớm?

Dậy thì là giai đoạn phát triển tương đối phức tạp của cơ thể với những sự điều chỉnh trục dưới đồi, tuyến yên, sinh dục. Một đứa trẻ được cho là dậy thì sớm đối với bé gái dưới 8 tuổi và trai dưới 10 tuổi.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, dậy thì sớm ở trẻ nhỏ được chia làm dạng dậy thì thực và dậy thì giả. Dậy thì thực thường hay gặp hơn so với dậy thì giả.

Không chỉ lo lắng, sợ sệt, dậy thì sớm còn khiến bé gặp phải bất lợi này so với bạn bè

Trẻ dậy thì sớm sẽ nguy cơ bị lùn khi trưởng thành, ảnh minh họa.

Trẻ dậy thì thực sẽ có những biểu hiện như: phát triển bộ phận sinh dục ngoài, sinh dục phụ bên trong cơ thể giống như đúng với tuổi dậy thì.

Bé gái có tử cung phát triển, xuất hiện kinh nguyệt hàng tháng. Ở bé trai sẽ xuất hiện lông nách, lông mu, tinh hoàn to, tinh hoàn có thể tạo tinh trùng.

“Trẻ dậy thì thực thường không gây ra những nguy hiểm quá lớn tới sức khỏe nhưng lại mang đến cho những rắc rối nhất định”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Dậy thì sớm tác động tới trẻ như thế nào?

Một đứa trẻ dậy thì sớm sẽ chịu tác động tâm lý rất nhất. Do trẻ còn quá nhỏ nhưng lại có những dấu hiệu sinh lý phát triển trước tuổi.

Sự thay đổi của cơ thể có thể khiến cho trẻ sợ sệt, lo lắng, dễ bị rối loạn tâm lý. Hậu quả có thể làm cho đứa trẻ trở nên  rụt rè, tự ti ngay cả khi chúng lớn lên.

“Trẻ dậy thì đồng nghĩa với việc sẽ có bản năng tình dục. Ở lứa tuổi quá nhỏ trẻ sẽ không suy xét và kiềm chế khả năng ham muốn. Nếu trẻ không được giáo dục cẩn thận có thể sinh con ngoài ý muốn.

Có thai ở tuổi quá bé có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ. Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới đường tình dục nếu bị lạm dụng mà không hay biết”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đứa trẻ dậy thì sớm có thể lùn và có chiều cao khiêm tốn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Vì khi trẻ phát triển sớm, hệ cơ xương phát triển nhanh.

Hệ xương của đứa trẻ dậy thì sớm sẽ bị cốt hóa điểm đầu xương (đầu xương đóng khép) sớm hơn so độ tuổi. Quá trình sinh trưởng của đứa trẻ sẽ bị rút ngắn, ảnh hưởng tới chiều cao khi trưởng thành.

Ở trẻ gái dậy thì sớm còn có nguy cơ phát triển hội chứng rối loạn nội tiết tố gây buồng trứng đa nang. “Để điều trị dậy thì sớm ở trẻ nhỏ, chủ yếu là tác động tâm lý, giáo dục ngay khi trẻ có dấu hiệu dậy thì.

Giáo dục sức khỏe sinh sản sớm hơn cho trẻ giúp trẻ tránh được những yếu tố nguy cơ. Trẻ sẽ được dùng thuốc làm chậm quá trình dậy thì.

Thời gian điều trị sẽ phải liên tục kéo dài tới khi trẻ đạt tới tuổi dậy thì bình thường”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Theo khuyến cáo của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi trẻ có những dấu hiệu dậy thì sớm không nên để trẻ ở nhà mà cần phải đi khám sớm.

Nên đưa trẻ đi khám tại chuyên khoa nội tiết nhi để trẻ nhận được sự giúp đỡ kịp thời của bác sĩ. Đối với từng nhóm đối tượng, bác sĩ sẽ có tư vấn thích hợp.

“Yếu tố xã hội phát triển khiến cho dậy thì sớm ngày càng tăng. Trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với phim ảnh, truyện tranh gây ra kích thích não bộ nhất định.

Ăn uống phải những thực phẩm có chất tăng trưởng đều là một trong những nguyên nhân gia tăng dậy thì sớm ở trẻ nhỏ”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Theo emdep