Khuyến mãi 50% - Trò câu khách rẻ tiền

Hình ảnh những cửa hàng mắt kính trưng bày giảm giá từ 30-50% những thương hiệu mắt kính nổi tiếng thế giới đã quá quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây là các mặt hàng này có thật sự là “hàng hiệu” hay không? Những băng rôn, áp phích giảm giá có đúng nghĩa hay chỉ là hình thức để thu hút khách hàng?

Mắt kính khuyến mãi... quanh năm

Bảng quảng cáo khuyến mãi “hớp hồn” người đi đường ngay ánh nhìn đầu tiên.

Nhiều hãng mắt kính hiệu về đến Việt Nam được “hóa giá” còn 50% giá niêm yết. Chẳng những thế, các hãng mắt kính này được hạ giá quanh năm...

Người tiêu dùng không còn xa lạ với chiêu trò “sale off” hấp dẫn của các cửa hàng mắt kính. Các chiêu trò giảm giá vài trăm ngàn hoặc 30-50% cho mắt kính của tất cả các hãng nổi tiếng được các cửa hàng này thực hiện quanh năm. Chỉ đến khi các panel quảng cáo nó quá cũ hoặc rách nát thì mới được các chủ cửa hàng thay mới.

Tại cửa hàng mắt kính 299 Điện Biên Phủ, biển giảm giá 50% cho tất cả các sản phẩm được in màu đỏ rất bắt mắt và lắp đặt trọn vẹn chiều ngang cửa hàng này. Người đi đường sẽ bị “hớp hồn” ngay ánh nhìn đầu tiên.

“Tiệm mắt kính này lúc nào mà chẳng giảm giá 50%, có gì lạ đâu mà hỏi”, một bác xe ôm tỏ ra khó chịu khi chúng tôi thắc mắc về việc tiệm mắt kính nói trên ưu đãi giảm giá.

Vào tiệm mắt kính, nhân viên ở đây cũng cho biết là giảm giá 50% cho tất cả các gọng kính từ hàng hiệu cho đến hàng “dỏm”. Các sản phẩm mắt kính thời trang cũng được giảm giá như thế. Riêng tròng kính (nếu là cắt kính cận, loạn, viễn - PV) thì sẽ được tính giá tùy theo độ mắt của người mua.

Theo quan sát, tất cả các sản phẩm được trưng bày trong cửa hàng đều có 2 mệnh giá là giá gốc và giá khuyến mãi chỉ bằng 50% giá gốc. Một số tem giá rách nát, cũ kỹ và dường như được dán vào sản phẩm trước đó rất lâu.

Tiếp tục đến cửa hàng mắt kính Hùng Vương (số 300 Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM) chúng tôi cũng có những “trải nghiệm” tương tự như cửa hàng mắt kính 299 Điện Biên Phủ.

Sản phẩm kính mát như Rayban giá niêm yết của cửa hàng này từ vài trăm đến một, hai triệu đồng. Thế nhưng nhân viên ở đây cho biết giá bán ra chỉ bằng một nửa giá gốc và có niêm yết đầy đủ trên sản phẩm.

“Cửa hàng đã giảm 50% so với giá gốc rồi nên không thể giảm giá thêm nữa”, nhân viên cửa hàng mắt kính Hùng Vương cho biết khi chúng tôi thương lượng giá.

Chỉ là chiêu trò câu khách

Siêu khuyến mãi ở mắt kính Hùng Vương.

Hai cửa hàng kể trên chỉ là một minh chứng cho chiêu trò câu khách rẻ tiền của các cửa hàng mắt kính trên địa bàn TP.HCM nói riêng và các tỉnh thành trong cả nước nói chung.

Đặc biệt, hình thức mắt kính giảm giá không mấy khi xuất hiện trên các trang mạng chuyên bán mắt kính chính hãng, có chăng chỉ giảm từ 10-15%. Các trang mạng này niêm yết giá hầu như chỉ bằng một nửa so với giá các cửa hàng sale off 50%.

So sánh sản phẩm mắt kính Rayban của hai cửa hàng nói trên đem ra chào khách với sản phẩm cùng loại trên trang web chính thức của Rayban thì chúng tôi có những kết quả thật sự bất ngờ. Một số dòng sản phẩm giảm một nửa giá niêm yết sẽ cao hơn giá thật của Rayban niêm yết vài chục ngàn đồng. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm của các cửa hàng mắt kính này bán ra với giá sale off 50% thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại mà Rayban niêm yết. Tìm hiểu các sản phẩm mắt kính như Gucci, D&G, BOSS... chúng tôi cũng có những kết quả tương tự.

Trước khi mua mắt kính ở những cửa hàng giảm giá mạnh, người tiêu dùng cần nên có những kiến thức nhất định về sản phẩm mình định mua. Và cần trả lời những câu hỏi như: Mắt kính này giá gốc bao nhiêu? Cửa hàng có thật sự sale off? Hoặc đây có phải là sản phẩm hàng hiệu?

 Thế Mỹ (NTD)