Kinh doanh rau sạch: “Bí kíp” làm giàu bền vững của nông dân

Với thu nhập bình quân 50 - 70 triệu đồng/năm, trồng và kinh doanh rau an toàn (RAT) đang trở thành “bí kíp” làm giàu của nhiều người nông dân tại các vùng trồng rau sạch. Thực tế cho thấy, khi nhu cầu rau sạch trên thị trường ngày càng cao, phát triển mô hình canh tác RAT là hướng đi tất yếu và bền vững cho người nông dân.

Khảo sát tại các vùng trồng RAT lớn tại Hà Nội, như Vân Nội (Đông Anh), Lĩnh Nam (Thanh Trì), Đặng Xá (Gia Lâm), Hà Hồi (Thường Tín)… cho thấy với những đổi mới trong sản xuất, phát triển mô hình canh tác RAT, người nông dân đang có cuộc sống ổn định, với thu nhập cao từ việc phát triển mô hình trồng RAT.

“Lên đời” nhờ rau sạch

Ông Lê Quang Thuần (50 tuổi) - chủ hộ trồng rau ở vùng rau sạch Vân Nội, chia sẻ: Nhà ông có ngót một mẫu đất (khoảng 3.600m2). Mỗi năm thường có 5 - 7 vụ luân phiên, với các loại rau phổ biến như: su hào, bắp cải, dưa chuột, súp lơ, đỗ (đậu)… Trước đây, thị trường rau khá bất ổn, nhưng khoảng hơn một năm trở lại đây, nhu cầu rau sạch tăng, các thương lái tìm về, thị trường đã ổn định hơn nhiều.

“Giá cả thì vẫn luôn phụ thuộc theo nhu cầu thị trường, trồng RAT vất vả, phức tạp hơn nhưng giá rau thưởng ổn định và cao hơn từ 500-2.000 đồng (tùy loại). Nhờ giá trị rau tăng lên, năm 2015, nhà tôi thu về hơn 150 triệu đồng (hơn 50 triệu so với năm 2014). Trong vụ Tết và sau Tết vừa qua, dù thời tiết khiến sản lượng giảm đáng kể, nhưng giá rau tăng cao, nhà tôi vẫn được vụ thắng lớn”, ông Thuần hào hứng cho biết.

Không có diện tích canh tác lớn, gia đình ông Mai Thanh Hà - chủ hộ trồng RAT tại vùng rau Lĩnh Nam (Thanh Trì) với gần 5 sào đất (1.500m2) áp dụng mô hình trồng rau sạch VietGAP, đăng ký nhãn hiệu “sản phẩm RAT Hà Nội” (có mã số, tem nhãn rõ ràng), đã thu về hơn 70 triệu đồng trong năm 2015.

“Nhà tôi trồng rau sạch được hơn ba năm rồi, hiệu quả cao hơn trồng rau thường rất nhiều. Trước đây, thu nhập mỗi sào rau rất thấp, chỉ từ 5 - 7 triệu đồng/năm, rất bấp bênh với thị trường, thời tiết. Nhưng với mô hình rau sạch, thị trường ổn định hơn khi thương lái, siêu thị đặt trước, chất lượng cũng bảo đảm và ít phụ thuộc hơn vào thời tiết. Thu nhập cao thấp cũng tùy từng vụ, nhưng bình quân luôn đạt từ 15 -17 triệu đồng/sào/năm”, ông Hà, chia sẻ.

Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp Lĩnh Nam - ông Hoàng Mạnh Tùng, cho biết: “Nhờ đảm bảo quy trình và kỹ thuật canh tác, hiệu quả sản xuất rau sạch tại Lĩnh Nam cao hơn rau thường từ 20 - 30%, giá trị sản xuất gia tăng đạt từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm (có thể đạt một tỷ đồng/ha/năm nếu trồng rau trái vụ). Mô hình trồng RAT cũng giúp tăng từ 2 - 3 vụ/năm. Đời sống của người trồng rau đang ngày càng được nâng cao và ổn định hơn khi thị trường ngày càng rộng mở”.

Kinh doanh rau sạch: “Bí kíp” làm giàu bền vững của nông dân

Trồng và kinh doanh rau sạch là hướng đi đúng đắn nhất của người dân trồng rau

Hướng đi đúng đắn

Ông Ngô Đại Ngọc - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nhận định chất lượng tiêu dùng của người Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng, vì vậy, nhu cầu rau sạch nói riêng và thực phẩm sạch nói chung sẽ ngày càng cao. “Trồng và kinh doanh RAT là xu hướng phát triển tất yếu. Người trồng rau và các DN kinh doanh cần nắm bắt được xu hướng này để có những chiến lượng phát triển đúng đắn nhất”, ông Ngọc nói.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh toàn diện mô hình này, sẽ cần hoàn thiện và khắc phục nhiều vấn đề nan giải đang tồn tại. Đầu tiên là giải “bài toán” cung - cầu và củng cố niềm tin của NTD. Để làm được điều này, cần chuẩn hóa các tiêu chuẩn rau sạch, đẩy mạnh phát triển thương hiệu của từng vùng trồng rau.

“Phát triển sản xuất RAT không khó, nhưng để đảm bảo thị trường cho rau sạch lại là vấn đề nan giải. Một nghịch lý đang xảy ra, là trong khi NTD đang “khát” rau sạch, thì nhiều vựa rau sạch phải bán rẻ vì “bí” thị trường. Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tại HTX Lĩnh Nam, vấn đề thị trường đầu ra cho rau được HTX chịu trách nhiệm, tìm kiếm các hợp đồng, đảm bảo quyền lợi cho người trồng rau. Nếu các vùng rau sạch làm tốt vấn đề này thì nghịch lý cung - cầu sẽ được giải quyết”, ông Hoàng Mạnh Tùng - Chủ nhiệm HTX Lĩnh Nam, cho hay.

Vấn đề thứ hai là gây dựng và củng cố niềm tin của NTD. Trước tiên, bản thân người trồng rau cần tuân thủ đúng quy trình và kỹ thuật trồng rau sạch, cam kết trịu trách nhiệm về chất lượng mỗi sản phẩm làm ra. Sau đó, các sản phẩm RAT phải được xác nhận chất lượng an toàn bằng mã số, tem nhãn rõ ràng, giúp NTD dễ dàng truy xuất nguồn gốc.

Phát triển mô hình trồng RAT là hướng phát triển bền vững, vừa đảm bảo quyền lợi, sự an toàn cho NTD, vừa đảm bảo lợi nhuận cho người trồng rau. Trong bối cảnh thực phẩm ngoại ngày càng nhiều, thành bại trong “cuộc chiến” cạnh tranh thị trường giữa rau ngoại và rau Việt sẽ tùy thuộc vào cách làm của người nông dân.

Theo Hiến Nguyễn (TBKD)