Kinh nghiệm làm nước mắm homemade thơm ngon, sạch 100% của mẹ Việt

Chị Hà Anh hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài nên nhiều nguyên vật liệu không được đầy đủ như ở quê nhà nhưng chị đã rất cố gắng khắc phục và đã có được mẻ mắm thành công mĩ mãn.

Những ngày gần đây, thông tin về tình trạng nước mắm công nghiệp có chứa tới 17 hóa chất ngoài nước, muối, đường và tinh cốt cá cơm đang gây hoang mang cho các bà nội trợ.

Theo các chuyên gia, nếu cứ nạp liên tục mỗi ngày, mỗi bữa lượng hóa chất vào người thế này, cho dù là hóa chất được phép dùng trong thực phẩm thì sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, những hóa chất này sẽ tích tụ dần sẽ gây nên chứng chóng mặt, đau đầu, suy giảm trí nhớ.

Để đảm bảo sức khỏe của cả gia đình, các bà nội trợ không những phải đau đầu trong việc lựa chọn thực phẩm cho bữa cơm gia đình mà việc nên chọn loại nước mắm nào cũng đang là mối quan tâm hàng đầu. Vậy thì tại sao các mẹ không thử tự làm nước mắm tại nhà?

Công thức làm nước mắm homemade có thể tìm kiếm rất dễ dàng trên internet nhưng không phải ai cũng có thể làm thành công vì trong khâu thực hiện sẽ có nhiều điểm cần lưu ý.

Trên các diễn đàn nấu ăn, các mẹ đang truyền nhau những công thức, bí quyết để làm thành công một mẻ mắm vừa ngon vừa chất cho gia đình, trong đó công thức của mẹ Hà Anh đang được các mẹ rất quan tâm.

Chị Hà Anh hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài nên nhiều nguyên vật liệu không được đầy đủ như ở quê nhà nhưng chị đã rất cố gắng khắc phục và đã có được mẻ mắm thành công mĩ mãn.

Kinh nghiệm làm nước mắm homemade thơm ngon, sạch 100% của mẹ Việt
Thành phẩm nước mắm homemade thơm ngon của chị Hà Anh.

Cách làm nước mắm homemade theo kinh nghiệm của chị Hà Anh:

Bước 1: Chuẩn bị cá

Vì sinh sống ở nước ngoài nên chị Hà Anh đã dùng cá thu thay cho cá cơm để ủ mắm. “Ở Việt Nam nếu không mua được cá cơm thì làm mắm bằng cá trích, cá mòi cũng rất ngon”, chị bổ sung.

- Cá không mổ ruột, rửa sạch, để ráo nước.

- Chú ý: Nếu muốn làm ra được nhiều mắm nên chú ý rửa cá thật nhanh, tránh không để mất tiết cá.

Bước 2: Muối cá (Công thức cho khoảng 300kg cá)

- Chị Hà Anh muối cá theo tỉ lệ 3:1, nghĩa là cứ 3kg cá thì dùng 1kg muối. Ngoài muối, chị Hà Anh còn đặc biệt trộn thêm hỗn hợp dứa + tỏi + thính khi ủ cá để mắm có mùi vị thơm ngon hơn.

Theo kinh nghiệm của chị Hà Anh, dứa sẽ giúp cá nhanh chín, tỏi để khử mùi tanh và thính tạo mùi thơm đặc trưng cho mắm.

- Cách làm hỗn hợp: Đối với khoảng 300kg cá, chị Hà Anh sử dụng 6 quả dứa to, 2kg tỏi và 1kg thính. Thính nên rang bằng gạo nếp và rang cho đến khi có màu hơi vàng đậm thì sẽ giúp mắm thơm hơn. Dứa và tỏi xay nhuyễn rồi trộn với thính đã xay mịn là hoàn thành hỗn hợp.

- Đổ 1kg muối xuống đáy thùng rồi đổ 3kg cá lên trên, cứ một lớp muối, một lớp cá như vậy đến khi hết cá. Hỗn hợp có thể trộn chung với muối và cá luôn hoặc phủ kín lên cá sau khi trộn muối.

Kinh nghiệm làm nước mắm homemade thơm ngon, sạch 100% của mẹ Việt
Hỗn hợp có thể trộn chung với cá và muối hoặc phủ đều lên trên khi đã trộn xong.

- Sau khi ủ cá xong thì không đậy nắp chum vại mà dùng nilon bọc thật kín miệng chum rồi phơi nắng. Phơi được 1 tháng thì mở ra đảo cá cho ngấm, sau đó mỗi tháng mở chum ra đảo cá một lượt cho nhanh ngấu.

Chú ý: Nên bọc thật kín chum và đảo cá vào buổi tối để tránh ruồi bọ.

- Ủ như vậy đến khi nào thấy cá đã nhuyễn ra thì lúc đó đã thành mắm chượp thì ta bắt đầu lọc mắm.

- Thời gian ủ: Tùy thuộc vào môi trường và khí hậu. “Mình sống ở vùng khí hậu nóng nên mắm mình ủ khoảng 9 tháng là đã có thể ăn rồi, nhưng ở Việt Nam ít nắng nên các mẹ nên ủ lâu hơn”, chị Hà Anh chia sẻ.

Bước 3: Lọc mắm

- Các mẹ cần chuẩn bị một tấm vải bố dày, nhiều chậu và rổ to.

- Lót miếng vải bố vào rổ rồi đặt lên trên một chiếc chậu và múc mắm ra lọc.

- Giai đoạn này sẽ hơi mất thời gian, các mẹ nên để mắm ở phòng riêng vì mùi mắm sẽ hơi khó chịu.

- Lưu ý: Trong quá trình lọc nên úp một chiếc chậu to lên để tránh bụi và ruồi muỗi.

Kinh nghiệm làm nước mắm homemade thơm ngon, sạch 100% của mẹ Việt
Vì sinh sống ở nước ngoài nên chị Hà Anh không có điều kiện ủ mắm vào chum, vại nên phải dùng thùng nhựa thay thế.

Bước 4: Bảo quản mắm

- Sau khi mắm đã lọc xong, để đảm bảo an toàn và bảo quản mắm được lâu, các mẹ nên đun mắm cho sôi lên, để nguội rồi mới chắt vào chai hoặc can.

- Trong khi đun, khi thấy mắm bắt đầu sủi thì các mẹ nên hạ nhỏ lửa rồi hớt hết bọt và dầu cá nổi bên trên.

- Mắm sau khi đóng chai nên phơi khoảng 2, 3 nắng cho mắm lên màu cánh gián chuẩn, đẹp mắt.

Sau khi đã lọc mắm, bã mắm vẫn có thể dùng để ủ tiếp một mẻ mắm nữa. Mắm ủ lần 2 sẽ không được thơm ngon như mắm lần 1 nên các mẹ có thể dùng mắm ủ lần 2 để nấu ăn.

Cách ủ mắm lần 2:

Bước 1: Hòa muối vào nước, tùy chỉnh độ mặn nhạt theo khẩu vị.

Bước 2: Đun sôi nước muối rồi để nguội, đổ nước muối vào bã mắm và tiếp tục ủ ít nhất 6 tháng.

Bước 3: Lọc và bảo quản mắm như khi ủ mắm lần 1.

Chúc các mẹ thành công!

Theo Khánh Linh/phunuonline