Kỹ nghệ buôn đồ cổ "hốt bạc" trong dịp Tết ở Sài Gòn

Những mặt hàng bằng đồng cổ hoặc giả cổ đang là một mặt hàng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân ở TP.HCM.

Những ngày gần đây, các khu “chợ trời” bán đồ cổ đã rầm rộ mọc lên ở các tuyến đường TP.HCM. Đây là thời điểm những mặt hàng đồ cổ, đồ đồng trở nên khá thịnh hành bởi nhiều người có sở thích chọn một số món đồ “độc” về trưng bày trong dịp Tết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các mặt hàng bày bán ở các khu “chợ trời” đồ cổ này khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là các loại đồ thờ, tượng phật hoặc tứ linh bằng đồng, đỉnh đồng, vật dụng hàng ngày có tuổi đời cao như ấm trà, đèn cổ, lư hương, tranh, đồng hồ... Một số vật phẩm bằng đồng mà theo lời người bán thì đã có vài chục đến hàng trăm năm.

Kỹ nghệ buôn đồ cổ “hốt bạc” trong dịp Tết ở Sài Gòn
Rất nhiều tượng phật ấm trà đủ kích cỡ được bày bán tại một "chợ trời" đồ cổ trên đường 3 tháng 2.

Hầu hết các chủ hàng ở đây đều giới thiệu rõ với khách đâu là đổ cổ, đồ giả cổ, nhưng nhìn chung đều “sản xuất từ vài chục năm trước”. Các món hàng này được chế tác tinh xảo, chỉ những người trong nghề mới phân biệt được đâu thật, đâu giả.

Chị Châu Nhi, một người bán đồ cổ trên đường 3 tháng 2, chia sẻ : “Các mặt hàng được bày bán hầu hết đều là đồ giả cổ, thỉnh thoảng chị mới săn được một món đồ cổ thật về để bán. Tuy không phải là đồ cổ thật nhưng chúng đều có tuổi từ 20 năm trở lên nên nhìn khá giống đồ cổ thật. Giá của các món đồ này cũng khá mềm nên được nhiều người thích thú lựa chọn”.

Kỹ nghệ buôn đồ cổ “hốt bạc” trong dịp Tết ở Sài Gòn
Một người khách đi đường ghé lại săn lùng những món đồ “độc lạ” để về trưng bày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các món đồ giả cổ ở đây được bán với giá dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Những món đồ cổ thật như lư hương, tượng phật thì bán với giá hàng chục triệu đồng.

Được biết, nguồn hàng đồ cổ giả chủ yếu nhập từ các tỉnh phía Bắc hoặc Trung Quốc về để bán lại. Còn đồ cổ thật thì chủ yếu là những người thu mua đồ cổ dạo mua được ở khắp nơi rồi bán lại. Những món đồ cổ chủ yếu là lư hương cổ, bàn ủi cổ, chung rượu cổ... thường có giá trị rất cao. Để tiện lợi cho việc thu mua lại nguồn hàng này, các chủ bán đồ cổ đều có một địa điểm thu mua cố định tại nhà để tiện lợi cho việc thu mua rồi bán lại.

Kỹ nghệ buôn đồ cổ “hốt bạc” trong dịp Tết ở Sài Gòn

Một người khách đang phân vân vì không biết đồng tiền cổ này là giả hay thật.

Theo chia sẻ của anh Huỳnh Thanh Kiên (43 tuổi, một người chuyên bán đồ cổ trên đường 3 tháng 2, quận 10) cho hay, những ngày giáp Tết này mỗi ngày anh bán được từ 100 – 200 món đồ cổ hoặc đồ đồng giả giống như đồ cổ. Với mức bán như vậy, mỗi ngày anh thu lời về khoảng từ 5 – 7 triệu đồng.

“Ở chỗ tôi bán, hầu hết tôi đều chỉ rõ cho người mua món hàng nào là đồ cổ thật, món hàng nào là làm bằng đồng giả chủ yếu đề trưng bày trong nhà. Tuy nhiên, một số nơi họ còn trộn lẫn các mặt hàng với nhau để người mua dễ mua lầm. Với cách làm như vậy, họ thu lợi nhuận khá lớn”, anh Kiên tiết lộ.

Kỹ nghệ buôn đồ cổ “hốt bạc” trong dịp Tết ở Sài Gòn
Đôi vợ chồng này cảm thấy thích thú vì đã lựa chọn được một con Ngọc Kỳ Lân bằng đồng với giá 600 ngàn đồng.

Anh Lê Thanh Tiến, một người dân chuyên đi săn đồ ở chợ trời, cho biết: “Hằng ngày tôi hay “lượn” một vòng ở các địa điểm bán đồ cổ ngoài trời để săn lùng những món “độc” về trưng bày. Nhìn chung, các mặt hàng ở đây không khác xa đồ cổ là mấy chỉ có người trong nghề mới có thể phân biệt được đâu là đồ giả đâu là đồ thật”.

Kỹ nghệ buôn đồ cổ “hốt bạc” trong dịp Tết ở Sài Gòn
Tiền giấy mệnh giá 10 ngàn, 20 ngàn cũng trở thành đồ cổ được bày bán

Trước tình trạng đồ cổ thật, giả được bày bán lẫn lộn ở các chợ đồ cổ mọc lên ven đường như hiện nay, các chuyên gia cũng khuyến cáo người mua nên cẩn thận khi lựa chọn những món đồ được bày bán để tránh những trường hợp bị lừa gạt.

Theo Vũ Oanh(PNO)