Làng không lấy nổi vợ ở Trung Quốc

Ở một đất nước mà nam giới được kỳ vọng lập gia đình ở tuổi 20 như Trung Quốc, những người độc thân, lớn tuổi như ông Xiong Jigen ,43 tuổi, được gọi là “nhánh cây trơ trụi".

Ông Xiong Jigen sống ở làng quê hẻo lánh Laoya, thuộc tỉnh An Huy nằm ở phía Đông Trung Quốc. Ngôi làng vốn chết tên "làng độc thân". Đường sá đến đây vốn rất khó đi, khiến cơ hội lấy vợ của đàn ông làng Laoya càng mong manh hơn.

“Ngôi làng bị cô lập và xe cộ đến đây rất khó khăn” - ông Xiong Jigen ngán ngẩm. Cuộc khảo sát được tiến hành vào năm 2014 cho thấy làng Laoya có 112 người đàn ông trong độ tuổi 30-55 "ế" vợ. Con số này cao bất thường nếu so với tổng dân số 1.600 người của ngôi làng.

Ông Xiong khẳng định ông biết hơn 100 người đàn ông địa phương còn độc thân: “Tôi không thể tìm được vợ, phụ nữ trong làng đều đến nơi khác làm việc. Vậy làm sao tôi có thể kiếm được ai để cưới. Xe cộ đến đây rất khó khăn, chúng tôi thậm chí còn không thể băng qua sông khi trời mưa. Phụ nữ không muốn sinh sống ở đây” – ông Xiao than vãn.

Làng không lấy nổi vợ ở Trung Quốc

Xe cộ muốn đến làng Laoya rất khó khăn. Ảnh: BBC

Ngoài vị trí địa lý xa xôi, giao thông khó khăn thì tình trạng mất cân bằng giới tính - tỉ lệ sinh 115 bé trai/100 bé gái ở Trung Quốc - cũng khiến những người như ông Xiong "ế" nặng. Ở làng Laoya, các bậc bố mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mai mối cho con cái. Những người mai mối cũng rất phổ biến tại các ngôi làng hẻo lánh.

Ông Xiong cho biết cũng từng nhờ mai mối nhưng "ế" vẫn hoàn "ế". “Cũng có một số người phụ nữ đến đây thông qua mai mối nhưng tất cả đều bỏ đi vì giao thông quá tệ. Trước đây tôi cũng từng yêu nhưng đã chia tay. Cô ta không thích làng của tôi, đặc biệt là đường sá” – ông Xiong chia sẻ.

Ở Trung Quốc, tình cảnh phụ nữ rời bỏ làng quê nghèo lên thành phố ngày càng phổ biến. Ở những thành phố hoa lệ như Thượng Hải, họ có thu nhập tốt hơn và đôi khi tìm được một người chồng ưng ý hơn. Một số người cũng quay lại làng nhưng tất cả đều đã có chồng.

Làng không lấy nổi vợ ở Trung Quốc

Căn nhà mới xây của ông Xiong vẫn không thể thuyết phục được các cô gái làm vợ ông. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, cũng có một số người ở lại. Hàng xóm của ông Xiong, bà Wang Caifeng, một nông dân 39 tuổi, vẫn ở lại làng cùng chồng con. “Không nơi đâu bằng quê nhà. Tôi quyết định ở lại” – bà Wang khẳng định.

Bản thân bà cũng mong rằng sau này con của bà sẽ tiếp tục gắn bó với làng. Tuy nhiên, cô con gái 14 tuổi Fujing của bà lại có quan điểm khác. Em muốn làm bác sĩ giống bố và theo em, cách tốt nhất để thực hiện ước mơ của mình là “bước ra thế giới bên ngoài”

Đàn ông trong làng cũng bỏ đi nhưng thường là vì công việc. Một số người ở lại để chăm sóc bố mẹ tuổi đã già, thể hiện lòng hiếu thảo. Ông Xiong đã quyết định ở lại làng để chăm sóc cậu. “Cậu sẽ không kiếm được thức ăn nếu tôi đi. Cậu không thể đến ở trại dưỡng lão” – ông Xiong giải thích.

Làng không lấy nổi vợ ở Trung Quốc

Phụ nữ thường rời làng, đến thành phố lớn sinh sống. Ảnh: BBC

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó từng khẳng định không có gì quan trọng hơn việc các thành viên cùng nhau xây dựng một gia đình kiểu truyền thống. Thượng Hải hồi đầu năm ban hành điều luật mới, trong đó xử phạt những ai không về thăm bố mẹ.

Đây không chỉ là bức tranh về làng độc thân Laoya mà còn về những vùng quê nghèo ở Trung Quốc: mong muốn thoát nghèo nhưng vẫn bị ràng buộc bởi đất đai, sự mất cân bằng giới tính và nghĩa vụ với người thân.

Theo Nguoilaodong/BBC