Lao động Việt khó cạnh tranh trong AEC vì yếu ngoại ngữ, công nghệ

So với các nước khác trong AEC như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore thì trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn rất hạn chế.

lao-dong-viet-kho-canh-tranh-trong-aec-vi-yeu-ngoai-ngu-cong-nghe

Lao động Việt Nam cần phải nỗ lực để cạnh tranh với khu vực

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho hay, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo, khi tham gia vào AEC thì số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng 14,5%. Điều này có nghĩa, Việt Nam đang có hơn 53 triệu lao động và sẽ có thêm 14,5 triệu lao động khác tìm được việc làm vào năm 2025.

Theo thỏa thuận AEC, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tư do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sỹ, bác sỹ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch. Ngoài ra, còn có nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề).

Tuy nhiên, thỏa thuận trên có tác động hai mặt đến Việt Nam. Tại hội thảo Thị trường lao động Việt Nam sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ngày 13.1 ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng phân tích rõ những cơ hội cũng như thách thức mà lao động Việt Nam phải đối mặt trong thời gian sắp tới.

Bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, cơ hội mà người Việt Nam nhận được từ thỏa thuận trên là việc học tập, làm việc trong các môi trường chuyên nghiệp, tiên tiến của các nước trong AEC.

“Cơ hội này cũng thúc đẩy nguồn nhân lực, đặc biệt với giới trẻ. Qua đó tạo dựng tinh thần tự học tập, nâng cao trình độ tay nghề, và đặc biệt là ngoại ngữ - điều rất yếu của lao động Việt Nam khi vươn ra cạnh tranh với lao động quốc tế”, bà Đức nói.

Đó là về mặt tích cực, còn theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, mặt đáng lo ngại của Việt Nam chính là trình độ tay nghề của Việt Nam vẫn còn thấp.

“Tám ngành nghề được di chuyển chủ yếu cần trình độ kỹ thuật và tạo ra các vị trí việc làm tốt. Nếu lao động nước ngoài tràn ngập vào ở những vị trí trên, lao động Việt Nam có nguy cơ phải rời bỏ”, ông Diệp nói.

Bà Minh Đức cũng lo ngại rằng, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong ASEAN, 10 năm nữa lực lượng lao động sẽ không còn dồi dào như hiện nay. Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, khả năng sử dụng tiếng Anh của lao động Việt Nam chưa cao.

Theo kết quả khảo sát của người sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN thì các doanh nghiệp vẫn đang lo ngại tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề. 50% doanh nghiệp cho biết, người lao động phổ thông không có đủ những kỹ năng cần thiết cho doanh nghiệp.

Theo xếp hạng mới đây của ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm 4 nước ở hàng cuối vì quy mô vốn, trình độ khoa học kỹ thuật và lao động thấp. Bên cạnh đó, lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có kỹ năng kiến thức vẫn còn khoảng cách so với nhu cầu của người sử dụng lao động cần.

Ông Simon Matthews Giám đốc của Manpower Group Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cũng cho rằng, hiện nay, việc di chuyển lao động trong khu vực chủ yếu là những lao động không có kỹ năng nhưng khi thành lập cộng đồng chung AEC, việc di chuyển lao động có kỹ năng sẽ tăng.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo rằng, bản thân người lao động muốn hội nhập, di chuyển trong AEC cần chuẩn bị đủ các kỹ năng làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy vi tính thành thạo…

Đồng thời, khuyến cáo đối với nhà quản lý, khi thị trường lao động mở rộng hơn, nếu không có những chiến lược nhân sự bài bản, hợp lý, các doanh nghiệp sẽ khó giữ chân nguồn nhân lực cao dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”.

“Con số 14,5 triệu việc làm cho lao động Việt Nam vào năm 2025 chỉ có thể đạt được nếu có được sự quản lý hợp lý và  thực thi một cách hiệu quả. Việt Nam cần nhanh chóng triển khai là xây dựng chính sách và thể chế hỗ trợ sự phát triển toàn diện và công bằng” - vị chuyên gia này cho hay.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Lê Lương Minh - Tổng Thư ký ASEAN cho biết, hiện nay ASEAN đã thỏa thuận được 8 nhóm lao động ngành nghề có thể tự do di chuyển và cũng lập ra được cơ chế đăng ký để người lao động cảm thấy đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu thì đăng ký. Đã có 2.000 lao động lành nghề đăng ký tham gia vào cơ chế này.

Ngoài chuyên môn, một vấn đề cần quan tâm là trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam. Ngôn ngữ sử dụng phổ biến trong ASEAN là tiếng Anh. So với các nước khác trong AEC như Philippies, Thái Lan, Malaysia, Singapore thì trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn rất hạn chế.

Theo Hoàng Long (MTG)