Mất hơn 5100 tỷ đồng vì cấm phát sóng 'Bố ơi, mình đi đâu thế'

Nếu không dính lệnh cấm, mùa 4 (đã bị hủy) của  'Bố ơi, mình đi đâu thế' có thể thu về 1,5 tỷ NDT (hơn 5.158 tỷ đồng) thông qua việc quảng cáo.

Hiện nay, Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT) đã ra lệnh cấm con em người nổi tiếng tham gia vào các chương trình truyền hình. Chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” cũng đã bị cấm phát sóng.

Nhiều con em người nổi tiếng sẽ theo bước bố mẹ và trở thành nhân vật của công chúng khi trưởng thành. Tuy nhiên, vài bậc cha mẹ là người nổi tiếng đã cho con họ bước vào cuộc sống showbiz khi chúng còn quá nhỏ.

Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT) đã ra lệnh cấm các chương trình truyền hình (kể cả việc phỏng vấn hoặc đăng tin tức) có con em người nổi tiếng tham gia để bảo vệ trẻ em khỏi việc tiếp xúc quá sớm với sự nổi tiếng.

Báo The South China Morning Post đã đưa tin, theo dự luật mới, có hai nhà sản xuất phải hủy bỏ mùa tiếp theo của các chương trình liên quan. Đó là hai chương trình truyền hình thực tế của đài Hồ Nam – “Bố ơi! Mình đi đâu thế?”và “Mẹ tôi là siêu nhân”.

Mất hơn 5100 tỷ đồng vì cấm phát sóng 'Bố ơi, mình đi đâu thế'

Chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” bản Trung.

Chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” được lên sóng vào năm 2013, dựa theo một chương trình truyền hình cùng tên của Hàn Quốc. Chương trình xoay quanh các ông bố nổi tiếng cùng với con của họ du lịch tới các vùng miền ở Trung Quốc.

Chương trình này đã thu về lợi nhuận khổng lồ từ việc quảng cáo và tài trợ. Tập đoàn Yili đã tài trợ 77 triệu USD (hơn 1.712 tỷ đồng) cho mùa tiếp theo nhưng vì lệnh kiểm duyệt, chương trình này sẽ không được phát sóng. Tập đoàn này cũng từng tài trợ 47 triệu đô-la (hơn 1.045 tỷ đồng) cho mùa 3.

Đây cũng sẽ là tổn thất lớn về tài chính cho đài Hồ Nam TV khi mùa thứ ba đã thu được 500 triệu NDT (hơn 1.700 tỷ đồng) tiền tài trợ so với chỉ 38 triệu NDT (hơn 130 tỷ đồng) sau mùa 1.

Nếu không vì điều luật này của SAPPRFT, mùa 4 (đã bị hủy) có thể thu về 1.5 tỷ NDT (hơn 5.158 tỷ đồng) thông qua việc quảng cáo. Theo bình luận của trang News Agency, các chương trình truyền hình thực tế giống như “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” đã đạt tổng doanh thu 10 tỷ NDT (hơn 34.388 tỷ đồng) trong năm 2015, với một lượng lớn tiền thù lao dành cho những ông bố nổi tiếng và con của họ. 

Trang này cũng nói thêm, các chương trình này không tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ.

Một chương trình nữa cũng đã bị ngừng phát sóng là “Dad come back”.

Mất hơn 5100 tỷ đồng vì cấm phát sóng 'Bố ơi, mình đi đâu thế'

Chương trình “Dad come back”.

Cục SAPPRFT cũng thông báo, trong năm 2015, có hơn 100 chương trình truyền hình giải trí ở Trung Quốc có trẻ em tham gia (thông tin từ trang Xinhua).

Chương trình truyền hình thứ hai bị cấm được coi là phiên bản nữ của “Bố ơi! Mình đi đâu thế?” và ban đầu được ấn định lên sóng vào tháng 3. Nhưng theo trang Huxiu, họ vẫn sẽ phát sóng trực tuyến mùa đầu tiên của “Mẹ tôi là siêu nhân” vì chương trình này đã hoàn tất việc sản xuất.

Các nhà biên kịch Trung Quốc bắt đầu bối rối trước những thỏa thuận quảng cáo trong chương trình. Nhiều ngôi sao nhỏ của các chương trình này đã nhận hợp đồng quảng cáo về sữa và các chương trình giáo dục. Khi Trung Quốc ra luật mới về quảng cáo vào tháng 11 tới, trẻ em dưới 10 tuổi sẽ bị cấm tham gia kiểm chứng sản phẩm.

Tại Việt Nam, mới đây, đơn vị sản xuất chương trình cũng đã lên tiếng trả lời về việc "Bố ơi, mình đi đâu thế?" có thể bị cơ quan chức năng "sờ gáy" tại Việt Nam.

Theo Hồng Trang (Vietnamnet)