Một gia đình khác?

Đừng tìm kiếm, vay mượn những mảng màu xa lạ khác, dù đó là những mảng vật liệu sặc sỡ, tân kỳ. Có thể nó tốt đẹp đấy, nhưng khó có thể đắp vá vừa vặn và bền vững vào mái nhà của mình.

Ai cũng có lúc nghĩ đến việc mình phải xây dựng một gia đình riêng, khác với gia đình mà mình đang là thành viên trong đó. Tuy nhiên, không như xây dựng một ngôi nhà, thường là theo kế hoạch, theo ý muốn của mình, việc xây dựng một gia đình, trong ý niệm khởi đầu, thường phụ thuộc vào người mình thương yêu, với mong muốn mang lại hạnh phúc cho người ấy.

Cái “bản thiết kế ban đầu” của gia đình, so với thực tế sau một thời gian gia đình hình thành, có thể giống nhau, nhưng cũng có thể khác nhau một trời một vực. Chỉ có điều, thật khó phá đi làm lại, hay thay đổi thiết kế, công năng. Mà cũng chẳng phải xây một lần, một năm, hay mười năm mà hoàn tất được. Cũng bởi đó là cái phải xây cả đời, nên nhiều khi ý định ban đầu đã bị đổi thay, bị méo mó mà mình không hay biết, vẫn cặm cụi vừa thiết kế vừa thi công…

Phần lớn thư gửi Hạnh Dung đều là những lá thư từ những cơ thể gia đình đã bị tổn thương. Vết thương có thể là sự phản bội của chồng hay vợ, sự thất vọng về tính cách, cư xử; sự thất bại về kinh tế hay xã hội của một thành viên trong gia đình… Hàn gắn, chữa lành những vết thương này chẳng phải dễ dàng gì. Đáng nói là ít ai nhận ra mình cũng có phần lỗi trong những thương tích ấy.

Có lúc Hạnh Dung nghĩ, nếu được trò chuyện với các chị em, Hạnh Dung sẽ hỏi, ban đầu, chị hình dung về gia đình mình có như vậy không? Khi mới đến với nhau, chồng chị có lười biếng vậy không? Có dối trá vậy không? Có bất tài vô dụng vậy không?... Nếu có, nếu ban đầu bản thân người ta đã là thế rồi, thì có chi mà phải thất vọng. Nếu không, nếu ban đầu người ta tốt đẹp lắm, thì tại sao sau chừng ấy năm chung sống với mình, giờ người ta ra nông nỗi ấy, có lỗi của mình trong đó không? Chắc chắn là phải có.


Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tính chuyện thu xếp đời mình để xây lại một nếp gia đình khác là gian nan, khó khăn lắm, bất đắc dĩ mới phải làm. Nhưng, ngay cả khi chấp nhận sửa chữa, dặm vá, gia cố cho ngôi nhà gia đình mình, phần lớn những người trong cuộc cũng lại tự nghĩ tự làm; ít, hoặc gần như không cùng trao đổi với người còn lại.

Người ta đã dần không còn định kiến với những “gia đình” mà trong đó chỉ có bố hoặc mẹ đơn thân cùng với con, do ly hôn hay do bản thân họ quyết định chọn cuộc sống ấy. Cũng có những gia đình không có con cái, những gia đình mà bố mẹ đồng giới/chuyển giới… Tuy nhiên, tình yêu thương, trách nhiệm và sự tôn trọng, sự quan tâm, chia sẻ vẫn là những giá trị cốt lõi để hình thành nên một gia đình. Nếu ở đâu đó xảy ra lỗi, xảy ra tổn thương, với Hạnh Dung, cách ngắn nhất và hiệu quả nhất là hãy quay về sửa chữa từ những giá trị nền tảng ấy.

Đừng tìm kiếm, vay mượn những mảng màu xa lạ khác, dù đó là những mảng vật liệu sặc sỡ, tân kỳ. Có thể nó tốt đẹp đấy, nhưng khó có thể đắp vá vừa vặn và bền vững vào mái nhà của mình. Chuyện có rối như mớ bòng bong, thì cũng đừng để mình bị sa vào, mà hãy chịu khó tỉ mẩn gỡ cho ra những rối rắm ấy, hãy nhìn vào cốt lõi, xem mình và người bạn đời có còn thương yêu nhau không, có còn quan tâm chia sẻ buồn vui, có còn gắn bó với nhau, không thể thiếu vắng, chia lìa hay không. Nếu còn, thì vẫn còn là một gia đình, dù có lúc này lúc khác, thì chẳng qua chỉ là chuyện nhỏ mà thôi.

Con người vừa là một thực thể sinh học, vừa là một thực thể xã hội, trong đó sinh học là điều kiện cần, xã hội là điều kiện đủ. Bản chất cốt lõi đó của con người, dù được thể hiện ít nhiều khác biệt giữa các thế hệ, nhưng về cơ bản vẫn không thay đổi. Gia đình được xây dựng trên cơ sở bản chất đó, là quá trình kiến tạo một tổ ấm cả về mặt sinh học lẫn xã hội cho mỗi cá nhân.

Vậy nên, với mỗi gia đình, điều quan trọng không phải là phân loại “khác” hay “giống” các hình mẫu có trước, là “truyền thống” hay “hiện đại”, mà là nơi ấy có thực là tổ ấm của mình, có mang lại cho mình niềm vui, năng lượng sống, tình yêu thương và cảm giác được quan tâm, được chia sẻ, hy sinh và được hy sinh… Nếu không có được những điều ấy, thì dù có một gia đình khác, hay có cố gắng làm gia đình mình khác đi, cũng chỉ là một sự đổi thay đơn thuần cái vỏ bên ngoài mà thôi.

Hạnh Dung ([email protected])/Phunuonline