Mù mắt, bỏng miệng vì thứ bỏ đi nhà nào cũng có

Gói hút ẩm quen thuộc thường thấy trong các gói thực phẩm là thứ bỏ đi nhưng đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ gặp tai họa vì chúng. Nếu chẳng may con bạn bị tai nạn với gói hút ẩm, nên tham khảo những điều dưới đây.

Gói hút ẩm quen thuộc thường thấy trong các gói thực phẩm là thứ bỏ đi nhưng đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ gặp tai họa vì chúng. Nếu chẳng may con bạn bị tai nạn với gói hút ẩm, nên tham khảo những điều dưới đây.

Các gói chống ẩm nên vứt ngay đi để tránh cho trẻ nghịch. Ảnh: TL

Mù mắt, bỏng miệng vì gói chống ẩm

Những ngày gần đây, một số trang mạng chia sẻ hình ảnh của cậu bé bị hỏng đôi mắt do bất cẩn khi chơi với gói chống ẩm đã khiến nhiều người lo lắng. Theo đó, cậu bé 8 tuổi ở Trung Quốc sau khi ăn xong gói snack thì thấy có một túi nhỏ bên trong. Vì không biết đó là gói chống ẩm nên đã đưa vào mũi ngửi, sau đó cậu bé hòa nó vào chai nước bất ngờ chai nước phát nổ bắn mạnh ra xung quanh và vào mắt.

Mẹ của bé ngay lập tức đưa bé tới bệnh viện. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra bác sỹ cho biết mắt của bé đã bị xói mòn do chất lỏng kiềm, toàn bộ nhãn cầu bị tổn thương nghiêm trọng không cách nào cứu chữa. Mẹ của bé đã rất hối hận vì sơ suất của mình đã để lại hậu quả đáng tiếc cho con.

Trước đó, cũng đã có nhiều tai nạn đau lòng cướp đi đôi mắt của các trẻ nhỏ chỉ vì thứ này. Ngay tại các bệnh viện ở nước ta cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp. Như trường hợp một bé trai ở Bắc Giang bị tổn thương giác mạc phải phẫu thuật do chất hút ẩm bắn vào trong khi đùa nghịch.

Bản thân người viết đã từng chứng kiến một trường hợp cháu bé 1 tuổi ngậm gói hút ẩm trong miệng. May mà người lớn đã kịp lấy ra cho bé và cũng vì bé chưa có nhiều răng để nhai nên gói hút ẩm mới chỉ bị rách một lỗ nhỏ. Sau sự việc, miệng của bé bị đỏ nhẹ, dù vậy cũng khiến cả gia đình được một phen hốt hoảng.

Liên tiếp những sự việc đau lòng xảy ra từ gói hút ẩm như lời cảnh báo đến các bậc phụ huynh nên chú ý tới những thứ tưởng chừng như vô hại này. Theo BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương), thường thì mọi người vẫn nghĩ gói hút ẩm hay gói chống ẩm không độc hại nên sau khi mua đồ về không bỏ luôn gói hút ẩm đi, cho trẻ con chơi mà không biết chúng dễ gây bỏng đường hô hấp khi hít phải hoặc bỏng mắt khi bị bắn vào. Bệnh viện cũng đã từng tiếp nhận nhiều ca do tai nạn bởi gói hút ẩm. Có những trường hợp vào viện trong tình trạng nặng, bỏng giác mạc sâu rộng. Việc điều trị cho trẻ sau tai nạn không đơn giản. Thị lực mắt bị ảnh hưởng phải ghép màng ối để thúc đẩy quá trình liền sẹo, đỡ hoại tổ chức bên trong mắt và về sau phải tiến hành phẫu thuật ghép giác mạc tiếp.

PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Trường ĐHKHTN – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, gói hút ẩm thường có trong bao bì các loại thực phẩm, bánh, đồ sấy khô… tùy theo công ty sản xuất hoặc yêu cầu của khách hàng mà chúng có thể được làm từ những nguyên liệu chính khác nhau. Sử dụng phổ biến nhất hiện được làm là dạng hạt silicagel - cấu tạo từ silic được sản xuất từ Natri silicat và axit sulfuric được chứa trong gói nhỏ. Với dạng hạt Silica gel hầu như không gây hại, có thể chỉ làm khô nhất thời chỗ giác mạc đó nhưng không ăn sâu.

Bên cạnh loại chống ẩm dạng hạt, còn có loại gói chống ẩm dạng bột màu trắng mịn. Nếu là bột canxi clorua sẽ nguy hiểm vì thường có nhiều tạp chất, hút ẩm mạnh nhất. Chúng nguy hiểm hơn silica gel rất nhiều vì phản ứng với nước sẽ tạo thành kiềm mạnh, có khuynh hướng ăn mòn da.

Điều đáng quan tâm là, tính chất của các chất hút ẩm có đặc tính hút ẩm rất mạnh, nếu không may nuốt phải hoặc bắn vào mắt đều nguy hại. Chúng có thể gây bỏng giác mạc, mù mắt, gây tổn thương niêm mạc, thực quản… bởi vậy cần phải cẩn thận không nên cho trẻ nghịch.

Điều cần làm để hạn chế tác hại

Để làm giảm tác hại khi không may nuốt phải gói hút ẩm, PGS.TS Trần Hồng Côn cho rằng, quan trọng vẫn là bình tĩnh để xử lý. Đầu tiên nhanh chóng gây nôn để trẻ nôn ra. Cho trẻ súc miệng thật nhiều với nước sạch hoặc uống nhiều nước nhằm làm giảm nồng độ kiềm do phản ứng vôi bột gây ra.

Khi bị bắn hạt hút ẩm vào mắt với tính chất hút ẩm, hút nước mạnh dễ làm khô giác mạc. Phản xạ dụi mắt của nhiều người lại rất nguy hiểm vì điều này càng làm giác mạc tổn thương hơn, kéo theo hàng loạt các biến chứng khác có thể dẫn đến mù mắt. Lúc này cần bình tĩnh chớp mắt, nhỏ nước muối hoặc chớp mắt trong bát nước, cốc nước để hạt chống ẩm no nước và bong ra. Với loại túi chống ẩm bột mịn, cha mẹ cũng sơ cứu tương tự như vậy. Ngay sau đó cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để bác sỹ chuyên môn cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả khiến mắt trẻ khó hồi phục.

Theo các chuyên gia, để tránh những tai nạn không đáng có, các bậc phụ huynh cần để ý đến trẻ, vứt ngay gói hút ẩm sau khi bóc thực phẩm hoặc đặt những sản phẩm có gói hút ẩm ở vị trí cao, kín đáo để xa tầm tay trẻ. Bởi thường trẻ bị bỏng do bột chống ẩm đều chưa biết đọc chữ, không thể thấy khuyến cáo “không được ăn” được in rất nhỏ trên vỏ gói chống ẩm.

Với những trẻ lớn hơn, cha mẹ nên nói cho con về hình thức và tác hại của gói chống ẩm để tránh nghịch, nuốt hay xé gói chống ẩm có trong các gói bánh kẹo hoặc thực phẩm.

Theo GiaDinh