Mỹ phẩm cấm: Vắng bóng 'chợ' truyền thống, nhộn nhịp 'chợ' online

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm nghi ngờ có chứa chất gây ưng thư đã bị cấm lưu hành song vẫn được công khai rao bán trên mạng.

Hơn 2 ngàn sản phẩm mỹ phẩm không được phép lưu hành sau 31/7 tại Việt Nam vì có chứa dẫn chất của paraben. Có ý kiến nghi ngờ và cho rằng, một số dẫn chất của paraben có thể gây ung thư vú. Tuy nhiên, một số sản phẩm trong danh sách thu hồi vẫn có mặt trên thị trường. Phóng viên báo đã khảo sát thị trường sau khi có quy định cấm này và không khỏi giật mình...

Hỗn loạn thị trường

Cục Quản lý Dược- bộ Y tế vừa có công văn số 421/QĐ-QLD quyết định thu hồi 2.091 số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục cấp cho 231 tổ chức, cá nhân đứng tên công bố do trong thành phần các sản phẩm mỹ phẩm này có chứa 5 dẫn chất: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben.

Bên cạnh đó, cục Quản lý Dược cũng gửi công văn số 13884/QLD-MP đến sở Y tế các địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi tất cả các sản phẩm mỹ phẩm trong nước và ngoài nước mà trong thành phần có chứa 5 dẫn chất trên từ ngày 31/7.

Mỹ phẩm cấm: Vắng bóng 'chợ' truyền thống, nhộn nhịp 'chợ' online

Nhiều sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi vì có chứa chất cấm paraben có nguy cơ gây ung thư vú. Ảnh minh họa.

PV báo đã có cuộc khảo sát nhanh thị trường mỹ phẩm trong ngày bắt đầu thực hiện quyết định của cục Quản lý dược. Trên nhiều kệ hàng, các sản phẩm mỹ phẩm đã bắt đầu có dòng chữ “paraben – free” (không chất paraben). Chứng tỏ sự “thức thời” của các nhà sản xuất, tuy nhiên đa số những nhân viên bán hàng thì không hề hay biết đến quy định thu hồi sản phẩm chứa chất cấm. Các sản phẩm nằm trong danh sách phải thu hồi không hề được các cửa hàng đưa ra khuyến cáo, giải thích với người mua.

Tại một hệ thống bán các sản phẩm cho trẻ nhỏ có địa chỉ tại khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nôi), chúng tôi hỏi hai sản phẩm Sanosan baby shampoo (dầu gội dành cho trẻ em) và kem chống rạn da sanosan mama mom tobe cream, nhân viên cửa hàng sau khoảng 5 phút tìm kiếm thì cho biết hiện tại cửa hàng đã hết hai sản phẩm trên.

“Thông thường các dòng sữa tắm cho trẻ sẽ kèm theo gội đầu luôn nên sản phẩm trên ít người mua. Mỗi lần lấy hàng, cửa hàng chỉ có khoảng 5 sản phẩm một lần. Sản phẩm này bên em vừa bán hết hôm qua”, nhân viên bán hàng lý giải. Chúng tôi phân trần việc chọn sản phẩm vì em bé đã dùng quen rồi.

“Chị lấy thử sản phẩm cả tắm và gội đầu cho em bé của hãng này dùng thử. Còn kem rạn da cửa hàng hiện không còn. Em sẽ gọi về kho và thông báo lại cho chị. Em nghĩ chắc sẽ còn đấy chị ạ”, cô nhân viên tư vấn tiếp.

Trong cuộc nói chuyện, nhân viên cửa hàng tuyệt nhiên không nhắc đến việc sản phẩm đã không còn được phép lưu hành trên thị trường.

Trái ngược với thị trường truyền thống, trên các trang bán sản phẩm mỹ phẩm online, các sản phẩm nằm trong danh sách trên vẫn được giao dịch bình thường. Theo tìm hiểu của PV trên địa chỉ Tiki.vn, các sản phẩm nằm trong danh sách bị thu hồi từ ngày 31/7 vẫn được chào bán công khai cụ thể như sản phẩm Green Apple Spa Salt Shower Bath Yoko 250g (muối tắm Spa táo xanh YOKO 250g) có xuất xứ từ Thái Lan với giá bán 54.000 đồng vẫn được chào hàng.

Đặc biệt, trong khi các sản phẩm nước ngoài nhập về bị thu hồi thì các sản phẩm cùng tên là hàng xách tay dường như không hề bị ảnh hưởng gì. Chúng tôi liên lạc với số điện thoại hotline 094342xxxx của trang bán hàng cityplaza hỏi về sản phẩm Pure White. Nhân viên nữ cầm số hotline hỏi tôi muốn mua sản phẩm dạng nước uống hay dạng viên nén.

Sau khi tôi chia sẻ nhu cầu muốn mua loại nước uống, nhân viên cho biết giá sản phẩm là 460.000 đồng. Thật thà bày tỏ là hiện tại, tôi đang không ở Hà Nội nên liệu trong tuần tôi gọi đặt hàng không biết sản phẩm có còn không. “Chị yên tâm, bên em bán sản phẩm là hàng xách tay nên chị gọi đặt hàng lúc nào cũng có”, cô nhân viên khẳng định.

“Phòng tuyến” nào bảo vệ sức khỏe từ hàng xách tay?

Ông Lê Quang Dũng, Giám đốc Xuất khẩu hội Hoá mỹ phẩm TP.HCM cho biết: “Nhìn chung, các doanh nghiệp trong Hội thực hiện tốt quy định này. Về phía hội Hoá mỹ phẩm TP.HCM đã có thông tin đến các doanh nghiệp và tùy theo sản phẩm doanh nghiệp sản xuất cần nghiên cứu tìm các nguyên liệu thay thế cho phù hợp với quy định chung.

Về thực trạng trong khi các sản phẩm nhập khẩu, sản xuất trong nước có chứa 5 dẫn chất paraben bị cấm thì nhiều trang bán hàng online vẫn điềm nhiên nhận đơn đặt hàng. Ông Dũng chia sẻ, xu hướng kinh doanh online ngày càng phổ biến vì độ lan truyền nhanh rộng, chi phí thấp và phần nào cũng tiện lợi cho người tiêu dùng nhưng nếu Nhà nước không có các biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả thì việc kinh doanh hàng hoá kém chất lượng sẽ gây họa cho người tiêu dùng...

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra bộ Y tế cho biết: “Việc thu hồi này là theo quyết định của Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN, Việt Nam hội nhập và là thành viên thì phải thực hiện quy định chung. Cụ thể, quyết định này từ 1/7/2015 có hiệu lực nhưng hạn thu hồi của Việt Nam là 31/7/2015.

Tất cả các đơn vị có sản phẩm này đều phải chịu trách nhiệm dừng cung cấp sản phẩm ra thị trường. Nếu sau ngày 31/7, cơ sở nào còn bày bán thì sẽ xử lý cả đơn vị cung ứng và nơi bán sản phẩm này. Các đơn vị này sẽ bị xử lý hành chính là phạt tiền tuỳ theo hành vi vi phạm. Tiếp theo đó là buộc ngừng cung cấp ra thị trường để thu hồi”.

Ông Lê Quang Dũng, Giám đốc Xuất khẩu hội Hoá mỹ phẩm TP.HCM.

Mỹ phẩm cấm: Vắng bóng 'chợ' truyền thống, nhộn nhịp 'chợ' online

Ông Lê Quang Dũng, Giám đốc xuất khẩu hội Hóa mỹ phẩm TP.HCM cho biết: “Theo danh sách công bố thì có nhiều doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước và ngoài nước đang gặp một số khó khăn do chưa thể thay thế kịp nguyên liệu vì trong khoảng thời gian ngắn từ ngày ban hành đến ngày áp dụng, doanh nghiệp phải xoay xở thực hiện nhiều việc để có thể thực hiện tốt quy định mà những việc này đòi hỏi thời gian thực hiện khá lớn như: Tìm chất thay thế và thay đổi công thức mới, kiểm tra công thức mới có ổn định không mới tiến hành sản xuất hàng loạt. Song song với việc thay đổi công thức và công bố, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa kịp thống kê số lượng thực tế sản phẩm trên thị trường, số lượng bao bì đã in theo quy định cũ và nguyên liệu cũ còn khá lớn dẫn tới

Chánh thanh tra Y tế bộ Y tế nói gì?

Về vấn đề các sản phẩm cùng tên được xách tay về bán online công khai thì sẽ được xử lý ra sao? Chánh Thanh tra bộ Y tế Đặng Văn Chính khẳng định, chắc chắn trong thời gian tới việc quản lý các mặt hàng hóa mỹ phẩm kinh doanh theo hình thức bán hàng trên mạng sẽ phải quản lý chặt hơn.

“Các mặt hàng dù là hàng xách tay nhưng có chứa 5 hoạt chất bị cấm thì cũng không được sử dụng. Chánh Thanh tra bộ Y tế cũng khẳng định: “Về mặt nguyên tắc, nếu các trang bán hàng online là hàng xách tay, các đơn vị này đã vi phạm pháp luật vì là hàng không phép”, ông Chính khẳng định.

Theo Đỗ Thơm (NĐT)