Nghĩ về sự nguy hại của rượu, bia

 Ở một khía cạnh nào đó, uống rượu cũng là một nét văn hóa, một phong cách giao tiếp, một nguồn vui. Tuy nhiên, uống rượu như thế nào để vừa bảo đảm sức khỏe, vừa vui trong ngày Tết thì chưa phải ai cũng làm được!

Theo số liệu thống kê, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia mỗi năm, đó là chưa tính đến rượu. Vì thế buôn bán, sản xuất bia rượu là một ngành kinh doanh lớn mạnh. Hầu hết các tỉnh, thành lớn đều có hãng bia riêng. Theo Sở Công Thương TP.HCM, dự báo các mặt hàng bia, nước giải khát tiêu thụ trên địa bàn TP dịp Tết Nguyên đán 2015 vào khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát/tháng Tết, tăng 30 – 50% so với tháng thường. Mặc dù nguyên liệu sản xuất tăng nhưng giá bán từ nhà máy vẫn ổn định.

Chỉ khoảng nửa đôla một ly, Việt Nam là một trong những quốc gia có giá bia rẻ nhất thế giới. Trong những năm gần đây, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn của Việt Nam tăng nhanh vào bậc nhất thế giới.

Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, đứng thứ ba châu Á và thứ nhất Đông Nam Á. Ảnh: AFP

Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, đứng thứ ba châu Á và thứ nhất Đông Nam Á. Ảnh: AFP

Công bằng mà nói, tết có chút men bia, rượu để thêm hưng phấn. Tết Nguyên đán là dịp gia đình, anh em, bạn bè đoàn tụ, nâng cốc chúc nhau sức khỏe và mừng xuân; nhưng uống phải có liều lượng. Có điều nhiều người nghĩ rằng uống thì phải cho tới bến mới đã. Đa số người Việt luôn có tâm lý giữ thể diện, vì sĩ diện mà phấn đấu. Chính vì tâm lý đó, rượu bia luôn được tiêu thụ với lượng rất cao ở Việt Nam.

Ở những vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, người ta vẫn coi uống rượu là một sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống. Thanh niên biết uống rượu rất sớm, phụ nữ cũng xem uống rượu là một nghi thức trong xã giao. Dần dần hình thành tâm lý người không chịu uống rượu là tự cô lập. Đàn ông không uống rượu xem là bản lĩnh kém… Họ uống rượu trong tất cả mọi hoàn cảnh: vui uống, buồn uống, thành công uống, thất bại cũng uống…

Ở thành thị, người ta chuộng bia hơn. Và hiện nay, để đáp ứng nhu cầu uống bia, rượu. Các hàng quán, nhà hàng từ sang trọng đến bình dân chiếm số lượng lớn. Chỉ cần bước ra cửa, có thể gặp quán nhậu. Vẫn chung một tâm lý: đàn ông không rượu bia là kém mạnh mẽ. Tâm lý đàn ông phải uống bia rượu ảnh hưởng đến cả những cô gái. Chính tâm lý ấy làm một số người phải cố gắng theo số đông, làm vừa ý tập thể…

Nạn uống bia của Việt Nam mới đây lên cả báo Pháp. "Uống rượu là phải say, nếu không say khác gì vứt tiền đi", dẫn lời một thanh niên ở Hà Nội tuyên bố khi được hỏi về tình trạng tiêu thụ bia rượu ngày càng tăng của Việt Nam.

Ai cũng biết bia, rượu ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Người uống bia, rượu luôn sử dụng với chiều hướng tăng lên do bị nghiện. Uống nhiều rượu bia dẫn đến ngộ độc, chưa kể là có thể tử vong vì nhiều loại rượu, bia hiện nay không rõ nguồn gốc, kể cả rượu trong những giỏ quà gói sẵn rất bắt mắt cũng có khi là hàng quá hạn sử dụng. 

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, mỗi năm, cả nước có hàng chục vụ ngộ độc rượu khiến nhiều người tử vong.

Ngoài ra, 60% các vụ bạo hành gia đình ở Việt Nam có liên quan đến bia rượu, theo một nghiên cứu của chính phủ. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ bia rượu quá mức còn dẫn tới sự gia tăng của các loại bệnh nguy hiểm như ung thư, xơ gan hay tiểu đường. Tuy nhiên, không ít “thượng đế” vẫn ngày ngày sử dụng những loại rượu không rõ nguồn gốc để rồi phải mang họa vào thân.

Câu chuyện rượu, bia ngày tết còn kéo theo một hệ lụy mà nhiều năm qua tốn không ít giấy mực của báo chí: tai nạn giao thông. Những thống kê từ nhiều năm qua cho thấy, bình quân mỗi ngày tết (tính từ 30 tháng Chạp đến mùng 5 tết), mỗi ngày có tới gần 50 người bỏ mạng vì tai nạn giao thông, trong đó đa phần do uống bia, rượu vẫn điều khiển phương tiện. Chỉ riêng thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, chỉ trong vòng 4 ngày nghỉ Tết dương lịch 2015 vừa qua, số người chết do tai nạn giao thông liên quan bia rượu tăng gấp 3 lần so với cùng kì năm ngoái.

Số ca tai nạn giao thông do bia rượu dịp Tết dương lịch 2015, cấp cứu tại BV Chợ Rẫy tăng gấp 3 lần so với cùng kì. Ảnh: Ngô Đồng

Số ca tai nạn giao thông do bia rượu dịp Tết dương lịch 2015, cấp cứu tại BV Chợ Rẫy tăng gấp 3 lần so với cùng kì. Ảnh: Ngô Đồng

Đón xuân Ất Mùi năm nay, để có cái Tết sum vầy bên gia đình, mọi người không chỉ nhận biết mức độ nguy hiểm của bia, rượu, những hệ luỵ do bia, rượu gây ra, mà đã đến lúc nên thay đổi tâm lý sĩ diện trên bàn nhậu của người Việt.

Từng người dân phải tự ý thức để bảo vệ sự an nguy cho mình và cho người thân ngay trong chính hành vi ăn tết, chơi tết của mình.Vì vậy, mỗi người nên tự biết "tửu lượng" của mình và uống rượu ở một chừng mực nhất định, không nên để say, làm mất tự chủ.

Bên cạnh đó, sau khi uống rượu, bia, người uống không nên tự điều khiển ô tô hoặc xe máy, tốt nhất là nhờ bạn bè, người thân đưa về hoặc đi taxi về nhà. Đừng để những điều bất hạnh, những vành khăn tang, những chuyện thiệt hại, mất mát ập đến với bất cứ gia đình nào trong dịp đoàn tụ đầu xuân.

Ngạn ngữ Nga có câu: Rượu có màu trắng, nhưng đem lại màu đỏ trên gương mặt người dùng, và có khả năng làm đen danh dự nếu quá chén.

Tết đồng nghĩa với hạnh phúc. Thế nhưng, để thật sự có hạnh phúc, tết phải an toàn, an vui, tiết kiệm.

Mẹo hay giúp giải rượu

Uống nhiều nước: Cách đơn giản nhất để giải bia, rượu là uống nhiều nước, vì nước sẽ giúp pha loãng nồng độ cồn trong máu.

Nước cam pha mật ong: Cả hai loại này đều có đường fructose, một loại đường có khả năng giúp cơ thể tiêu hóa chất rượu nhanh hơn.

Quất và chanh: Có tác dụng rất tốt trong việc giải rượu. Lấy một cốc nước ấm sau đó vắt chanh, thêm 1 chút đường, 1 chút muối để thức uống thêm đậm đà, dễ uống.

Dưa hấu: có tác dụng thanh nhiệt, làm rượu nhanh chóng được bài tiết qua đường nước tiểu.

Gừng: Thái gừng tươi thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Vị gừng nóng có tác dụng chống say rượu, vì gừng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể hấp thụ nhanh và giúp giải rượu.

Cà phê đậm đặc: Người say rượu, bia thường ngủ mê mệt. Lấy nước sôi pha một cốc cà phê đặc cho uống, một lúc sau sẽ tỉnh rượu.

Cháo nóng nấu loãng: Cho người say rượu húp một bát nước cháo nóng, nấu loãng sẽ hết say, vì chất cồn trong rượu gặp nước cháo loãng sẽ bị ngưng tụ lại làm cơ thể không hấp thụ được chất cồn nữa.  

Theo Ngô Đồng(CATP)