Người dân Đa Phước: Hơn 3.600 ngày sống chung với ô nhiễm

Gần 10 năm bãi rác hoạt động, đồng nghĩa với hơn 3.650 ngày người dân nơi đây phải hít thở bầu không khí ô nhiễm do rác. Và khi núi rác Đa Phước càng cao thì mùi hôi thối càng nồng nặc, đặc quánh.

Người dân Đa Phước: Hơn 3.600 ngày sống chung với ô nhiễm

Một góc bãi rác Đa Phước. Ảnh: Thảo Hương

Chịu mùi hôi thối quanh năm

Việc người dân xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM than phiền, chịu đựng mùi rác dường như không còn là chuyện lạ.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà T.N.T.H (58 tuổi) sống tại xã Đa Phước từ năm 1981 giãi bày: “Từ khi có bãi rác Đa Phước, người dân sống quanh khu vực này rất khổ, mùi hôi bốc lên nồng nặc mỗi ngày, bao nhiêu năm nay phải chịu đựng cảnh sống chung với mùi rác thải”.

Bà H cho biết cứ vào mỗi buổi chiều xe rác tập kết đến là mùi hôi lại bốc lên, ở trong nhà đóng cửa vẫn nghe mùi, ăn cơm phải chạy xuống dưới bếp mới nuốt được. Tầm 3 giờ sáng gia đình bà thường bị thức giấc vì mùi hôi nồng nặc khiến cả gia đình rất bực bội, mệt mỏi.

Dường như đã quá quen thuộc với việc này, coi như chấp nhận "sống chung với lũ", bà H. ngán ngẩm: “Mới đầu còn thấy khó chịu nhưng riết rồi buộc phải quen”.

Được biết mặc dù người dân địa phương đã gửi đơn kiến nghị lên chính quyền xã và công đoàn nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp tục, không hề có dấu hiệu chấm dứt.

Người dân Đa Phước: Hơn 3.600 ngày sống chung với ô nhiễm
Bà H. nói con kênh này đã bị ô nhiễm nặng nề do bãi rác. Ảnh: Lê Quyết

Cùng chung tâm trạng ngán ngẩm do chịu đựng tình trạng hôi thối suốt nhiều năm qua, bà N.T.L sống ở ấp 2, xã Đa Phước tỏ ra rất bức xúc khi nói về nạn ô nhiễm từ bãi rác hoành hành người dân: “Nói hoài cũng vậy thôi, ngày mới xuất hiện bãi rác chúng tôi còn kiến nghị lên ủy ban, chính quyền nhưng rồi bao nhiêu năm qua, đâu cũng lại vào đấy”.

Kể về những ảnh hưởng, khó chịu bởi thực trạng này, bà L. cho biết: “Mỗi buổi tối mùi thối bốc lên, tôi buộc phải đóng cửa, bịt kín cửa sổ để mùi hôi thối không bay vào nhà. Người lớn có sức đề kháng không sao chứ trẻ con bị ho, sổ mũi là chuyện xảy ra thường xuyên”.

“Mình nói hoài họ cũng không di dời nên đành chấp nhận sống vậy chứ biết sao bây giờ!”, bà L. chốt lại buổi nói chuyện bằng câu nói buông xuôi, chán chường.

Nhiều người dân khác cũng phản ánh nguồn nước nơi đây không chỉ màu vàng mà còn có mùi hôi, người lớn đã đành nhưng cả trẻ em cũng đang phải chịu những hệ lụy từ nguồn nước ô nhiễm. Ngoài ra, nước thải từ bãi rác rỉ ra môi trường chung quanh, chảy xuống ruộng lúa làm bà con không thể tiếp tục trồng trọt được. Cây cối trong vườn bị ảnh hưởng bởi nguồn nước cũng đang chết dần.

Giữa trưa nắng ngồi nghỉ chân gần nghĩa trang Đa Phước nhưng chúng tôi phải cố gắng điều tiết hơi thở vì không quen mùi rác thải bốc lên, lâu lâu lại xộc thẳng vào mũi khiến rất khó thở.

Trò chuyện với chú T. V. N, bảo vệ tại nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh hơn 10 năm nay, chú bảo mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe tải chở rác từ khắp mọi nơi tập kết về đây nên mới gây nên tình trạng ô nhiễm kinh khủng như vậy, nhiều người đi thăm mộ nhìn lên thấy núi rác không biết còn thắc mắc hỏi là núi gì. “Ban ngày ở bên ngoài làm việc phải chịu đựng mùi hôi đã đành, buổi tối đi làm mệt về nhà nghỉ nhưng mùi hôi xộc cả vào nhà cũng phải cố ngủ lấy sức để sáng hôm sau còn đi làm tiếp”, chú N. thở dài.

Trước đây khi mới có bãi rác, mỗi bữa cơm người dân còn phải giăng mùng ngồi trong đó ăn bởi vừa đặt chén cơm xuống là bị ruồi bu đen. Sau khi báo chí đưa tin phản ánh một thời gian thì thấy chấm dứt được nạn ruồi nhặng, tuy nhiên mùi hôi vẫn không thể hết được.

Người dân Đa Phước cho rằng sống gần bãi rác thì việc cuộc sống bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi, ở mức độ vừa phải thì bà con còn gắng chịu, nhưng cứ để mãi tình trạng ô nhiễm thế này, càng ngày càng nặng hơn thì không thể chấp nhận được. Mong muốn lớn nhất của người dân là tình trạng ô nhiễm môi trường sớm được giải quyết để cuộc sống sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo.

Theo phản ánh của người dân, mỗi lần nhân viên bãi rác xử lý rác là mùi hôi bốc lên rất kinh khủng, chả khác gì mùi xác động vật chết bị phân hủy. Chỉ tay về đứa cháu nội, bà H. nói: “Mỗi khi tắm cho cháu gia đình tôi đều phải nấu nước sôi, thế mà tuần trước phát hiện trên mình thằng bé nổi đầy mẩn đỏ. Đưa đi khám bác sĩ mới hay là bị dị ứng với nước. Chắc do nhà tôi dùng nguồn nước giếng khoan nên bị ảnh hưởng từ bãi rác”.

Kiến nghị thì có, hồi đáp thì không

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, Phó chủ tịch UBND xã Đa Phước, ông Phạm Thanh Hùng xác nhận việc người dân có phản ánh mùi hôi thối trên địa bàn. Dù không phủ nhận điều này, nhưng ông cho rằng thỉnh thoảng mùi hôi có phảng phất, tuy nhiêm mức độ vừa phải.

Trong báo cáo quý 1/2015, về thực trạng vận chuyển và xử lý rác tại bãi rác Đa Phước, UBND xã Đa Phước đã nêu rõ nhiều xe vận chuyển rác không đảm bảo kỹ thuật, gây mùi hôi, rò rỉ nước gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh mầm bệnh gây bức xúc cho dân. Thậm chí, người dân có hành vi tự phát chặn xe rác khi đang lưu thông, lôi kéo bà con khiếu nại tập thể…

Người dân Đa Phước: Hơn 3.600 ngày sống chung với ô nhiễm

Phó chủ tịch UBND xã Đa Phước, ông Phạm Thanh Hùng. Ảnh: Lê Quyết

Ông Hùng cho biết sau khi nghe phản ánh của dân địa phương, xã đã làm công văn gửi Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), là đơn vị chủ đầu tư tại bãi rác Đa Phước, đồng thời gửi công văn đến Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, nhất là mùi hôi.

Tuy nhiên, với trách nhiệm và quyền hạn của xã, ông Hùng cho biết chỉ có thể gửi công văn đến VWS đề nghị có biện pháp khắc phục, hoặc phối hợp với công an giao thông cho dừng xe chở rác, kiểm tra, xử phạt. Nhưng vẫn không thể giải quyết dứt điểm.

Ông Hùng còn bảo, thậm chí việc liên hệ với Công ty VWS cũng không hề dễ dàng, chẳng hạn để vào được Công ty VWS, xã phải làm công văn xin phép.

Việc chính quyền xã Đa Phước gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý doanh nghiệp trên địa bàn như vậy cũng không có gì khó hiểu bởi Công ty VWS thuộc sự quản lý trực tiếp của thành phố.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, giải thích về sự lo lắng của người dân về nguồn nước ngầm không đảm bản an toàn vệ sinh, ông Hùng cho biết đại bộ phận dân ở đây sử dụng nước hợp vệ sinh, tuy không phải do nhà máy nước cung cấp. Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh thường xuyên lấy mẫu nước để xét nghiệm, chưa phát hiện dấu hiệu ô nhiễm.

Về thông tin không chỉ Đa Phước mà nhiều địa phương khác cũng đang bị ảnh hưởng xấu từ bãi rác Đa Phước, ông Hùng cho biết: “Đến nay chúng tôi mới nắm được thông tin. Để giải quyết tình trạng này, có lẽ địa phương chúng tôi sẽ làm công văn kiến nghị”. Ông Hùng đưa ra nhận định, hiện đang mùa gió tây nam, thổi về hướng Nhà Bè, quận 7 thì khả năng đó vẫn có thể xảy ra.

Được biết UBND huyện Nhà Bè đã gửi công văn tới Sở Tài nguyên - Môi trường phản ánh tình trạng hoạt động của Khu xử lý rác Đa Phước thường xuyên phát sinh mùi hôi ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của người dân. Và trong những cuộc gặp gỡ trao đổi với chúng tôi, hầu hết người dân quận 7 đang chịu đựng mùi hôi từ bãi rác Đa Phước đều mong chính quyền và các cơ quan chức năng sớm được giải quyết tình trang ô nhiễm này.

Theo Thảo Hương - Lê Quyết (Một thế giới)