Người hất tung sạp rau của hàng rong: “Tôi chịu đựng 10 năm rồi!”

Người đạp đổ rau trong đoạn clip bức xúc: "Không phải tự nhiên tôi lại làm như vậy, mà đây là sự ấm ức suốt 10 năm trời".

Mới đây, trên mạng xã hội rầm rộ chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ mặc bộ đồ màu tím liên tục la lối và hất tung sạp rau của 1 người bán hàng vỉa hè ra đường, trong khi một người khác nhìn đống rau củ bị hất tung tóe.

Sau khi clip đăng tải trên mạng, hành động của người phụ nữ hất rau trở thành đề tài tranh luận sôi nổi với những ý kiến trái chiều.  Để hiểu rõ hơn về sự việc, chúng tôi đã đến gặp những người trong cuộc.

Clip người phụ nữ bán dép hất đồ của người bán rau

Thông tin được đăng tải trên mạng

"Biết mình bị quay clip, nhưng tôi quá nóng giận nên mặc kệ họ..."

Người phụ nữ hất đồ của người bán rau trong clip xôn xao những ngày qua là bà Nguyễn Ngọc Liên (49 tuổi, ngụ ấp Chợ, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Nói về hành động của mình, bà Liên ấm ức kể: "Khoảng 8h sáng 22/6, tôi đến ki-ốt của mình ở chợ Bến Súc để lấy đồ, nhưng vào trong không  được, vì đồ đạc, rau củ chất đầy lối đi. 

Tôi mới hỏi đồ của ai đây, thì Hòa trả lời của tao nè, của tao nè mày, rồi tiến lại tôi. Tôi mới nói của mày thì đem chỗ khác đừng có để trước cửa nhà tao. Hòa trả lời tao để thì mày làm gì tao.

Tức quá, tôi hốt đồ từ trong nhà quăng ra ngoài. Biết mình bị quay clip, nhưng tôi quá nóng giận nên mặc kệ họ muốn làm gì thì làm. 

Nói ra hết sức xấu hổ, đây cũng là mâu thuẫn gia đình, tôi là dì ruột của Hòa. Tôi chịu đựng nó đã 10 năm rồi. Không ngờ tôi bị quay clip rồi tung lên mạng, nên tôi sẽ nói ra hết".

Bà Liên cho rằng hành động hất rau của bà là sự bức xúc bị dồn nén trong nhiều năm trời.

Theo lời bà Liên, 10 năm trước bà có mua một lô đất tại chợ Bến Súc, tỉnh Bình Dương. Từ khi bà mua lô đất này thì bà Tân Kim Hòa (36 tuổi, cháu gọi bà Liên bằng dì ruột) mang xe bánh mì đến bán. 

Năm 2009 bà Liên xây xong ki-ốt, nhiều lần bà Liên nói với bà Hòa dời xe bánh mì đi để bà buôn bán, vì xe bánh của bà Hòa chắn ngay trước cửa ki-ốt của bà. Tuy nhiên, bà Hòa không đồng ý.

Bà Liên bức xúc vì 4 năm nay, dù bà Hòa không bán bánh mì nhưng vẫn để xe chặn trước ki-ốt. Bà Hòa còn cho những người bán hàng khác ngồi khiến ki-ốt của bà Liên bị chắn hết mặt tiền, lối đi.

Người phụ nữ này phân trần, bà mở ki-ốt là để làm ăn, nhưng tất cả hàng quán bị che khuất. Con cái bà không buôn bán được gì, đóng cửa suốt nên hàng hóa hư hỏng phải vứt đi. Có nơi bán mà các con bà phải đóng cửa đi làm công nhân. 

"Tôi đã nhiều lần gửi đơn lên UBND xã Thanh Tuyền nhờ can thiệp nhưng đến giờ vẫn vậy. Tôi thử đến nói chuyện với bà Thanh (mẹ ruột Hòa, chị ruột bà Liên – PV), nhưng bà ấy nói tao để xe trên đất của Nhà nước, không để trên đất của mày. 

Thấy vậy, tôi lại đến nói chuyện với bà Hiếu (người bán rau – PV) để bà này dẹp đi, nhưng bà này chỉ nói chị Hòa cho ngồi đó", bà Liên nói.

Theo bà Liên, 4 năm nay bà Hòa không bán bánh mì nhưng vẫn để xe trước ki-ốt. Theo ghi nhận của chúng tôi, chiếc xe bánh mì này bám đầy bụi, có nhiều chỗ bị rỉ sét, lâu ngày không được sử dụng.

Được biết, bà Mai Thị Hiếu (46 tuổi, người bị bà Liên hất rau) đến bán rau trước ki-ốt của bà Liên 2 năm nay. Sau khi bị hất rau ra đường, bà Hiếu vẫn tiếp tục ngồi bán tại đây.

Bà Hiếu nhớ lại: "Hôm đó đô thị tới dẹp hàng rong, tôi sợ quá nên để rau qua phía nhà bà Liên thì bà ấy quăng ra. 4 lần rồi, người ta không nói gì với tôi hết, miễn là tôi để rau trước cửa nhà thì người ta quăng thôi. Mà khi nào công an tới dẹp đường thì tôi mới để như vậy, chứ không phải lúc nào cũng để".

Bà Hiếu (phải) ngồi bán tại đây được 2 năm.

Khi được hỏi vì sao bị hất đồ hoài mà bà không bán chỗ khác, bà Hiếu quả quyết vì bà Hòa cho ngồi đó bán.  

"Chị Hòa nói khi nào chị dẹp xe thì tôi mới đi còn không thì cứ ngồi ở đây. Mọi ngày khoảng 6h sáng tôi ra đây bán, đắt thì trưa về, không thì ngồi đến chiều tối", bà chia sẻ.

Bà Phạm Thị Thu Hồng (43 tuổi, người bán hàng ở chợ) nói về lý do bà Hiếu bị hất rau:"10 năm nay bà Liên đã gom tiền những người ngồi bán trước cửa ki-ốt của bà ấy. Trong đó chị Hiếu cũng trả 20.000 đồng/ngày. 

Sau này, bà Liên kêu chị Hiếu gom tiền của người bán cá (đã nghỉ) dùm  nhưng chị thấy người ta bán ít cá nên không gom. Bà Liên liền đuổi chị Hiếu qua bên kia đường bán. Sau đó chị Hòa cho chị Hiếu qua đây bán lại.

Mấy lần bà Liên quăng đồ, tôi xuống kêu công an, đô thị nhưng không ai giải quyết. Không tin thì cứ đi hỏi hết những người bán ở phía trước ki-ốt của bà Liên xem có ai không bị góp tiền không?".

Chủ xe bánh mì từng chỉ tay vào mặt 1 cán bộ đô thị nói lời thô tục

Thế nhưng, trái ngược lời bà Hồng, nhiều người bán hàng tại đây khẳng định bà Liên không hề thu tiền của ai.

Bà Năm Trầu (người bán hàng trước ki-ốt của bà Liên, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) xác nhận, dù bà đã bán hàng hơn 1 năm nhưng bà Liên không lấy tiền. Bà chỉ phải đóng cho BQL chợ 5.000 đồng/ngày.

Bà Năm Trầu - ngồi bán trước kiot số 3 của bà Liên.

"Hôm đó công an đến nhanh quá, cô Hiếu mới dọn đồ qua ki-ốt của cô Liên làm cô không vào trong được mới quăng ra.

Sáng người ta ra đây bán thiếu gì, nhưng họ chỉ góp cho quản lý chợ 5.000 đồng để dọn vệ sinh, chứ bà Liên có lấy của ai đâu? Chỉ là khi ngồi phía sát trong đó người ta mới mướn thôi, nhưng tôi không biết bao nhiêu tiền", bà cho hay.

Một người bán hàng khác cho biết, không phải bà Liên gom tiền mà con gái bà tự nguyện thuê chỗ trước ki-ốt của bà Liên bán hàng với chi phí ban đầu 60.000 đồng/ngày, sau ế quá thì bà Liên lấy 50.000 đồng.

Người này cũng thông tin, hôm xảy ra sự việc, bà Liên quăng hết những gì ở trước ki-ốt chứ không riêng gì rau của bà Hiếu.

Bà Hòa

Nghe mọi người nói thế, bà Hòa đang bán trong sạp quần áo của gia đình (đối diện ki-ốt của bà Liên) cho hay, bà đã bán bánh mì ở đó từ khi nhà bà Liên chưa xây, chưa mua mảnh đất này.

Bà còn khẳng định mình để xe trên đất của Nhà nước, chứ không để trên đất của bà Liên và việc bà cho những người hàng rong khác ngồi bán là do thấy họ nghèo như mình nên san sẻ.

Ông Trần Minh Thuận cho biết việc xử lý người bán hàng lấn chiếm lòng lề đường là rất khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, ông Trần Minh Thuận, trưởng công an khu vực ấp Chợ cho biết, không riêng gì xe bánh mì của bà Hòa, hay hàng rau của bà Hiếu mà tất cả các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng lề đường lực lượng chức năng đều xử lý, nhưng rất khó khăn. 

Xe bánh mì của bà Hòa để ở lề đường đã hơn 4 năm không bán, nhưng mỗi lần công an đến xử lý thì cả nhà bà này ra làm khó, chửi bới.

"Tuần rồi chúng tôi nhờ sự hỗ trợ của lực lượng đô thị huyện xuống cùng giải quyết việc xe bánh mì lấn chiếm quá lâu thì cô Hòa ra chỉ tay vào mặt đồng chí Cảnh bên đô thị nói lời thô tục.

Mỗi lần đến là bà Hòa kéo cả gia đình ra chửi rất nhiều, mà toàn phụ nữ nên chúng tôi chưa xử lý được và không thể chạm vào xe bánh mì. Lực lượng đô thị đành phải về để xin ý kiến cấp trên", ông Thuận nói.

Theo Phạm An (Trithuctre)