NGƯỜI PHỤ NỮ GỐC VIỆT XÂY NỀN MÓNG CHO ẨM THỰC THUẦN CHAY TOÀN CẦU

Ngày 12/12/2015, sau hai tuần họp bàn trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu kỳ 21 COP21 tại Paris (Pháp), các nhà lãnh đạo thế giới đã đề nghị một hiệp ước mới về khí hậu, bao gồm ngăn chặn sự gia tăng khí thải nhà kính, giảm nhiệt độ toàn cầu xuống 20C, áp dụng kế hoạch tài chính về khí hậu với ngân sách 100 tỉ USD dành cho các quốc gia đang phát triển. 

Theo lịch trình, gần 200 đại biểu đa quốc gia sẽ biểu quyết ngay trong ngày hôm đó. Biết được thông tin này, một phụ nữ Mỹ gốc Việt đã nhanh chóng gửi một bức thông điệp khẳng định mạnh mẽ quan điểm đến những người đang “cầm cân nảy mực” về số phận của môi trường tự nhiên, như lời nhắc nhở cần phải cấp bách ban hành một đạo luật thuần chay. 

Nội dung bức thông điệp có đoạn: “Lá thư này chỉ là lời nhắc nhở rằng chỉ chi trả bằng tiền thôi thì không thể cứu được sinh mạng con người, nên quý vị hãy cứu mạng họ bằng cách biểu quyết thi hành đạo luật thuần chay để ổn định khí hậu. Nếu không, sự sống trên địa cầu sẽ bị hủy diệt, và chúng ta sẽ phạm vào tội lớn hơn tất cả những hành động giết hại và chiến tranh cộng lại”

Tuy COP21 kết thúc mà không đưa bức thư vào nghị sự, nhưng truyền thông thế giới được dịp biết đến tác giả là một nhà từ thiện gốc Việt, bà Thanh Hải, lúc đó đang sống và kinh doanh thành công rực rỡ ở Hoa Kỳ. 

“Sống xanh, ăn thuần chay, cứu địa cầu”

Bà Thanh Hải năm nay 66 tuổi, quê gốc Đức PhổQuảng Ngãi, sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có thân phụ là một đông y sĩ. Năm 19 tuổi, bà sang châu Âu du học, từ Anh, qua Pháp, và sau khi ra trường, bà làm thông dịch viên cho hội Chữ Thập Đỏ văn phòng tại Đức. Với công việc này, Thanh Hải đã sớm nhận thấy nỗi khổ đau luôn hiện hữu khắp nơi trên địa cầu, vì thế lòng khao khát tìm kiếm một đức tin giải thoát đã trở thành mục tiêu cao cả nhất trong cuộc đời bà. 

nguoi-phu-nu-goc-viet-xay-nen-mong-cho-am-thuc-thuan-chay-toan-cau

Năm 1989, bà đến Mỹ và xây dựng hệ thống các trung tâm thiền, song song với việc mở chuỗi nhà hàng chay tại các thành phố lớn, dần dần nhân rộng ra nhiều quốc gia khác. Vào năm 2014, chuỗi nhà hàng mang thương hiệu Loving Hut đã có gần 140 chi nhánh trên toàn thế giới, tạo ra doanh thu hàng triệu USD và cung cấp hàng ngàn việc làm cho người bản địa. 

 

Khi hoàn thiện xong chuỗi kinh doanh và cơ sở thiền định, bà Thanh Hải dồn sức cho sáng tạo nghệ thuật, từ hội họa, âm nhạc, thơ ca và đặc biệt là những thiết kế thời trang giàu tính thẩm mỹ.

 

Các sáng tạo của bà đã nhanh chóng chinh phục tín đồ nghệ thuật khắp Âu – Mỹ, mang lại nguồn thu nhập dồi dào. Từ dòng tiền này, bà Hải thiết lập được nguồn quỹ độc lập hàng chục triệu USD, giúp cho các hoạt động nhân đạo không biên giới vận hành hiệu quả mà không phải huy động từ bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào. 

 

Nhờ những hoạt động thiện nguyện không mệt mỏi này, năm 2008, bà được chính phủ Mỹ trao bằng công dân danh dự Hoa Kỳ và trao tặng nhiều giải thưởng danh giá khác. Cũng trong năm đó, trong một dự kiện môi trường tại Úc và New Zealand, bà phát động chiến dịch truyền thông trên bình diện quốc tế kêu gọi mọi người "Hãy sống xanh, ăn thuần chay, cứu địa cầu"!

Chặt một cây phải trồng lại hai cây, phải thay đổi cách sống 

Tại Nhật Bản, trong bài nói chuyện trước một hội nghị biến đổi khí hậu năm 1997, với chủ đề “Cảnh giác một lần nữa”, bà kiên trì phân tích nguy cơ nhân loại phải gánh chịu hậu quả nặng nề khi thiên nhiên tiếp tục bị xâm hại, đồng thời đặt thẳng vấn đề bảo vệ thiên nhiên là trách nhiệm của mỗi người chứ không phải riêng ai. 

Là người ủng hộ nhiệt huyết cho việc hình thành thói quen ăn chay trên phạm vi toàn cầu, và bản thân đã ăn chay trường gần 50 năm, bà Thanh Hải muốn chính đồng bào của mình là những người tiên phong. 

“90% người Ấn ăn thuần chay vẫn là một đất nước công nghiệp phát triển, vẫn giàu bản sắc, thể hình dân Ấn vẫn tráng kiện. Ở Việt Nam, trên thực tế đang có hàng triệu người ăn chay trường hoặc ăn chay định kỳ theo niềm tin tâm linh, có hàng ngàn quan bán đồ chay ở khắp mọi nơi. Điều đó chính là dấu hiệu để kỳ vọng”, bà Hải nhận định. 

Tuy vẫn chưa có dịp quay về thăm quê hương, nhưng người phụ nữ gốc Việt này vẫn luôn đau đáu và nặng lòng với xứ sở. “Chưa đủ duyên lành để trở lại nơi chôn rau cắt rốn nhưng từ trong thâm tâm tôi, tình cảm thiêng liêng về nguồn gốc chưa bao giờ phai nhạt. Khi ngủ tôi cũng mơ thấy Việt Nam, mơ thấy sông thấy núi thấy rừng Việt Nam. Giờ đây, qua báo chí truyền hình, nhận ra đất nước ngày càng thịnh vượng và tươi đẹp, tôi cảm thấy sung sướng và quá đỗi tự hào”, bà Hải chia sẻ. 

BÍCH PHƯỢNG