Những trang bị an toàn trên ô tô hay bị lái xe sử dụng sai cách

Ngày nay, ô tô được trang bị rất nhiều hệ thống hỗ trợ an toàn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, các hệ thống an toàn lại bị dùng sai cách.

Cách đây vài năm, các công nghệ an toàn trên ô tô dường như là một thứ gì đó rất xa xỉ, gần như chỉ thấy trên xe sang. Nhưng hiện nay, các công nghệ này đã ngày càng phổ biến hơn. Thậm chí giữa các hãng xe còn diễn ra một “cuộc chạy đua” công nghệ, mang đến nhiều lợi ích cho người dùng.

Hệ thống an toàn bao gồm nhiều tính năng, công nghệ nhằm bảo vệ người lái và hành khách, tăng cường độ an toàn, giảm thiểu các rủi ro khi xe di chuyển. Hệ thống an toàn trên ô tô có vai trò rất quan trọng song nhiều tài xế vẫn chưa tận dụng và phát huy hết công dụng hoặc sử dụng chưa đúng cách.

Cài dây an toàn không đúng cách

Dây đai an toàn không thể thiếu trên mỗi chiếc ô tô, giúp ngăn chặn quán tính người ngồi va đập vào phía trước, giảm thiểu chấn thương. Tuy nhiên, thắt dây an toàn ô tô phải đúng cách mới mang đến hiệu quả.

Nhiều người cho rằng không thắt dây an toàn sẽ có hệ thống túi khí bảo vệ xung quanh. Trên thực tế, nếu không thắt dây an toàn đúng cách, theo quy định thì hệ thống túi khí sẽ không tự động bung ra để bảo vệ. Vì thế, người dùng cần thắt dây an toàn theo hướng dẫn từ nhà sản xuất.

nhung-trang-bi-an-toan-tren-o-to-hay-bi-lai-xe-su-dung-sai-cach

Ô tô được trang bị rất nhiều hệ thống hỗ trợ an toàn nhưng nhiều người thường sử dụng sai cách. Ảnh minh họa 

Tắt hệ thống cảnh báo an toàn trên ô tô

Hệ thống cảnh báo an toàn trên ô tô gồm nhiều thiết bị cảnh báo khác nhau. Trong đó cảnh báo điểm mù và cảnh báo va chạm thường xuyên bị người dùng tắt do điều kiện giao thông thường xuyên tắc đường, hay có xe máy di chuyển qua các góc khó quan sát. Việc tắt hoàn toàn hệ thống cảnh báo an toàn là việc không nên vì nó hỗ trợ rất nhiều trong các trường hợp khó quan sát khi lái xe.

Ngày nay, một số hãng ô tô đã cải tiến hệ thống cảm biến này bằng cách cho phép điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện giao thông. Do đó, thay vì tắt hẳn hệ thống cảnh báo, chủ xe có thể chọn nhiều cách cài đặt hệ thống trên gương hay hiển thị nhắc nhở trên màn hình.

Hiểu sai thông báo cảm biến áp suất lốp

Cảm biến áp suất lốp thực hiện nhiệm vụ kiểm soát áp suất bên trong bánh xe. Bánh xe quá mềm hay quá căng đều có thể gây nguy hiểm trong quá trình di chuyển. Cảm biến áp suất lốp giúp kiểm soát áp suất hơi bên trong lốp xe ở mức phù hợp. Nếu có bất thường cảm biến sẽ cảnh báo đến chủ xe, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn.

Nhiều chủ xe thắc mắc vì sao đã bơm lốp nhưng xe vẫn hiện thông báo kiểm tra áp suất bánh xe. Trên thực tế, xe phải di chuyển một đoạn đường, áp suất bánh xe mới được đo lại. Khi đó cảnh báo trên bảng đồng hồ mới biến mất. Nếu di chuyển một quãng đường ngắn sau khi bơm nhưng cảnh báo vẫn tiếp tục gửi đến người dùng thì đây là một dấu hiệu cho thấy cảm biến áp suất lốp bị lỗi.

Cảnh báo quá tốc độ chậm hơn thực tế

Rất nhiều ô tô trên thị trường hiện nay chưa có công nghệ nhận dạng biển báo giao thông. Như vậy, thông tin về tốc độ tối đa trên các tuyến đường thường nằm sẵn trong bản đồ của hệ thống dẫn đường trên xe. Khi hệ thống định vị của xe xác định xe đang chạy quá tốc độ giới hạn, hệ thống sẽ phát âm thanh cảnh báo qua các loa trên xe.

Nhưng thực tế rất nhiều hệ thống giải trí trên xe có GPS nhận tốc độ chậm hơn thực tế từ 5-10km/h. Đây cũng là mức vượt quá tốc độ bị xử phạt. Do đó để đảm bảo xe luôn đi đúng tốc độ giới hạn, lái xe nên nhìn đồng hồ trung tâm của xe, kết hợp với thông tin giới hạn tốc độ của hệ thống định vị, thay vì chờ hệ thống này phát âm thanh cảnh báo quá tốc độ.

Tiêu chuẩn an toàn trên xe ô tô

Dù không phải bắt buộc tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới nhưng các tiêu chuẩn đánh giá an toàn cho xe ô tô lại được xem là “chứng nhận” để người dùng yên tâm lựa chọn.

Có nhiều tổ chức đánh giá an toàn ô tô được thiết lập trên thế giới và hoạt động theo các tiêu chí khác nhau ở mỗi thị trường. Tuy nhiên, Chương trình đánh giá xe mới NCAP (New Car Assesment Program) được xem là quen thuộc nhất hiện nay.

Chương trình NCAP đầu tiên do Cơ quan an toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ lập ra vào năm 1979. Chương trình này được thành lập nhằm khuyến khích các nhà sản xuất chế tạo phương tiện an toàn hơn. Trải qua nhiều năm, Chương trình đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất để tạo ra những chiếc xe đạt được chất lượng tốt nhất.

Đến năm 1997 chương trình thử nghiệm xe tại châu Âu (Euro NCAP) được thành lập tại Anh và hỗ trợ bởi Liên minh châu Âu mô phỏng theo chương trình của Mỹ. Các chương trình NCAP sau đó được thành lập với mục tiêu tương tự.

Tại khu vực Đông Nam Á, chương trình đánh giá xe mới của Đông Nam Á (ASEAN NCAP) là chương trình đánh giá tính năng an toàn ô tô trong khu vực. Tổ chức này có trụ sở tại Malaysia, hoạt động độc lập và là thành viên của hệ thống Global NCAP.

Mục đích ASEAN NCAP nhằm nâng cao tiêu chuẩn an toàn phương tiện, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và do đó khuyến khích thị trường cho các phương tiện an toàn hơn trong khu vực. Đây cũng là tổ chức quen thuộc nhất với người dùng xe hơi tại Việt Nam cùng với tiêu chuẩn được cấp bởi Euro NCAP.

Trên thực tế, việc kiểm định và công bố xếp hạng sao theo các tiêu chuẩn an toàn là không bắt buộc. Để đủ điều kiện pháp lý bán hàng và lưu thông trên mỗi thị trường cần đáp ứng có các quy định khác nhau. Chẳng hạn, tại Việt Nam, Cục Đăng kiểm sẽ là cơ quan kiểm định xem các mẫu xe có đảm bảo an toàn và đủ tiêu chuẩn để bán ra thị trường hay không.

Ở nhiều nước, đây chưa là chứng nhận bắt buộc. Tuy nhiên, sau 20 năm hoạt động, tiêu chuẩn 5 sao của Euro NCAP gần như là bắt buộc đối với những chiếc xe tại thị trường châu Âu. Hay chẳng hạn tại Malaysia, các hãng xe bắt buộc phải công bố số sao đạt chuẩn ASEAN NCAP khi bán ra thị trường.

Quy chuẩn quốc gia về an toàn kỹ thuật đối với xe ô tô

Ngày 31/12, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký ban hành Thông tư số 87/2015/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô.

Theo đó, quy chuẩn này quy định các yêu cầu để kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các kiểu loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được định nghĩa tại TCVN 6211 "Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu - Thuật ngữ và định nghĩa" và TCVN 7271 "Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng".

Quy chuẩn áp dụng đối với các Cơ sở sản xuất, lắp ráp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu xe, linh kiện của xe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe, linh kiện của xe.

Các loại ô tô phải đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật được nêu trong quy chuẩn về: kích thước, khối lượng, động cơ và hệ thống truyền lực, hệ thống lái, hệ thống phanh, hệ thống treo, hệ thống nhiên liệu, hệ thống điện, khung và thân vỏ, thiết bị nối-kéo, khoang lái, ghế người lái, khoang chở khách, ghế khách, đệm tựa đầu, dây đai an toàn, cửa lên xuống, cửa thoát khẩn cấp, khoang chở hàng, khoang chở hành lý, kính an toàn trên xe, ống xả, đèn chiếu sáng và tín hiệu, tấm phản quang, gương chiếu hậu, gạt nước, còi, đồng hồ tốc độ, bình chữa cháy, quy định về bảo vệ môi trường, yêu cầu riêng đối với xe dành cho người khuyết tật... 

Theo VietQ