Nổ pháo Tết Bính Thân, 98 người nhập viện

Theo Bộ Y tế, trong 3 ngày (từ 30 đến mùng 2) Tết Bính Thân 2016, có 98 trường hợp nhập viện do pháo nổ, tăng gấp đôi so với Tết Ất Mùi 2015.

Trong số 98 trường hợp này không có ai tử vong. Cao nhất trong cả nước là Quảng Ngãi, với 17 trường hợp nhập viện, trong đó 15 trường hợp nhập viện do sự cố pháo hoa tại quảng trường thành phố; bên cạnh đó cũng có 31 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, song không có ca tử vong.

no-phao-tet-binh-than-98-nguoi-nhap-vien

Người dân thành phố Quãng Ngãi xem bắn pháo hoa tại quảng trường thành phố, đêm Giao thừa Tết Bính Thân 2016 (ảnh cắt từ clip Báo Điện tử Quảng Ngãi)

Năm ngoái, vào dịp Tết Ất Mùi, Bộ Y tế cho biết báo cáo nhanh từ các cơ sở y tế trong cả nước cho thấy từ ngày 27 Tết đến ngày 2 Tết Ất Mùi đã ghi nhận 46 trường hợp nhập viện do pháo nổ, trong đó cao điểm nhất là đêm Giao thừa và mùng 1 Tết với 31 trường hợp nhập viện do pháo nổ, tiếp đến là ngày Mùng 2 có 7 trường hợp. Các ngày còn lại ghi nhận rải rác mỗi ngày 2-4 trường hợp

no-phao-tet-binh-than-98-nguoi-nhap-vien

Xác pháo sau khi nổ (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, từ 1/1/1995, nước ta cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước.

Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định việc vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng.

Nếu sử dụng các loại pháo mà không được phép, sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng - 2.000.000 đồng.

Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng.

Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC giữa Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ngày 25/12/2008 quy định tại điểm b và điểm d, phần 1 mục III của Thông tư, người nào mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh buôn bán trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn bán hàng cấm. Nếu thực hiện việc mua bán trái phép qua biên giới pháo nổ thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu. Tuy nhiên, người có hành vi vi phạm sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10 kg trở lên hoặc dưới 10 kg nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

Không chỉ có hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ pháo nổ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hành vi sử dụng trái phép pháo nổ (hay còn gọi là đốt pháo) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt thấp nhất của tội phạm này là phạt tiền từ một triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến hai năm và cao nhất là phạt tù đến 7 năm.

Theo Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội