Nỗi buồn điên điển

Là đặc sản của mùa nước nổi miền Tây nhưng bông điên điển đang giảm dần về số lượng do tác động từ nhiều yếu tố. Dù người dân đang hướng đến việc trồng loại cây này nhưng vẫn không thể giúp cho điên điển trở lại thời kỳ “hoàng kim” của nó.

Đã có một thời, cây điên điển xuất hiện dày đặc trong mắt người dân vùng lũ. Điên điển rất gần với đời sống dân quê, bởi thứ hoa đồng cỏ nội ấy phân bố khá rộng theo những cánh đồng trắng nước, có khi ở cạnh mấy nhịp cầu tre hay thậm chí sát mái hiên nhà.

“Thời nước còn vô đồng, điên điển nhiều vô kể. Muốn ăn thì bỏ công đi hái một chút là được cả rổ mang về.

Người ta chỉ hái đủ ăn, bởi suốt mấy tháng liền điên điển cứ tồn tại cho đến khi nước rút” - ông Trần Văn Tấn, người dân xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), nhớ lại.

Với bông điên điển, người ta có thể làm ra đủ món ngon. Các bà nội trợ có thể xào bông điên điển với tép hay làm rau ghém ăn với mắm kho.

Nhiều người lại thích bông điên điển nấu canh chua với bông súng, cá đồng. Nói chung, bông điên điển vừa ngon lại vừa dễ tìm trong thiên nhiên vào cái thời dân miền Tây còn "Sống chung với lũ.

Nỗi buồn điên điển

Người dân không còn mặn mà với cây điên điển trồng (ảnh minh họa)

Theo thời gian, nhu cầu canh tác nông nghiệp của con người tăng lên đã khiến cây điên điển giảm dần phạm vi phân bố.

Bông điên điển không còn dễ tìm mà ở tận những cánh đồng xa, muốn hái phải chống xuồng cả buổi. Hiện nay, khi con người phải làm quen với việc sống… không có lũ thì cây điên điển cũng trở nên hiếm hoi dần.

“Mấy năm trước, tôi còn chống xuồng đi hái bông điên điển về bán tại các chợ để có thu nhập trong mùa nước. Bây giờ, cây điên điển tự nhiên rất khó tìm nên tôi phải bỏ “nghề” mà chuyển sang công việc khác.

Nhiều chị em trong xóm cũng “thất nghiệp” như tôi” - chị Trà Thị Hằng, người dân xã Ô Long Vĩ (Châu Phú), chia sẻ.

Theo chị Hằng, điên điển hiện nay chủ yếu do người dân tự trồng để bán tại các chợ. Cây điên điển tự nhiên chỉ còn phân bố lác đác cặp mé kênh, mé sông nên dù có bỏ công đi hái suốt ngày cũng chẳng được bao nhiêu.

Điên điển tự nhiên đã khó tìm, người trồng điên điển cũng khó có thể đảm bảo số lượng để cung cấp cho thị trường. Giống điên điển không khó tìm nhưng việc trồng với diện tích lớn lại rất khó khăn.

“Tôi có trồng thử 2 công điên điển vào mùa nước năm trước. Điên điển phát triển tốt, cho bông nhiều nhưng ngặt nỗi thời điểm thu hoạch thường là lúc 2 - 3 giờ sáng.

Vì không đủ nhân công bẻ bông nên tôi không kịp giao cho bạn hàng. Nhiều lần như vậy họ không chịu mua mà bông điên điển cũng nhanh tàn, không bán được nữa” - ông Nguyễn Văn Hậu, nông dân xã Đào Hữu Cảnh (Châu Phú), thật tình.

Mùa nước năm nay, nhiều nông dân như ông Hậu cũng không còn mặn mà với cây điên điển. Nếu có trồng, họ chỉ canh tác vài hàng đủ ăn trong gia đình.

Nếu bông nhiều thì mang ra chợ bán 2-3kg/ngày kiếm thêm thu nhập. Bởi, giá trị kinh tế của điên điển không thực sự cao nên người nông dân cũng khó lòng gắn bó với loại cây này.

Vì nguồn điên điển tự nhiên khan hiếm mà điên điển trồng cũng không dồi dào nên giá của loại đặc sản này vẫn nằm ở mức 18.000-20.000 đồng/kg (ở thời điểm này).

Có nơi, điên điển được bán với giá 23.000-25.000 đồng/kg. Chị Trịnh Thị Cúc, tiểu thương chợ Kênh 7 (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú), cho biết: “Năm nay, nguồn điên điển không dồi dào như trước.

Người ta mang đến giao cho tôi 3 - 4 kg/ngày để bán, tính ra chỉ bằng phân nửa năm trước. Hơn nữa, dân mình bây giờ cứ khoái điên điển đồng, mà loại này bây giờ đâu dễ tìm”.

Theo chị Cúc, điên điển đồng có bông to, vị ngọt và lâu tàn hơn điên điển trồng nên được nhiều người ưa chuộng.

Dù là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng bông điên điển lại đang mất dần “vị thế” của loại đặc sản vùng, miền.

Trong tương lai, khi mùa nước nổi tiếp tục không về thì mùa điên điển vàng đồng cũng chỉ còn là ký ức của dân miền Tây một thuở!

Theo baoangiang