Nữ sinh tự tử vì bị kỷ luật ở An Giang: Hình thức kỷ luật "bêu tên", cấm túc học sinh đã không còn phù hợp

Nhiều giáo viên, chuyên gia tâm lý cho rằng, vụ việc nữ sinh lớp 10 tại An Giang tự tử để chứng minh bị phạt oan cảnh tỉnh những giáo viên hà khắc, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Liên quan đến vụ việc nữ sinh lớp 10 trường THPT Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) tự tử trong nhà vệ sinh để chứng minh bị kỷ luật oan, cơ quan chức năng đã vào cuộc, làm rõ. Tuy nhiên, từ những thông tin gia đình, nhà trường và bước đầu xác định nguyên nhân của Sở GD&ĐT An Giang cho thấy nhà trường đã có những hình thức kỷ luật chưa đúng, gây ảnh hưởng tới tâm lý học sinh.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh, giáo viên và chuyên gia tâm lý cũng đều cho rằng, cách kỷ luật của giáo viên và trường THPT Vĩnh Xương đã không thực sự vì học sinh mà đó là sự lạm quyền.

Hình thức "bêu tên" học sinh vi phạm, cấm túc học sinh và giáo dục quy tắc ứng xử vào đầu giờ sáng cũng không phù hợp.

Từ vụ việc nói trên, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, nhà trường luôn phải đề cao tính giáo dục trong trường học, dù kỷ luật cũng phải mang tính giáo dục, giúp các em nhìn rõ khuyết điểm và khắc phục, chuyển biến để không vi phạm nữa.

Hiện nay, giáo dục học sinh tích cực không phải tìm lỗi sai của học sinh, quan trọng là giúp học sinh nhìn thấy điểm hạn chế của mình mà khắc phục, mà cố gắng sửa.

"Nhà trường cần áp dụng có hiệu quả việc kỷ luật tích cực, thể hiện tình yêu thương đối với học sinh. Giáo viên không thể áp đặt mà không kể cảm xúc, suy nghĩ học sinh. Tư tưởng áp đặt, kỷ luật nặng theo kiểu "thương cho roi cho vọt" đã quá lạc hậu, không còn phù hợp với hiện nay" - TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

nu-sinh-tu-tu-vi-bi-ky-luat-o-an-giang-hinh-thuc-ky-luat-beu-ten-cam-tuc-hoc-sinh-da-khong-con-phu-hop

Nữ sinh lớp 10 tại An Giang nằm điều trị tại bệnh viện và bức thư tuyệt mệnh. Ảnh: TL

Nhiều năm công tác trong dạy học, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội cho rằng, những hình thức kỷ luật chưa phù hợp, cần thay đổi càng sớm càng tốt như:

Đánh, véo tai, vụt bằng thước, kéo tóc…; trường hợp tự ý lấy kéo cắt tóc dài của học sinh cũng là vi phạm thân thể học sinh. Những học sinh bị phạt như vậy về mặt nỗi đau tinh thần có khi còn hơn cả nỗi đau thể xác. Những trường hợp như vậy bị xã hội lên án, phụ huynh phản ứng.

"Đối với trường hợp đuổi học sinh ra khỏi lớp, đình chỉ học tập trong tiết học cũng cho thấy đây là hành động có thể gây nguy hiểm và có thể có hậu quả nằm ngoài suy nghĩ của giáo viên.

Giáo viên nhiếc móc, mắng mỏ học sinh thậm tệ về mặt tâm lý đó là những nhát dao vô hình, xúc phạm học sinh, coi sự cố gắng của học sinh lâu nay bị phủ nhận. Nếu học sinh bị dồn nén mà phản ứng lại thì có thể cũng bị ảnh hưởng đến danh dự, hình ảnh của mình.…", thầy Trần Mạnh Tùng chia sẻ.

Liên quan đến vụ nữ sinh lớp 10 ở An Giang nghi tự tử do bị phạt oan, trao đổi với báo chí, Bộ GD&ĐT cho biết, ngay khi nhận được thông tin, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang đã có báo cáo về Bộ.
 
Bộ đã chỉ đạo Sở trực tiếp xác minh làm rõ sự việc, đồng thời nhấn mạnh, trường THPT cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên học sinh, giúp em ổn định tinh thần và sớm quay trở lại học tập bình thường.

Trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm - Hiệu trưởng và bà Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 7/12 do có một số sai sót trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý.

Đó là tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định. Trường áp dụng hình thức nêu vi phạm của học sinh trước toàn trường là chưa đúng.

Liên quan đến vấn đề kỷ luật học sinh, mơi đây, Bộ GD&ĐT đã hoàn tất thời gian lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo (lần 2) Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. 

Theo Dự thảo, nhà trường xem xét thực hiện các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực hoặc áp dụng các hình thức kỷ luật khác (khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm). Trong đó, bãi bỏ quy định nêu tên học sinh vi phạm kỷ luật dưới cờ.

Theo GiaDinh