Phạt 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp 490 triệu đồng

Bộ Công Thương đã kết thúc điều tra và xử phạt 4 doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm pháp luật với tổng số tiền phạt 490 triệu đồng.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 9/2017, trên toàn quốc chỉ còn 36 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC), giảm 46% so với cuối năm 2015, trong đó có 1 doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động.

Còn theo tổng hợp số liệu báo cáo của 35 doanh nghiệp BHĐC, tổng số lượng người tham gia BHĐC tính đến hết tháng 6/2017 là 361.592 người, giảm 276.045 người (43%) so với cuối năm 2016.

Tổng doanh thu BHĐC 6 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 3.067 tỷ đồng, tương đương 39% doanh thu toàn ngành năm 2016. Doanh thu BHĐC chủ yếu đến từ thực phẩm chức năng (72%), và mỹ phẩm (25%). Doanh thu từ đồ gia dụng, quần áo thời trang, thiết bị và mặt hàng khác chỉ chiếm 3%.

Đáng chú ý, việc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có quy mô lớn nhất trong hoạt động BHĐC thực hiện chấm dứt hoạt động vào tháng 4/2017 là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người tham gia BHĐC tiếp tục giảm mạnh so với cuối năm 2016 (giảm 43%).

“Hoạt động BHĐC vẫn chủ yếu tập trung vào 2 nhóm mặt hàng chính là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm (chiếm 92% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 72%). Đây là những mặt hàng rất khó xác định giá trị thật nên rất dễ xảy ra tình trạng giá bán hoàn toàn thoát ly giá trị cũng như giá trị sử dụng”, Bộ Công Thương cho biết.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực BHĐC, trong năm 2017, Bộ Công Thương đã kết thúc điều tra và xử phạt 4 doanh nghiệp BHĐC có hành vi vi phạm pháp luật về BHĐC với tổng số tiền phạt 490 triệu đồng.

Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy bị xử phạt 140 triệu đồng. Ảnh: Kinh tế Đô thị

Trong đó, Công ty Cổ phần Queenet Quốc tế là doanh nghiệp bị xử phạt với số tiền lớn nhất (240 triệu đồng); tiếp theo là Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (140 triệu đồng), Công ty TNHH World Việt Nam (80 triệu đồng) và Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm (30 triệu đồng). Ngoài ra, Bộ Công Thương đã kết thúc việc kiểm tra hoạt động BHĐC đối với 2 doanh nghiệp và đang tiến hành các thủ tục để xử lý vi phạm của công ty này.

Các hành vi vi phạm của doanh nghiệp BHĐC bị phát hiện và xử lý chủ yếu liên quan đến việc không thực hiện thủ tục đề nghị cấp bổ sung, thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo người tham gia BHĐC theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp BHĐC duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng BHĐC, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia BHĐC; không thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo quy định của pháp luật hoặc cung cấp thông tin sai lệch về công dụng của hàng hóa BHĐC nhằm dụ dỗ người tham gia BHĐC...

Để quản lý chặt chẽ hoạt động BHĐC, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục nhiệm vụ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC. Hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện Dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới.

Đặc biệt, công tác quản lý cần được tiếp tục tăng cường trên 3 trụ cột: Duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là ở các địa phương; Hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật tới người dân.

Bảo Bình

Theo VietQ

*Xem thêm:

'Quái vật' Thiên Ngọc Minh Uy 'hút máu' thế nào suốt 11 năm?

 

Sau 11 năm hoạt động dưới tên Thiên Ngọc Minh Uy, công ty này đã mở rộng địa bàn hoạt động ra hầu hết các tỉnh với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người.

Thiên Ngọc Minh Uy có tiền thân là công ty Sinh Lợi. Năm 2006, Sinh Lợi bị Sở Thương mại TP.HCM ra quyết định thu hồi giấy phép bán hàng đa cấp vì hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng gây thiệt hại nghiêm trọng.

'Quái vật' Thiên Ngọc Minh Uy 'hút máu' thế nào suốt 11 năm?

 Chi nhánh của công ty Thiên Ngọc Minh Uy. (Ảnh: Internet).

Không chịu thua, “cha đẻ” của Sinh Lợi – một thương gia người Trung Quốc “bay” ra Hà Nội xin cấp phép hoạt động với tên mới là Thiên Ngọc Minh Uy, tiếp tục mở chi nhánh hoạt động ở TP. HCM và nhiều tỉnh thành khác.

Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty Thiên Ngọc Minh Uycó tên nước ngoài là Thiên Ngọc Minh Uy Company Limited, viết tắt là Thiên Ngọc CO.,LTD. Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi đến 15 lần, lần gần nhất là vào ngày 10/7/2015.

Điều đáng nói, số vốn điều lệ của công ty này là 10 tỷ đồng với 3 thành viên góp vốn là nữ. Cụ thể bà Lê Thị Phương Thảo (trú 12/2 cư xá Lữ Gia, phường 15, Quận 11, TP.HCM) góp vốn 5 tỷ, tương đương 50%. Hai người còn lại góp vốn 2,5 tỷ, tương đương 25% là Nguyễn Thị Xuyến (Đội 10, xã Hà Châu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) và bà Lâm Nữ (63/6A Nguyễn Thị Nhỏ, phường 9, QuậnTân Bình, TP. HCM).

Người đại điện theo pháp luật của công ty là bà Lâm Nữ với chức danh “Giám đốc”, người Hoa, sinh ngày 15/10/1984. Còn trụ sở chính thì đặt tại số A6/D11+A7D11/Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nghề nghiệp, trình độ của ba người góp vốn cũng không được nêu rõ trong các giấy tờ liên quan.

Hàng ngày, các “chuyên viên cao cấp” của Thiên Ngọc Minh Uy thi nhau rót vào tai người dân rằng các phương pháp kinh doanh truyền thống rất tốn công sức, thời gian mà hiệu quả thu về chẳng là bao trong khi kinh doanh theo kiểu của Thiên Ngọc Minh Uy sẽ chẳng mất gì, lại được tất cả.

Lợi dụng niềm tin và đánh trúng vào lòng tham của nhiều người, đặc biệt là những người có trình độ thấp, thất nghiệp muốn mau chóng đổi đời, nhưng lại lười lao động, Thiên Ngọc Minh Uy ráo riết mở rộng mạng lưới hòng vắt kiệt tài chính để thu lợi nhuận từ nhân viên của họ.

Bán sản phẩm chỉ là việc phụ, mở rộng mạng lưới mới là công việc chính của các nhân viên bán hàng đa cấp bởi như vậy, doanh thu bán hàng sẽ nhỏ, kéo theo nộp thuế ít. Trong khi đó, lợi nhuận của công ty lại rất lớn do sự đóng góp từ các thành viên mới.

Chính vì thế, một số người ví von công ty này giống như một con "quái vật chuyên hút máu người".

Video: Thiên Ngọc Minh Uy và chiêu săn “gà” vào tròng đa cấp (Nguồn: ANTV Youtube)

Tháng 3/2016, Thiên Ngọc Minh Uy là cái tên gây nhiều chú ý trong dư luận khi bị đưa vào danh sách 7 công ty kinh doanh đa cấp cần phải thanh tra. Tuy nhiên, ngày công bố kết quả thanh tra sau đó liên tiếp bị trì hoãn.

Đến ngày 11/7/2016, Bộ Công Thương mới chính thức ra thông báo. Tuy nhiên, kết quả thanh tra vẫn vắng bóng cái tên là Thiên Ngọc Minh Uy.

Phải đến tận đầu năm 2017, những sai phạm tại công ty Thiên Ngọc Minh Uy mới được công bố. Theo đó, các sai phạm cụ thể là: Một số sản phẩm thực phẩm chức năng tại kho của công ty có nhãn gốc chưa đúng với nhãn gốc đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường.

Một số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp của công ty ký với nhà phân phối không ghi đầy đủ thông tin của nhà phân phối theo quy định.

Công ty cũng chưa thực hiện việc đào tạo cơ bản, cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp và cấp thẻ thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp theo quy định cho toàn bộ nhà phân phối đang hoạt động.

Ngoài ra còn nhiều sai phạm khác liên quan đến sản phẩm kinh doanh hay giá trị tiền mặt khuyến mại mà nhà phân phối có thể được hưởng từ từng đơn hàng có thể vượt quá giá trị của đơn hàng đó.

Video: Có Đòi Được Tiền Đa Cấp Lừa Đảo? (Nguồn: VTV24 Youtube)

Theo báo cáo của các sở công thương, trong năm 2016, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy cùng các đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp của mình đã vi phạm 80 lượt đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42 và pháp luật có liên quan tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng.Theo đó, công ty này đã bị xử phạt tới 215 triệu đồng và là công ty bị phạt nhiều nhất năm 2016.

Tuy nhiên, phải đến ngày 25/4, công ty Thiên Ngọc Minh Uy mới có đơn xin tự dừng hoạt động bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương cho biết, hiện đang tiến hành các quy trình chấm dứt hoạt động, để công ty này giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp.

Bộ yêu cầu doanh nghiệp này có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Người tham gia bán hàng đa cấp có bất kỳ khiếu nại về việc công ty chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với mình có thể gửi yêu cầu.

Theo Vtc