Phát hiện nhiều vi khuẩn gây bệnh liên quan đến vụ ngộ độc ở cơm gà Trâm Anh

Kết quả kiểm nghiệm các mẫu thức ăn, nước máy tại quán cơm gà Trâm Anh (Nha Trang, Khánh Hòa) cho thấy có chứa vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và Staphylococcus

Theo Viện Pasteur Nha Trang, ngày 13/3 vừa qua, đơn vị đã tiếp nhận 14 mẫu gồm 4 mẫu thực phẩm, 4 mẫu bàn tay và 6 mẫu nước được bảo quản trong thùng kín có đá gel xung quanh, nhiệt độ bên trong thùng bảo quản mẫu là 4 độ C. Tiếp đó, ngày 15/3 vừa qua, đơn vị tiếp nhận thêm 1 mẫu thực phẩm và 4 mẫu bệnh phẩm liên quan đến vụ việc nói trên.

Kết quả, trong mẫu hành phi gửi mẫu ngày 13/3 phát hiện vi khuẩn Salmonella; rau (dưa chua) phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus và vi khuẩn Escherichia coli; bàn tay bà L.T.B.L dương tính với Staphyloccocus aureus (tụ cầu vàng); trong mẫu nước máy tại vòi khu vực chế biến phát hiện vi khuẩn Escherichia coli và vi khuẩn Coliform; trong mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa nước giếng dùng để rửa dụng cụ phát hiện vi khuẩn Escherichia coli, vi khuẩn Coliform và vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa.

Mẫu gửi "cơm chan sốt trứng" và "gà xé" do người dân mua còn lưu trữ gửi ngày 15/3 đều có Salmonella và Bacillus cereus, riêng mẫu gà xé có thêm Staphylococcus aureus; còn trong mẫu nuôi cấy phân của bệnh nhân có khuẩn Salmonella spp.

Vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và Staphylococcus aureus nguy hiểm tới mức nào?

Các bác sỹ cho biết, có nhiều loại vi khuẩn tồn tại trong thực phẩm dễ gây ngộ độc. Thực phẩm có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, chế biến, nấu nướng như bảo quản không đúng cách, không nấu chín kỹ, tay bẩn chạm vào thức ăn, thực phẩm quá hạn sử dụng, lây nhiễm chéo...

Vi khuẩn Salmonella

Theo các chuyên gia y tế, Salmonella là loại vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, chủ yếu di chuyển bằng roi quanh thân. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh xuất phát từ nguồn thực phẩm ô nhiễm (bị nhiễm phân người hoặc phân động vật) mà người bệnh ăn phải. Người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Salmonella thường do ăn thịt sống, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng, sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến lúc phát bệnh) có thể từ 6 giờ - 6 ngày.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi nhiễm khuẩn Salmonella bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng. Tuy nhiên, có tới 8% trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu.

phat-hien-nhieu-vi-khuan-gay-benh-lien-quan-den-vu-ngo-doc-o-com-ga-tram-anh

Ảnh minh họa 

Thông thường, người bệnh bị nhiễm khuẩn salmonella sẽ có xu hướng nhầm lẫn với chứng đau dạ dày thường gặp. Trong đó, một số dấu hiệu điển hình phải kể đến gồm tiêu chảy; đau quặn bụng; sốt; buồn nôn; nôn mửa; ớn lạnh; đau đầu; xuất hiện máu trong phân. Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy thường xuất hiện khoảng 10 ngày nhưng có thể mất vài tháng trước khi ruột trở lại thói quen đại tiện ổn định.

Vi khuẩn Bacillus cereus

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho biết, vi khuẩn Bacillus cereus là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, xếp sau Salmonella. Bacillus cereus phổ biến trong môi trường, trong phân, đất, nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử và đề kháng với nhiệt cao.

Bacillus cereus phát triển tốt nhất trong khoảng từ 4 đến 48 độ C, sinh sôi nhiều trong khoảng 28 đến 35 độ C. Thực phẩm chứa độc tố của vi khuẩn này thường gây hai dạng ngộ độc. Dạng thứ nhất, độc tố gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, khởi phát nhanh trong vòng 6 giờ sau khi ăn. Dạng thứ hai xảy ra chậm hơn, từ 6 đến 15 giờ, gây tiêu chảy khi vi khuẩn ở trong đường ruột. Điều quan trọng, thức ăn chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn tiếp tục sinh sôi, tiết ra độc tố gây độc (nếu thức ăn này đã nhiễm Bacillus cereus trước đó).

Thực phẩm càng bẩn, bảo quản và chế biến không tốt thì càng dễ ngộ độc. Vi khuẩn này cũng có thể gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng (dù hiếm gặp), tùy thuộc vào cơ địa và cách xử trí ban đầu, điều trị cấp cứu...

Vi khuẩn Staphylococcus aureus - Khuẩn tụ cầu vàng 

Chuyên gia y tế cho biết vi khuẩn tụ cầu vàng thường có trong các loại thực phẩm như thịt gia cầm, các loại đồ hộp... Nguồn lây chính là do vệ sinh kém trong quá trình chế biến hay bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, có thể lây chéo từ các thực phẩm hết hạn sử dụng... Khuẩn tụ cầu vàng khi xâm nhập cơ thể sẽ phát triển và sản xuất ra nhiều nội độc tố, có thể gây các triệu chứng của bệnh đường ruột. Biến chứng nặng có thể gây ngộ độc cấp như tiêu chảy, choáng, nôn và sốt.

Theo VietQ